Vào nội dung chính
IRAN - BẦU CỬ TỔNG THỐNG

Iran tiến bước hay thụt lùi?

Mỹ, Pháp, Iran có điểm gì chung? Những thử thách đang chờ tổng thống hai nước Tây phương và Iran (bầu hôm nay) đều chiếm trang nhất của báo chí Pháp 19/05/2017.

Tổng thống Iran mãn nhiệm Hassan Rohani đi bỏ phiếu, Teheran, ngày 19/05/2017.
Tổng thống Iran mãn nhiệm Hassan Rohani đi bỏ phiếu, Teheran, ngày 19/05/2017. President.ir/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Không phải là chuyện ngẫu nhiên mà Donald Trump, Emmanuel Macron và Hassan Rohani đều chiếm nhiều trang của báo chí Pháp. Macron buộc các bộ trưởng tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc « tương trợ, bảo mật, tinh thần đồng đội » để tránh những chuyện « trống đánh xuôi, kèn thổi ngược » như đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ Hollande là tin chính của Le Figaro. Nhưng ngay bên cạnh là hai tin quốc tế: Robert Muller, vị thẩm phán đặc biệt làm tổng thống Donald Trump run rẩy. Tổng thống Iran Rohani liệu có tái đắc cử hay là phe bảo thủ sẽ lên?

Nhật báo kinh tế Les Echos cảnh báo: Ebrahim Raisi là môn đồ của chủ nghĩa « tự cường » không chơi với ai. Tuy nhiên, tổng thống mới dù là ai cũng phải đối phó với quả bom nổ chậm là nạn thất nghiệp: cứ ba người Iran thì có một người « ăn không ngồi rồi ».

Dầu hỏa làm tăng thất nghiệp

Cũng theo chiều hướng này, Libération đánh dấu hỏi trên bài phóng sự dài: Liệu Iran có quay về quá khứ? Trên giấy tờ thì tổng thống mãn nhiệm Hassan Rohani có nhiều lợi thế hơn đối thủ cực bảo thủ Ebrahim Raisi: Trong nhiệm kỳ của Rohani, Iran ký được thỏa thuận hạt nhân với Tây phương, giải tỏa cấm vận kinh tế và dầu hỏa. Lạm phát từ 40% thời tổng thống bảo thủ Ahmadinejad xuống còn 10%, tăng trưởng kinh tế 7,5%. Tuy nhiên, chính sách lấy nguồn dầu hỏa trợ cấp dân nghèo theo mô hình thất bại của Venezuela đã gây ra hệ quả ăn không ngồi rồi, mất sáng kiến kinh doanh và làm hơn 40% thanh niên thất nghiệp. Chính thành phần bị bỏ rơi bên lề xã hội này được giáo sĩ cực bảo thủ Ebrahim Raisi tìm cách chinh phục.

Nếu Hassan Rohani thắng, chính sách cởi mở kinh tế sẽ tiếp tục, xã hội sẽ thoáng hơn là với một tổng thống giáo điều. Do vậy, ván cờ chính trị nội bộ Iran qua bầu tổng thống được La Croix thẩm định là có giá trị « quyết định » số phận « kinh tế » xứ Ba Tư, cho dù thực quyền chính trị nằm trong tay giáo chủ Ali Khamenei, được gọi là lãnh đạo tối cao. Chính vì lãnh đạo tối cao đã 77 tuổi, sức khỏe lại mong manh, cho nên nhìn xa hơn, Le Monde cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Iran ngày 19/05 này còn là một cuộc trưng cầu dân ý giữa hai mô hình xã hội: hoặc là theo chế độ độc đoán kiểu Putin, như chủ trương của phe Ebrahim Raisi không chơi với Mỹ, hoặc là theo con đường tự do hóa kinh tế theo kiểu Trung Quốc.

