Vào nội dung chính
TỰ DO MẬU DỊCH - HOA KỲ

Hiệp định TPP có thể vận hành dù không có Mỹ ?

Khi Donald Trump ký lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định TPP, nhiều người cho rằng văn kiện phải thương thảo gay go giữa 12 nước Thái Bình Dương trong đó có Mỹ, Nhật và Việt Nam... đã bị khai tử. Thế nhưng trong bài viết mang tựa đề « Liệu Hiệp định TPP có thể vẫn được thúc đẩy mà không cần Mỹ hay không ? Can TPP go ahead without America ? » dưới một tiểu tựa « Trở về từ cõi chết – Back from the dead », tuần báo Anh The Economist, số 04/05/2017 đã cho rằng dù không có Mỹ, hiệp định vẫn có lợi cho 11 nước còn lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/01/2017 đã ký lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/01/2017 đã ký lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

The Economist nhắc lại bối cảnh : Chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức, Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định tự do mâu dịch với 12 thành viên mà người tiền nhiệm Obama muốn để lại như di sản của ông ở châu Á. Khi làm như vậy, ông Trump chỉ thực hiện lời hứa lúc vận động tranh cử...

11 nước còn lại bị chấn động, không chỉ là vì thái độ của tân tổng thống Mỹ, thù ghét vai trò truyền thống của Hoa Kỳ vốn cổ vũ cho một trật tự thương mại mở rộng, dựa trên quy tắc pháp luật, mà nhờ đó vùng Châu Á-Thái Bình Dương đã hưởng lợi nhiều nhất. Các nước còn bị sốc là vì nếu không có Mỹ, tập trung 3/5 GDP của cả khối, thì TPP đúng là, theo từ ngữ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, « không có ý nghĩa gì cả ».

Nói cho cùng thì sau khi phải đổ biết bao công sức và vốn liếng chính trị để đạt được thỏa thuận được ký kết vào cuối năm 2015, mà chỉ có Nhật Bản là đã phê chuẩn, thì lúc tổng thống Trump ký lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP, gần như mọi người đều đồng ý là Hiệp Định đó chỉ đáng được chôn vùi.

Cuộc họp hồi sinh

Nhưng 3 tháng sau, tình hình quả là đã khác hẳn. Tại Toronto, trong tuần qua (hai ngày 02-03/05), 11 quốc gia còn lại trong TPP –Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc, Việt Nam – đã gặp nhau để thảo luận về phương cách thúc đẩy hiệp định đối tác mà không có Mỹ. Vào cuối tháng 5, các quốc này sẽ gặp lại nhau ở Hà Nội để bàn thảo sâu hơn. The Economist tin chắc rằng ở Hà Nội, TPP sẽ được hồi sinh.

Đối với tuần báo Anh, điều này, thoạt nhìn có vẻ kỳ quặc. Nhưng, cho dù ông Trump tự cho là TPP bất lợi cho Mỹ, chính những nước khác trong hiệp định đã phải ‘nhượng bộ’ nhiều nhất trong việc mở cửa thị trường của mình. Họ làm như vậy vì trọng lượng to lớn của thị trường Mỹ. (Bản thân mức thuế mà họ dựng lên cũng không tốt cho những người tiêu dùng của họ, nhưng điều đó chưa bao giờ là mối quan tâm chính trị của các nước đó.)

Một số nước, như Nhật Bản chẳng hạn, còn xem TPP là một dấu ấn thể hiện quyết tâm chiến lược của Mỹ, can dự vào châu Á trước một Trung Quốc ngày càng vươn lên. Cho nên họ hứa hạ thấp hàng rào thuế quan, mở cửa công nghiệp dịch vụ cho đầu tư và cạnh tranh, tăng cường bảo vệ tác quyền và thắt chặt chuẩn mực môi trường. Và như một số người thúc đẩy hiệp định nhận định, đó là thực sự là một thỏa thuận có « chuẩn mực thượng đẳng ».

Dù không có Mỹ, với TPP Việt Nam vẫn được lợi

Deborah Elms thuộc trung tâm Asian Trade Centre, một nhóm tham vấn thương mại tại Singapore, đánh giá là 11 nước còn lại trong hiệp định vẫn có lợi to lớn khi tham gia khối này, cho dù không có Mỹ... Những nước nghèo nhất như Việt Nam cũng được lợi, công ty may mặc, giày dép với nhân công rẻ, sẽ được lợi khi thâm nhập thị trường các thành viên khác giàu hơn.

Bà Elms nêu ví dụ Úc đánh thuế 9,5% trên quần áo tắm. Nếu tính mỗi một người ưa thích biển có ít ra 3 hay 4 bộ áo tắm, thì chỉ riêng Úc thôi đã là một thị trường béo bở đối với các chiếc bikini hay quần bơi khác của Việt Nam.

