Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2017

Môi trường: Bất đồng sâu sắc giữa 2 ứng cử viên tổng thống Pháp

Chỉ còn ít ngày nữa là đến vòng hai bầu cử tổng thống Pháp, Chủ Nhật 07/05/2017. Với chuyến viếng thăm nhà máy luyện nhôm Alteo, tỉnh ven biển miền nam Bouches-du-Rhones, nổi tiếng với thảm họa « bùn đỏ », hôm Chủ nhật 30/04, ứng cử viên Marine Le Pen Mặt Trận Quốc Gia muốn chứng tỏ là người « thực sự bảo vệ sinh thái », khi hứa hẹn sẽ đặt lên hàng đầu các vấn đề môi trường, y tế, và gắn liền các vấn đề này với mô hình kinh tế. Trong khi đó, ứng cử viên Emmanuel Macron, phong trào Tiến Bước !, bị khá nhiều chỉ trích từ những người bảo vệ môi trường (1). Thực chất quan điểm của hai ứng cử viên về vấn đề này như thế nào ? RFI xin giới thiệu một số góc nhìn.

Điện gió, một trong những loại hình năng lượng tái tạo phát triển mạnh nhất tại Pháp, bị ứng cử viên Le Pen phản đối.
Điện gió, một trong những loại hình năng lượng tái tạo phát triển mạnh nhất tại Pháp, bị ứng cử viên Le Pen phản đối. Ảnh : Pixabay
Quảng cáo

Vấn đề môi trường, y tế tương đối ít được nói đến trong thời gian tranh cử vòng một tổng thống Pháp (2). Về cương lĩnh môi trường của hai ứng cử viên lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, trước hết xin giới thiệu một bài viết trên Le Figaro : « Macron – Le Pen : bất đồng sâu sắc về môi trường » (3).

Macron : Tiếp tục hai cải cách lớn thời Hollande

Bài viết ghi nhận, ngoài một số rất ít đề xuất (cấm khai thác khí đá phiến, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, duy trì năng lượng hạt nhân ở một tỉ lệ lớn, hay cải tạo nhà ở tiết kiệm năng lượng), phần còn lại trong quan điểm về môi trường của hai ứng cử viên là « hết sức tương phản ».

Theo Le Figaro, lập trường của ứng cử viên Macron là tiếp tục « hai cuộc cải cách lớn » đã được đặt nền móng dưới thời tổng thống François Hollande. Đó là hai đạo luật về chuyển sang năng lượng xanh và về đa dạng sinh thái. Chủ trương của ông Macron gắn liền mục tiêu duy trì mức 50% năng lượng hạt nhân, ở ngưỡng năm 2025, với việc đóng cửa nhà máy Fessenheim (nhà máy điện hạt nhân có tuổi thọ lâu đời nhất tại Pháp). Trong khi đó, bà Marine Le Pen không muốn đóng cửa nhà máy này, và muốn cơ quan điện lực Pháp thảo ra một kế hoạch kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng, hiện đang được quy định là không quá 40 năm.

Đối với ứng cử viên Emmanuel Macron, « việc chuyển sang một xã hội thân thiện với thiên nhiên chính là cốt lõi của các chính sách ». Ông Macron đã trình bày quan điểm chung về vấn đề này trong một bức thư ngỏ về môi trường, công bố ngày 19/04, trong đó ông nhấn mạnh « những thập niên tới sẽ là giai đoạn quyết định » đối với cuộc chuyển đổi sang một xã hội Sinh Thái. Quan điểm của phong trào Tiến Bước! là « cuộc chuyển đổi sang một xã hội Sinh Thái... liên quan đến toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh tế » của nhân loại thế kỷ XXI.

