Vào nội dung chính
HOA KỲ - SYRIA

Vũ khí hóa học : Mỹ trừng phạt 271 khoa học gia Syria

Hoa Kỳ thông báo một loạt trừng phạt tài chính nhắm vào 271 nhà khoa học, làm việc cho một trung tâm Syria, có nhiệm vụ phát triển « các vũ khí phi quy ước ». Theo bộ Tài Chính Mỹ, quyết định được thông báo, ngày 22/04/2017, là nhằm trừng phạt chính quyền Syria, sau « vụ tấn công bằng vũ khí hóa học » đầu tháng Tư nhắm vào một khu vực dân cư, do quân nổi dậy kiểm soát, khiến 87 người chết, trong đó có 31 trẻ em.

Nạn nhân vụ tấn công bằng chất độc hóa học tại Khan Cheikhoun, Syria. Ảnh ngày 04/04/0017.
Nạn nhân vụ tấn công bằng chất độc hóa học tại Khan Cheikhoun, Syria. Ảnh ngày 04/04/0017. Omar haj kadour / AFP
Quảng cáo

Sau vụ trả đũa bằng một cuộc tấn công tên lửa vào một sân bay quân sự của chính quyền Damas, ngày 06/04, Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt những tác nhân được cho là có dính líu đến vụ dùng vũ khí hóa học. Theo AFP, một giới chức Mỹ cho biết đây là loạt trừng phạt lớn chưa từng có, xét về số lượng người liên quan.

271 nhân vật nói trên đều là các chuyên gia về vũ khí hóa học và/hoặc từng làm việc cho chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Syria, ít nhất là từ năm 2012.

Tài khoản, nếu có, của 271 khoa học gia Syria tại Hoa Kỳ đều bị phong tỏa. Theo một giới chức Mỹ, khó đánh giá được tác động của biện pháp nói trên, nhưng các nhà khoa học bị trừng phạt đều là những người « có năng lực chuyên môn cao », họ là những người « có khả năng đi ra nước ngoài » và « sử dụng hệ thống tài chính của Hoa Kỳ ».

« Tấn công hóa học » : Mỹ và Nga bàn về một cuộc điều tra thẩm định

Hôm 22/04, hai ngoại trưởng Mỹ và Nga đã có một cuộc điện đàm. Một trong các chủ đề chính là cuộc điều tra về vụ « tấn công hóa học » ở Khan Cheikhoun. Một thông báo sau đó của Matxcơva nhấn mạnh là hai ngoại trưởng Lavrov và Tillerson « đã nhất trí (…) xem xét khả năng mở một cuộc điều tra khách quan về vụ này, dưới sự bảo trợ của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa học OIAC », tổ chức vốn đóng vai trò phụ trách tiêu hủy hệ thống vũ khí hóa học của chính quyền Damas.

Theo AFP, ngoại trưởng Nga Lavrov « lấy làm tiếc về việc Hoa Kỳ đã phản đối » đề nghị của Nga « cử các nhà điều tra (độc lập) đến Khan Cheikhoun để thẩm định thông tin về việc sử dụng khí sarin ». Trong khi đó, một thông báo của Mỹ cho biết ngoại trưởng Tillerson « đã tái khẳng định ủng hộ cơ chế điều tra hiện tại của OIAC ».

Trước đó OIAC đã bác bỏ yêu cầu của Nga và Iran về việc tổ chức một cuộc điều tra mới. Theo tổ chức này, không thể phủ nhận vụ tấn công bằng khí sarin, hoặc một chất tương tự. Một nguồn tin gần gũi với hồ sơ này cho biết có nhiều lo ngại về việc Matxcơva tìm cách « làm mất độ tin cậy của các kết quả ». Theo AFP, sau vụ tấn công ngày 04/04, OIAC đã khởi sự cuộc điều tra ngay. Trong khi đó, Nga phê phán Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học « tiến hành điều tra từ xa », không có mặt trực tiếp tại thực địa.

Về độ xác thực của thông tin, chính quyền Matxcơva nghi ngờ kết quả điều tra, và đặt câu hỏi : « nếu thực sự có khí sarin ở Khan Cheikhoun, OIAC giải thích như thế nào về việc (…) những nhân viên Mũ Trắng (lực lượng cứu trợ ở các vùng nổi dậy) lại có thể ra vào khu vực này mà không mang đồ bảo hộ ? » Cũng ngày 20/04, giám đốc OIAC, ông Ahmet Uzumcu, thông báo một đoàn thẩm tra sẵn sàng triển khai tại địa điểm nói trên, « một khi tình hình an ninh cho phép ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.