Một số khía cạnh của việc thực thi một thỏa thuận không có Mỹ có thể còn dễ dàng hơn. Ví dụ như Việt Nam, một nước Cộng Sản, đã bị buộc phải chấp nhận một bản phụ lục với Mỹ về những chuẩn mực lao động cao hơn, kể cả việc cho phép các công đoàn lao động độc lập. Nay Mỹ rút đi, điều không mấy được Việt Nam ưa thích cũng bi bỏ đi theo.

Nhưng đa số quốc gia đã ngần ngại, không muốn bị xem là đi đầu trong việc làm sống lại TPP – chỉ có New Zealand luôn là nhà vô địch kiên trì của tự do mậu dịch. Đối với một số nước, Malaysia, Singapore, Việt Nam, mối quan ngại lớn là câu lạc bộ được hồi sinh này không bị xem là một sáng kiến chống lại Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, ngược lại thì đây là điểm cốt yếu, tuy rằng Tokyo chưa bao giờ công khai thừa nhận. Mối quan ngại lớn đối với Nhật, nước lệ thuộc vào Mỹ trong lãnh vực an ninh, là làm sao để không bị xem là chống lại Trump.

Nhật Bản năng nổ trong việc khôi phục TPP

Chuyến đi đánh golf của ông Abe tại Mar-a-Lago với tổng thống Mỹ vào tháng Hai vừa qua đã rất có lợi. Thông cáo chung hai bên sau đó khẳng định Nhật « tiếp tục thúc đẩy tiến bộ khu vực trên cơ sở những sáng kiến hiện hữu ». Nói cách khác, ông Trump « ban phép lành » cho Nhật thúc đẩy TPP tiếp tục đi tới.

Cuộc họp ở Hà Nội là sáng kiến của Tokyo. Phần lớn thành viên khác, sau khi được trấn an là một TPP hồi sinh sẽ không chống Trung Quốc, mà cũng không chống Trump, đã sẵn sàng đi theo.

Một loạt đàm phán đa phương khác đang được tiến hành để tự do hóa mậu dịch ở Châu Á trong khuôn khổ khối Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực gọi là RCEP, mà một số người, theo The Economist, đã nhầm tưởng là một sáng kiến của Trung Quốc và tỏ ra nghi kỵ.

Thực ra, như đại sứ lưu động Singapore Bilahari Kausikan đã nhấn mạnh, RCEP là sáng kiến của 10 quốc gia Đông Nam Á ASEAN, và dự kiến sẽ hòa nhập vào những thỏa thuận mà ASEAN có với sáu đối tác khác. Trong đó dĩ nhiên là có Trung Quốc, nhưng 4 nước khác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và nước thứ sáu là Ấn Độ, một nước mà ông Kausikan cho là « khó có thể bị xem là con rối của Trung Quốc ».

Mặt khác thì phạm vi của TPP và RCEP có thể gần sát nhau hay « hòa nhập » vào nhau vì có chung 7 thành viên. Tuy nhiên RCEP không thuộc diện có « chuẩn mực thượng đẳng ». TPP sẽ mở cửa tất cả dịch vụ cho tất cả các thành viên, trong lúc khi cuộc thương lượng về RCEP, hiện chỉ đi những bước chậm chạp, từ một cơ sở thấp. Bà Elms từng nêu một ví dụ: các bên trong RCEP đã xem như một bước đột phá lớn khi thành viên ASEAN đồng ý với nhau về việc cho phép nước ngoài cạnh tranh trên thị trường giao hàng ăn bằng xe hai bánh !

Tuy nhiên còn phải làm nhiều việc trước khi TPP vươn lên trở lại. Ê kíp 11 nước còn lại cần phải tìm ra từ ngữ để giải quyết việc thỏa thuận năm 2015 liên quan đến 12 thành viên. Điều này cũng có thể tìm ra.

Nhiều nước còn hy vọng là một chính quyền tương lai ở Washington sẽ nhìn thấy những thiệt hại mà ông Trump gây ra cho uy tín của nước Mỹ khi rút lui khỏi TPP, và sẽ quan tâm trở lại đến thương mại Châu Á.

Trong phần kết luận, tác giả bài viết nhìn thấy hớm hỉnh : ‘ Cho đến lúc này, trong lúc chuẩn bị thúc đẩy lại hiệp định, 11 nước trong TPP có thể tự an ủi là nếu không có sức ép của Mỹ trong các thương lượng lúc ban đầu, thì lúc này sẽ không có thỏa thuận nào để làm sống lại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.