Phong trào của Emmanuel Macron thừa nhận các thách thức hiện nay là vô cùng lớn đối với dân Pháp, Châu Âu nói riêng và toàn nhân loại. Năm 2016 là năm nóng nhất kể từ cuối thế kỉ XIX, hơn 60% người Pháp đang phải sống trong không khí ô nhiễm, nếu không có các biện pháp, từ nay đến 2050, sẽ có 250 triệu người phải tị nạn vì biến đổi khí hậu... Trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump có lập trường mập mờ về môi trường, Tiến Bước! chủ trương nước Pháp phải nỗ lực để Liên Hiệp Châu Âu đặt Hoa Kỳ trước trách nhiệm của mình (mục tiêu hành động thứ 6 trong cương lĩnh « Môi trường và chuyển đổi sang xã hội Sinh Thái »). 

Le Pen : Bảo vệ sinh thái ở mức tối thiểu

Về cương lĩnh môi trường của ứng cử viên Marine Le Pen, báo Le Monde (4) có bài : « Bầu tổng thống : bà Marine Le Pen chủ trương bảo vệ sinh thái ở mức tối thiểu ».

Le Monde nhận định trong số 144 cam kết tranh cử, bà Le Pen chỉ dành cho môi trường, sinh thái khoảng một chục điều. Cụ thể là theo lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia, một nền sinh thái thực sự gắn liền với « việc sản xuất và tiêu thụ gần nhất có thể được, và tái chế rác thải tại chỗ » (cam kết 131) (5). Tuy nhiên, chính sách môi trường của Marine Le Pen, cũng như các chính sách khác đều gắn liền với chủ trương cốt lõi của ứng viên này, đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, khép cửa biên giới. Bà Le Pen cũng như phong trào của bà có quan điểm chống lại thỏa thuận quốc tế về Khí hậu, được ký kết tại Paris hồi 2015 (COP 21), được coi là một nỗ lực quốc tế quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực môi trường.

Theo một số nhà quan sát, quan điểm « sinh thái yêu nước », mà bà Marine Le Pen chủ trương, không mang tính hệ thống, không dựa trên « một lập trường tổng thể ». Các đề xuất về bảo vệ môi trường chung chung thiếu các biện pháp cụ thể của ứng cử viên Le Pen bị đánh giá chủ yếu như là một biện pháp tranh cử, « nhằm thu hút một bộ phận các cử tri, có tâm lý lo sợ toàn cầu hóa ».

***

Phỏng vấn chủ tịch Liên Đoàn Thiên Nhiên Môi Trường Pháp

Về vấn đề này, mời theo dõi thêm một số trích đoạn cuộc phỏng vấn với ông Michel Dubromel, chủ tịch Liên Đoàn Thiên Nhiên Môi Trường Pháp (France Nature Environnement), một tổ chức môi trường lớn, bao gồm hơn 3.000 hiệp hội bảo vệ thiên nhiên, sinh thái, với gần một triệu thành viên. Phỏng vấn của Actu-environnement, một báo mạng hàng đầu của Pháp về môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Xin cho biết chương trình môi trường của hai ứng cử viên có xứng tầm các thách thức sinh thái hiện nay ?

Có một khác biệt rất lớn (...). Trong chương trình tranh cử lần này, bà Le Pen đưa ra một số đề nghị, nhưng chúng mang tính rời rạc, và thái độ của bà ấy đôi khi mâu thuẫn. Các đề nghị này đi liền với một lập trường bảo hộ về kinh tế. Trong khi đó, quan điểm của Emmanuel Macron là tiếp tục các đạo luật chủ yếu về chuyển sang năng lượng xanh và đa dạng sinh thái của nhiệm kỳ chính phủ 5 năm vừa qua. Chương trình của ông Macron chưa đủ mạnh, nhưng có một lô-gíc xuyên suốt trong tiếp cận của ông ấy.

Đâu là những mâu thuẫn trong chương trình của bà Le Pen ?

Bà ấy khẳng định ủng hộ việc cải thiện chất lượng không khí, nhưng lại từ chối đưa ra các biện pháp mang tính cưỡng chế về giao thông chẳng hạn. Về kế hoạch đa dạng hóa các loại hình năng lượng, bà Le Pen ủng hộ phát triển các năng lượng tái tạo, nhưng lại yêu cầu đình chỉ năng lượng gió, trong khi đây chính là loại năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh nhất.

Về chính sách năng lượng, ứng cử viên Emmanuel Macron có lô-gíc hơn không?