Nếu Hassan Rohani đắc cử nhiệm kỳ hai thì nhà chính trị theo xu hướng cải cách ôn hoà có thể vừa tiếp tục mở cửa kinh tế, vừa dọn đường thay thế Giáo chủ Ali Khamenei. Còn nếu ông thất cử thì Iran sẽ rơi vào thời kỳ đình trệ nhưng không thể bế quan tỏa cảng quay về quá khứ.

« Lưới Shi-a » bao trùm khu vực

Trong mặt trận địa chính trị, lực lượng vệ binh cách mạng của Iran đã thành công xây dựng một « xa lộ Shi-a » như đan lưới trong khu vực Trung Cận Đông để phát huy ảnh hưởng. Chiến lược của Teheran-Matxcơva và Hezbollah-Liban là làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong vùng.

Theo nhà bình luận Alain Frachon của Le Monde, tướng Mohammad Ali Jafari, tư lệnh lực lượng vệ binh Hồi Giáo của Iran, cánh tay quân sự của chế độ giáo quyền, có thể đi xuyên suốt từ Iran, Irak, Syria mà « không cần visa » vì nơi nào cũng là nhà. Phe Shi-a Irak, một thời bị Saddam Hussein ngược đãi, sỉ nhục không quên ơn Iran đồng hệ phái Shi-a. Người Kurdistan-Irak cũng nhờ Iran, trước cả Mỹ và Pháp, cứu trợ khi bị Daech tấn công dồn dập.

Chế độ Bachar al Assad ở Syria, nếu không có Iran yểm trợ từ hậu cần cho đến tài chính, từ vũ khí cho đến chiến binh thì đã sụp đổ từ lâu. Phe Hezbollah áp đảo chính trường Liban là nhờ có Iran đưa vũ khí. Từ vùng Vịnh cho đến Địa Trung Hải, chế độ Hồi Giáo Iran có cả một « xa lộ Shi-a » nối liền Teheran, Bagdad, Beyrouth và Damas, theo mô tả của một chuyên gia Mỹ. Cả khu vực lo ngại. Israel thường xuyên oanh kích các đoàn xe chở vũ khí của Iran cung cấp cho Hezbollah, không cho tiến về cao nguyên Golan. Ả Rập Xê Út, vì muốn chống lại ảnh hưởng của Iran, nên phải ủng hộ kẻ thù nguy hiểm nhất của vương triều là Al Qaida. Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan, cường quốc Su-ni duy nhất không thuộc khối Ả rập, cũng lên án nguy cơ « bành trướng của Iran ».

Donald Trump chia sẻ quan điểm của Ankara, thỏa thuận hạt nhân dừng lại ở mức độ giải trừ vũ khí, không mở đường bình thường hóa quan hệ Mỹ-Iran. Nhà Trắng và Quốc Hội Mỹ cũng thông hiểu quan ngại của hai đồng minh Ả rập Xê Út và Israel. Người ta chờ đợi tổng thống Mỹ, nhân chuyến công du Trung Cận đông sẽ thông báo bán một khối lượng vũ khí mới cho Ryiad và lên án Iran là yếu tố gây bất ổn trong khu vực.

Theo nhà phân tích Alain Frachon, đã có tổng thống Donald Trump suy tính đến kịch bản hợp tác với Putin để tìm một giải pháp cho Syria, tống lực lượng can thiệp của Iran về nước. Hy vọng này, theo chuyên gia thế giới Shi-a Vali Nasr, là một « ảo vọng ». Chuyên gia người Mỹ gốc Iran này giải thích : trục Nga-Iran-Hezbollah không phải là một liên minh nhất thời mà nó bắt nguồn từ một lý do sâu xa : làm ảnh hưởng Mỹ suy yếu.

Nếu Washington muốn Kremlin nhượng bộ thì phải đánh đổi bằng một món hàng thật nhiều giá trị, chẳng hạn Ukraina. Nhưng điều này đòi hỏi phải có một chiến lược gia tài ba cỡ Richard Nixon ở Nhà Trắng. Nhưng hiện nay, chủ nhân Nhà Trắng lại là Donald Trump.

