Vào nội dung chính
MỸ - NGA

Cuộc gặp Trump-Lavrov : Nga đăng ảnh, Nhà Trắng bối rối

Tranh cãi hiện đang bùng lên dữ dội sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump bị nhật báo The Washington Post ngày 15/05/2017 cho là đã tiết lộ các « bí mật quốc phòng » nhân cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hôm 10/05 vừa qua tại Nhà Trắng. Tranh cãi này đã khiến dư luận bớt chú ý đến vụ hình ảnh cuộc gặp đó đã bị phía Nga công bố một hôm sau, trong lúc phía Mỹ hoàn toàn giữ kín. Theo báo chí Mỹ, Nhà Trắng đã bị bất ngờ và khá bối rối vì đã lại sơ suất, để bị Điện Kremlin lợi dụng !

Tổng thống Mỹ Donald J. Trump (T) tiếp ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng - Washington DC, ngày 10/05/2017.
Tổng thống Mỹ Donald J. Trump (T) tiếp ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng - Washington DC, ngày 10/05/2017. HO / RUSSIAN FOREIGN MINISTRY / AFP
Quảng cáo

Một trong những bức ảnh cho thấy ông Donald Trump tươi cười bắt tay ngoại trưởng Lavrov. Đại sứ Nga ở Washington, ông Serguei Kisliak, đứng bên cạnh hai người trong Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng.

Cuộc tiếp xúc được xem như một cú tuyệt vời của ngành ngoại giao Nga, với ngoại trưởng Lavrov được Mỹ trải thảm đỏ, chỉ vài tháng sau khi Washington thông báo các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Theo hãng tin Pháp AFP, các nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, hôm 11/05, đã tự hỏi về lý do tổng thống Mỹ chấp nhận đón tiếp hai quan chức Nga như thế, một vinh dự thường chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia, và nhất là trong bối cảnh đó là những nhân vật trọng tâm của một vụ tai tiếng chính trị không nhỏ ở Mỹ.

Chính quyền Mỹ vẫn còn bị vướng vào vụ tai tiếng liên quan đến việc nhiều người thân cận ông Donald Trump, bị tố cáo thông đồng với quan chức Nga, trong đó có đại sứ Kisliak, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng cử viên Trump trước đối thủ Hillary Clinton trong cuộc tranh cử tổng thống năm ngoái, 2016. Hiện có 3 cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành ở Quốc Hội Mỹ và cơ quan FBI.

Theo AFP, những hình ảnh về cuộc tiếp đón ở Nhà Trắng được công bố tạo ra cảm nhận là Nga đã giành được một thắng lợi trên bình diện ngoại giao và Nhà Trắng đã bị thao túng. Hãng tin Pháp ghi nhận là chính bộ Ngoại Giao Nga đã công bố các bức ảnh trên tài khoản Flickr của họ, với ghi chú của chính phát ngôn viên bộ này là : « Phía Mỹ không yêu cầu đừng công bố ảnh » !

Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Matxcơva đã lên tiếng châm biếm : « Xin chúc mừng các đồng nghiệp đã có được những hình ảnh này ! Một cú ngoạn mục đấy ! ».

Trước công chúng thì Nhà Trắng cố giữ vẻ bình thản. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders, đã gạt ngang những lời chỉ trích, và cho là việc tổng thống Mỹ gặp ngoại trưởng Nga chỉ là « chuyện bình thường ». Thế nhưng trong nội bộ, các quan chức phủ tổng thống Mỹ đã rất giận dữ trước điều mà họ cho là lạm dụng sự tin tưởng.

Theo họ, chính tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu có cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng Lavrov và ông Trump, để đáp ứng lại việc ông Putin đã tiếp kiến ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Matxcơva.

Nhà Trắng được thông báo là sẽ có một nhiếp ảnh gia chính thức của Nga có mặt tại cuộc gặp, ngầm cho hiểu là hình ảnh chụp được chỉ dành cho tư liệu – không phải là để công bố ngay. Một trợ lý Mỹ nói gọn sau cuộc gặp : « Nhiếp ảnh gia của chúng ta và của họ đều có mặt, thế thôi. » Nhưng khi các bức ảnh được truyền thông Nga công bố trên toàn thế giới thì quả nhiên Nhà Trắng đã vô cùng tức giận vì đã bị lừa như vậy.

Đô đốc Mike Rogers, giám đốc bộ phận nghe lén và theo dõi của NSA, trong cuộc điều trần hôm thứ 11/05 vừa qua, giải thích là ông không hề được tham khảo ý kiến liên quan đến khả năng tin tặc nhắm vào cuộc gặp ở Nhà Trắng và ông cũng không nghe thấy là cơ quan NSA đã được tham khảo.

Cuộc gặp tại Phòng Bầu Dục diễn ra vài giờ sau khi lãnh đạo FBI, James Comey, bị ông Trump cách chức. FBI đang điều tra về khả năng có sự thông đồng giữa ê kíp vận động tranh cử của ông Trump với phía Nga trong thời gian qua hay không.

Việc đại sứ Nga Kisliak hiện diện trong Phòng Bầu Dục càng làm sự nghi ngờ gia tăng, vì quan hệ giữa ông và một số nhân vật thân cận của ông Trump là đầu mối nghi ngờ. Michael Flynn, đã phải rời chiếc ghế giám đốc an ninh quốc gia vào tháng Hai, vì đã giấu việc đã có trao đổi với đại sứ Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.