Vào nội dung chính

Eurovison 2017: Phong cách mộc mạc Bồ Đào Nha lên ngôi

Cuộc thi ca nhạc Eurovision 2017 tại Kiev (Ukraina) khép lại hôm 13/05/2017, với chiến thắng của ca sĩ Bồ Đào Nha Salvador Sobral, 27 tuổi. Đây là lần đầu tiên, Bồ Đào Nha giành được giải thưởng này. Bài hát của ca sĩ Bồ Đào Nha gây ấn tượng với phong cách trình bày mộc mạc.

Ca sĩ Bồ Đào Nha Salvador Sobral (T), cùng người chị Luisa, tác giả ca khúc đoạt giải Eurovision 2017, vui mừng sau chiến thắng tại Kiev (Ukraina) ngày 13/05/2017.
Ca sĩ Bồ Đào Nha Salvador Sobral (T), cùng người chị Luisa, tác giả ca khúc đoạt giải Eurovision 2017, vui mừng sau chiến thắng tại Kiev (Ukraina) ngày 13/05/2017. REUTERS/Gleb Garanich
Quảng cáo

Amar Pelos Dois” (tạm dịch là "Yêu cho cả hai"), bài hát giành giải thưởng được ca sĩ hát lên bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình, chứ không phải bằng tiếng Anh như thường thấy. Trả lời báo giới, ngay sau chiến thắng, ca sĩ cho biết, "chiến thắng này là vinh quang của âm nhạc”. Theo anh, “âm nhạc không phải là pháo bông, mà chính là tiếng hát của lòng người”.

Bài hát của ca sĩ Bồ Đào Nha gây ấn tượng với phong cách trình bày mộc mạc, khác hẳn với lối diễn trình diễn hoa mỹ thường thấy của nhiều ca sĩ đương đại.

Thời khắc xúc động của Eurovision, với 200 triệu khán thính giả hôm qua, là khi Salvador Sobral trình diễn cùng với chính người chị Luisa Sobral, tác giả bài hát, sau khi giải thưởng được công bố.

Đại diện của Pháp, nữ ca sĩ Alma, chia sẻ : "Bài hát đẹp xứng với giải thưởng được trao tặng… Thật tuyệt vời khi thấy các giá trị gia đình được vinh danh".

Eurovision là giải ca nhạc do Liên Minh Phát Thanh và Truyền Hình Châu Âu tổ chức hàng năm. Có 42 quốc gia tham dự năm nay .

Chiến thắng của Salvador Sobral được đón nhận nồng nhiệt tại Bồ Đào Nha, quốc gia vốn chỉ đứng thứ sáu là cao nhất trong toàn bộ lịch sử 62 năm của giải.

Eurovision : Quyết tâm gắn bó với châu Âu của Ukraina

Eurovision ra mắt lần đầu tiên tại Thụy Sĩ năm 1956, đúng vào thời kỳ đầu của Chiến Tranh Lạnh. Giải năm nay diễn ra trong lúc miền đông Ukraina chiến sự vẫn âm ỉ, giữa phe ly khai thân Nga với lực lượng ủng hộ chính quyền. Ít nhất bốn thường dân thiệt mạng hôm qua tại Addiivka, gần Donetsk, một thủ phủ của phe nổi dậy. Tổng thống Ukraina Porochenko thông báo không tham dự cuộc thi vì lý do này.

Đối với Ukraina, đăng cai tổ chức cuộc tranh tài ca nhạc Eurovision năm nay là một cách để bày tỏ sự gắn bó với châu Âu, với các giá trị tự do và dân chủ. Năm ngoái 2016, nữ ca sĩ Ukraina Susana Jamaladinova, biệt danh "Jamala", đoạt giải nhất Eurovision, với ca khúc 1944. Jamala có cha là người Tatar (ở bán đảo Crimée, bị Nga sáp nhập từ năm 2014), và mẹ là người Armenia.

Bài hát 1944 nhắc lại một hồi ức đau đớn trong lịch sử của sắc tộc Tatar, bán đảo Crimée. Vào chính năm này, chính quyền Staline đã ra lệnh đưa gần như toàn bộ sắc dân này đến các vùng hẻo lánh tại Trung Á. Có đến một nửa trong số họ đã chết trong thời gian bị lưu đày.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.