Donald Trump : tu thân chưa xong …muốn bình thiên hạ

Trong bối cảnh nội bộ bất ổn, tổng thống Mỹ Donald Trump chu du quốc tế. Chuyến du hành qua Arập-Xê Út, Israel, Vatican trước thượng đỉnh NATO và G7 cho phép nhà tỷ phú - vốn không thích đi xa - tạm quên phần nào không khí căng thẳng ở Washington, sau một loạt tai tiếng do chính ông gây ra.

Một đại thẩm phán điều tra Donald Trump và nước Nga. Tổng thống Mỹ sang Trung Đông để tái lập uy tín không đúng lúc. Hai tựa lớn của Les Echos. Vòng công du đầu tiên và « tế nhị » của tổng thống Donald Trump, La Croix cảnh báo.

Robert Muller, một nhà điều tra đang bám theo xe của Donald Trump là tựa của Libération. Thẩm phán đặc biệt Robert Muller có nhiệm vụ điều tra mối quan hệ giữa những người thân cận của Donald Trump với chính quyền Nga trong giai đoạn tranh cử. Một sự lựa chọn tuyệt vời, nhật báo cánh tả trích phản ứng của nữ thượng nghị sĩ Dân Chủ Dianne Feinstein. Cựu lãnh đạo FBI có thẩm quyền độc lập hơn một thẩm phán bình thường, không bị cách chức trừ khi phạm lỗi nghiêm trọng. Robert Muller có đủ quyền hạn như thẩm phán Kenneth Starr, người đã làm lung lay chiếc ghế tổng thống của Bill Clinton trong vụ Monica Lewinski. Đây là một vố đau và là một bất ngờ cho Nhà Trắng.

« Monsieur le Président... »

Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị báo chí Pháp cảnh báo. Bất bình vì bị giới hạn hoạt động săn tin, 15 hiệp hội nhà báo và toà soạn đã ký một bức thư ngỏ gửi chủ nhân điện Elysée.

Vẫn dành cảm tình nồng hậu cho tổng thống mới nhưng báo chí Pháp không nương tay khi thấy có vấn đề.
Với tựa « thăm dò đầy tiên, báo động đầu tiên », nhật báo Le Figaro cho biết, sau một loạt thành công từ đắc cử vẻ vang cho đến thành lập chính phủ đoàn kết làm đảng Xã Hội và đảng Người Cộng Hoà chới với, tân tổng thống Emmanuel Macron đụng với thực tế đầu tiên: Kết quả thăm dò ý kiến cho thấy ông chỉ được 45% dân chúng tín nhiệm, thấp hơn ba vị tiền nhiệm. Điểm khích lệ là trong hai cuộc thăm dò này, đảng Cộng Hoà Tiến Bước được từ 27% đến 32% cử tri cho biết sẽ bầu cho trong cuộc chạy đua vào Quốc Hội vào tháng Sáu, giành đa số tuyệt đối, bỏ xa hai đảng cánh hữu và cực hữu.

Tuy nhiên, nhiều nhật báo Pháp đã đăng một bức thư ngỏ gửi tổng thống vào lúc ông lên đường sang Mali thăm một đơn vị viễn chinh chống thánh chiến. Nội dung bức thư, do 15 tổ chức phóng viên và toà soạn (AFP, Phóng Viên Không Biên Giới, Libération, Le Point, TF1…) kêu gọi : Thưa tổng thống, Elysée không có vai trò chọn nhà báo tháp tùng các chuyến công du hay kinh lý. Tuy (nhà báo) ý thức nhu cầu an ninh và chỗ ngồi có giới hạn, nhưng việc lựa chọn phóng viên là vai trò của toà soạn chứ không phải là của ban đặc trách truyền thông của phủ tổng thống. Nhân danh tự do báo chí, không một vị tiền nhiệm nào hành xử như thế. Lẫn lộn giữa báo cáo và truyền thông đa chiều về các chuyến đi của tổng thống sẽ làm hại nền dân chủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.