Vào nội dung chính
TIN VẮN

TIN ĐỌC NHANH

Quảng cáo

(AFP) - Afghanistan : « Chiến dịch mùa Xuân » lần 9. Taliban loan báo khai mở chiến dịch tấn công vào mùa Xuân tại Afghanistan. Tổ chức thánh chiến lấy tên thủ lĩnh Mansouri, bị tên lửa hạ sát hồi năm 2016, đặt tên cho đợt « tấn công » năm nay và cho biết để đánh đuổi lực lượng NATO « ngoại nhập » và tiêu diệt « lính đánh thuê » Afghanistan. Bộ Nội Vụ Afghanistan cho những đe dọa này là « không có gì mới và sẽ thất bại như những năm trước ». Trong khi đó, bộ trưởng quốc phònhg Mỹ dự báo « một năm khó khăn ».

(AFP) - Cảnh sát Anh nhìn nhận khủng bố gia tăng. Ngày hôm nay, cảnh sát Anh tuyên bố đang phải đối phó với các hoạt động khủng bố gia tăng. Hôm qua, 27/04, một nghi can, 27 tuổi, trang bị ba con dao, bị khống chế gần trụ sở Quốc Hội. Buổi chiều, cảnh sát bắt thêm 4 người trong đó có một phụ nữ trong hai cuộc lục sóat ở ngoại ô thủ đô và ở Kent.

(AFP) - United Airlines tăng tiền bồi thường cho hành khách khi quá tải. Để sang trang vụ tai tiếng hôm 09/04/2017, trục xuất một hành khách bằng bạo lực, công ty hàng không Mỹ United Airlines thông báo hai quyết định : một là chấp thuận bồi thường cho bác sĩ David Đào một số tiền với điều kiện không được tiết lộ. Thứ hai là tăng tiền đền bù cho hành khách tình nguyện nhường chổ khi máy bay quá tải-bán vé nhiều hơn số ghế-từ 1000 đôla lên 10.000 đôla.

(Reuters) - Trung Quốc sẽ xây dựng trạm không gian có người vào năm 2019. Sau thành công trong việc tiếp liệu trên quỹ đạo từ tàu hàng Thiên Chu 1 (Tianzhou-1), Trung Quốc hôm nay 28/04/2017 loan báo sẽ bắt đầu xây dựng một trạm không gian có người điều khiển từ năm 2019. Bắc Kinh cho biết sau khi hoàn tất giai đoạn thử nghiệm, sẽ tiến đến giai đoạn thiết kế và chế tạo trạm vũ trụ từ 2019 đến 2022. Ông Tập Cận Bình dành ưu tiên cho chương trình không gian « để tăng cường an ninh quốc gia ». Theo bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, mục đích của Trung Quốc là ngăn chận các nước khác sử dụng các cơ sở trên không gian trong trường hợp xung đột.

(AFP) -  Bắt một lính Đức tình nghi chuẩn bị khủng bố. Một quân nhân Đức đóng tại ngoại ô Strasbourg (Pháp) đóng vai người tị nạn Syria, hôm qua 27/04/2017 đã bị cảnh sát bắt giữ vì nghi ngờ chuẩn bị khủng bố người nước ngoài, hoặc hành động rồi sau đó đổ tội cho người nhập cư. Một sinh viên Đức 24 tuổi cũng bị câu lưu vì tình nghi dự tính tham gia vụ tấn công này. Nghi can chính, một trung úy 28 tuổi được cho là có xu hướng bài ngoại, bị chú ý từ cuối tháng Giêng ở sân bay Vienna, Áo vì đã thu nhặt một khẩu súng lục trong nhà vệ sinh. Các nhà điều tra khám phá ra quân nhân này hồi tháng 12/2015 đã giấu đi quốc tịch Đức, giả làm người Syria đăng ký tị nạn, trong khi không hề nói được tiếng Ả Rập.

(Reuters) - Trump tuyên bố không tiếp điện thoại của tổng thống Đài Loan. Ngày 27/4/2017, tổng thống Mỹ khẳng định bác đề nghị một cuộc điện đàm mới với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Nguyên thủ Mỹ giải thích là ông không muốn « chọc giận » chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thời điểm mà Bắc Kinh có vẻ đang tỏ thiện chí hợp tác với Hoa Kỳ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên.

(AFP) - Đức cấm khăn trùm che mạng toàn phần tại một số nơi công cộng. Tối 27/04/2017, các nghị sĩ Đức thông qua một đạo luật hạn chế khăn trùm toàn thân, đặc biệt trong giới công chức. Đạo luật được thông qua trong bối cảnh nước Đức đã tiếp nhận hơn một triệu người nhập cư, phần đông là người Hồi Giáo.

(Reuters) - Hàn Quốc bán « khuyến mãi » tầu ngầm cho Philippines. 100 đô la là giá chiếc tầu chống ngầm cũ lớp Pohang mà Seoul sẽ bán cho Philippines trong năm nay, theo như khẳng định của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, nhằm tăng cường năng lực tuần tra vùng lãnh hải rộng lớn của Philippines. Ngoài Hoa Kỳ, Hàn Quốc còn là nguồn cung cấp vũ khí hạng nặng lớn nhất cho Philippines, từ chiến đấu cơ, tầu chiến cho đến các loại phương tiện và xe tải quân đội.

(AFP) - HRW quan ngại tình hình nhân ở Đông Nam Á. Chiến dịch bài trừ ma túy khiến vài nghìn người chết của tổng thống Philippines, nước chủ nhà ASEAN, chỉ là một khía cạnh vi phạm nhân quyền và dân chủ. Theo trợ lý giám đốc châu Á của  tổ chức Human Rights Watch, « tình hình nhân quyền tại các nước ASEAN đang trên đà đi xuống. Dù là theo tiêu chí nào đi nữa - về tự do ngôn luận, tự do biểu tình, khoan dung về tôn giáo, không can thiệp vào xã hội dân sự, tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, đối đãi với người nhập cư và tị nạn - thì Đông Nam Á ngày càng lún sâu vào tình trạng độc tài, trấn áp và lạm dụng quyền lực ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.