Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - TRUYỀN THÔNG

RSF : Tự do báo chí chưa bao giờ bị đe dọa đến thế !

Đả kích nhắm vào truyền thông, tin giả, đàn áp… « chưa bao giờ tự do báo chí lại bị đe dọa đến thế ! ». Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), trong bản báo cáo thường niên được công bố hôm nay 26/04/2017, đã báo động như trên. Riêng Việt Nam vẫn giữ nguyên thứ hạng 175 như năm ngoái.

Bản đồ xếp hạng tự do báo chí năm 2016, theo RSF
Bản đồ xếp hạng tự do báo chí năm 2016, theo RSF Ảnh : RSF
Quảng cáo

Theo RSF, tự do báo chí lâm vào tình trạng « khó khăn » hay « nguy ngập » tại 72/180 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nga, Ân Độ, hầu như toàn bộ Trung Đông, Trung Á và Trung Mỹ và hai phần ba châu Phi. Bản đồ tự do báo chí năm nay tràn ngập màu đỏ (biểu thị tình trạng « khó khăn ») và màu đen (« nguy ngập »). Báo chí chỉ được tự do tại khoảng năm chục nước ở Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, Nam Phi.

Cũng như trong năm 2016, các nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch) dẫn đầu về tự do báo chí, và đứng chót vẫn là Bắc Triều Tiên (thứ 180) – nơi mà « nghe đài nước ngoài có thể bị đưa đi tập trung cải tạo ».

Trong số 25 quốc gia mà báo chí bị đe dọa nhiều nhất, theo RSF, có Ai Cập và Bahrein, « những nhà tù của các nhà báo » ; Turkmenistan (đứng thứ 178), bị coi là « một trong các chế độ độc tài khép kín nhất thế giới », và Syria (177), nơi nguy hiểm chết người nhất đối với phóng viên.

Riêng tại châu Á, các nước Trung Quốc (176) và Việt Nam (175) là nơi cầm tù nhiều nhà báo nhất. Pakistan (139), Philippines (127), Bangladesh (146) được đánh giá là nhiều nguy hiểm cho nghề báo. Khu vực châu Á bị cho là có nhiều nhà độc tài thù địch với báo chí như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Lào (170), là những « hố đen » thông tin.

RSF quan ngại trước « nguy cơ chao đảo nghiêm trọng » về tự do báo chí, « nhất là tại các nước dân chủ quan trọng ». RSF nhận định « việc ông Donald Trump lên nắm quyền tại Hoa Kỳ và chiến dịch Brexit ở Anh đã tạo cơ hội cho việc đả kích báo chí và tin giả ». Đồng thời lấy làm tiếc khi « nơi nào mà lãnh đạo độc tài lên ngôi, thì tự do báo chí lại thụt lùi », trong đó có Ba Lan, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga.

Riêng nước Pháp từ hạng 45 lên 39, do tác động của vụ thảm sát ở tuần báo Charlie Hebdo năm 2015. Tuy nhiên RSF nhận thấy « một bầu không khí bạo lực và nguy hại » trong chiến dịch tranh cử tổng thống, « khi việc lăng mạ, la hét phản đối phóng viên trong các cuộc mít-tinh đã trở thành chuyện bình thường ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.