Luật về chuyển sang năng lượng xanh đã nằm trong cam kết mà ông Macron hứa hẹn, cho dù đạo luật này có thể đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn. Cam kết đóng cửa các nhà máy nhiệt điện bằng than nằm trong số các đề nghị cụ thể (trong vòng năm năm tới - người viết). Đề nghị cải cách thị trường khí thải các bon cũng đi theo hướng đúng. Ngược lại, Emmanuel Macron cũng có quan điểm thận trọng như chính phủ hiện nay trong việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, gắn với việc lò phản ứng ở Flamanville đi vào hoạt động. Cần phải đóng cửa Fessenheim mới có thể bảo đảm thực hiện được mục tiêu 50% điện hạt nhân năm 2025. Việc này cũng cho phép mở ra một ngành công nghiệp tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân tại Pháp.

Về vấn đề sức khỏe và môi trường, xin ông cho biết thêm ?

Trong chương trình của bà Marine Le Pen không có gì nhiều. Trong khi đó, Emmanuel Macron đã có quan điểm ủng hộ việc tách biệt các hoạt động kinh doanh và tư vấn trong vấn đề thuốc trừ sâu. Đây là điều mà chúng tôi đã khuyến cáo từ lâu. Ông ấy đã đưa ra những tín hiệu tích cực trong vấn đề sức khỏe và môi trường, cụ thể là thuốc trừ sâu hay các chất gây rối loạn nội tiết tố khác.

Còn về đa dạng sinh thái thì sao ?

Đạo luật về đa dạng sinh thái của chính phủ đã mang lại một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực này. Ông Macron quyết tâm thực thi luật này, cùng với luật chuyển sang năng lượng xanh, đây là điều tích cực. Trong khi đó, Marine Le Pen không đưa ra được gì lớn trong lĩnh vực này. Bà ấy khẳng định ủng hộ bảo vệ môi trường cảnh quan. Đây là điều mà không ai có thể phản đối. Tuy nhiên, đề xuất bảo vệ đa dạng sinh thái của bà Le Pen không hề cụ thể. Các đề nghị bảo vệ động vật của bà ấy cũng chỉ mang tính lẻ tẻ và không đóng góp vào một suy nghĩ sâu xa hơn về sức khỏe vật nuôi nói chung tại các cơ sở chăn nuôi.

-----

(1) Xem thêm bài "Présidentielle : les petits pas d'Emmnanuel Macron sur l'écologie/Tranh cử tổng thống : Những cố gắng ít ỏi của Emmanuel Macron về sinh thái", Le Monde, 26/04/2017. 

(2) Ứng cử viên đảng Xã Hội Benoit Hamon, người đặt vấn đề môi trường ở trung tâm của cương lĩnh tranh cử bị loại, với số phiếu rất thấp. Ứng cử viên Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất, là người thứ hai coi việc chuyển sang xã hội Sinh Thái là chiến lược để giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, đặc biệt là nạn thất nghiệp, về thứ tư trong vòng một cuộc bầu cử. Tuy nhiên nhìn chung, khác với các cuộc bầu cử tổng thống lần trước, sinh thái và môi trường không còn là « độc quyền » của đảng Xanh. Những thay đổi lớn trong lối tiêu thụ, trong quan niệm về môi trường, áp lực của xã hội dân sự đã buộc các đảng phái và phong trào chính trị lớn phải dành một vị trí thích đáng hơn cho vấn đề này.

(3) Le Figaro, 24/04/2017. 

(4) Le Monde, 01/05/2017.

(5) Khuyến khích sử dụng thực phẩm sản xuất tại chỗ, thực phẩm an toàn cũng là điều được nhấn mạnh trong cương lĩnh của Emmanuel Macron, tuy nhiên các cam kết này đi kèm với những mục tiêu cụ thể như « ít nhất 50% thực phẩm sạch (Bio), chất lượng cao hay thực phẩm sản xuất tại chỗ tại các căng-tin tập thể » (từ nay đến 2022). Đồng thời « 100% rác thải nhựa được tái chế » (trước 2025).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.