Vào nội dung chính
ANH - CHÍNH TRỊ

Nước Anh sốc với bầu cử Quốc Hội sớm

Hôm qua, 18/04/2017, thủ tướng Anh Theresa May bất ngờ đề nghị tổ chức bầu cử vào ngày 8/6, ba năm trước thời hạn chính thức. Hôm nay, Quốc Hội Anh nhanh chóng thông qua đề nghị của thủ tướng, với 522 thuận, 13 chống, sau hơn một giờ thảo luận. Đối lập chính Công Đảng ủng hộ chủ trương này, cho dù bầu cử có thể làm đảng này mất thêm ghế. Lý do chính thức của thủ tướng Anh : để có được một tính chính đáng rộng rãi, nhằm dẫn dắt tiến trình chia tay với Liên Hiệp Châu Âu đến « kết quả tốt đẹp ». Từ thủ đô Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải ghi nhận phản ứng bất ngờ từ mọi giới trong vòng 24 giờ đồng hồ vừa qua.

Thủ tướng Anh Theresa May trả lời báo giới trước cửa trụ sở thủ tướng 10 Downing Street, Luân Đôn,18/04/2017.
Thủ tướng Anh Theresa May trả lời báo giới trước cửa trụ sở thủ tướng 10 Downing Street, Luân Đôn,18/04/2017. REUTERS/Stefan Wermuth
Quảng cáo

06:34

Thông tín viên Lê Hải (Luân Đôn)

Lê Hải : Có lẽ là ngay chính nhiều nghị sĩ quốc hội cũng bất ngờ trước thông báo chính thức mà bà thủ tướng Theresa May đưa ra trước cánh cửa tòa nhà số 10 Downing Street. Báo chí mô tả là nước Anh bị sốc trước quyết định này, cùng thái độ mà họ coi là quay ngoắt 180 độ, vì mới cách đây không lâu bà từng tuyên bố phải đến tận 2020 mới bầu cử.

Sau một đêm ngẫm nghĩ, sáng sớm hôm nay tờ Guardian chạy bài xã luận ghi nhận là người dân Anh thực sự không cần đến cuộc bầu cử này, và một số người dân được hỏi ý kiến trên truyền hình cũng không đồng ý với chuyện chi tiêu hoang phí vài trăm triệu bảng để tổ chức bầu cử trên toàn quốc, chưa kể tới tiền của và công sức từ các đảng phái.

Giới chuyên gia chính trị bình luận rằng thủ tướng Theresa May muốn bầu cử để khẳng định quyền lực và chớp cơ hội đảng Bảo Thủ của bà đang dẫn điểm, theo các thăm dò dư luận, so với đảng Lao Động, thế nhưng cũng có người dân nói trên truyền hình là họ nghĩ rằng bà thủ tướng sau một thời gian không biết làm gì thì tổ chức bỏ phiếu để nếu người dân không đồng ý thì có cớ để rút lui trước nhiệm vụ khó khăn là đàm phán Brexit đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng gì tới chuyện nước Anh ra khỏi EU?

Lê Hải : Về mặt lý thuyết thì mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi, và một trong số các lý do mà thủ tướng Anh tổ chức bầu cử là để củng cố quyền lực. Giới bình luận nhận định rằng cuộc bầu cử sẽ giúp chính phủ của bà May kiểm soát được tiến độ đàm phán Brexit, như bộ trưởng chuyên trách vấn đề này là David Davis trả lời phỏng vấn trên truyền hình hồi sáng nay.

Có vẻ như đảng cầm quyền tính toán rằng nhờ bầu cử lại, mà nếu làm xong Brexit thì họ vẫn tiếp tục còn thêm một hai năm cầm quyền để đi tiếp. Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả thăm dò dư luận và trong vòng hai tháng sắp tới đây rất nhiều chuyện có thể xảy ra làm thay đổi suy nghĩ và sự lựa chọn của người dân.

Nhưng dù vậy, ngay cả trong trường hợp đảng Bảo Thủ thua, thì bên phía đối lập là Công Đảng trước đây vẫn bỏ phiếu và cam kết thực hiện ý nguyện của người dân là rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Trong hoàn cảnh đó thì tiến trình Brexit sẽ không được nhanh gọn, mà sẽ bị lồng ghép thêm nhiều yếu tố khác, ví dụ như là quyền ngoại lệ cho xứ Scotland, hay quyền tài chính cho xứ Wales, và thậm chí cả quyền nhập cư riêng cho các trung tâm kinh tế lớn như Luân Đôn.

Theo kịch bản đảng Bảo Thủ thua, liệu có thể nói đến một giải pháp Brexit « mềm », thậm chí rất mềm, có nghĩa là nhiều thỏa hiệp hơn với Liên Hiệp Châu Âu ?

Lê Hải : Khó có thể giải thích thế nào là « mềm », là « cứng », vì điều này tùy theo góc nhìn. Góc nhìn này có lẽ là từ Châu Âu. Còn về phía nước Anh, họ nhìn xem giải pháp nào ít bị thiệt hại nhất. Nếu là Brexit « cứng », thì ngay lập tức có thể một loạt các ngân hàng Châu Âu ở nước Anh quay về Châu Âu, và chính những ngân hàng lớn của Anh cũng sẽ chuyển người sang Châu Âu làm việc, như thế sẽ thiệt hại rất lớn cho nước Anh. Tuy nhiên, có vẻ thị trường dự đoán tiến trình (mà bà thủ tướng chọn) có vẻ không gây sốc nhiều lắm. Có vẻ như tỉ giá đồng bảng Anh sau tuyên bố của bà thủ tướng tăng lên trở lại.

Truyền thông có nhấn mạnh đến việc bà Theresa May, ngay từ trước khi việc bầu cử sớm chính thức được Quốc Hội thông qua, đã tuyên bố tránh tranh luận trực tiếp với các lãnh đạo đối lập trên truyền hình (quan điểm bị phê phán là « phủ nhận nguyên tắc dân chủ »). Cần giải thích thế nào về chuyện này ?

Lê Hải : Cuộc bầu cử Quốc Hội lần này diễn ra vào đúng thời điểm trên toàn nước Anh cũng đang vận động bầu cử địa phương. Thời gian qua nước Anh chỉ có hầu như là duy nhất một đề tài để bàn tán là Brexit, nhưng trong cuộc bầu cử Quốc Hội lần này người ta sẽ còn cân nhắc thêm nhiều chuyện khác nữa, ví dụ như tình trạng đi xuống của hệ thống y tế và giáo dục, hay mỗi địa phương thì lại có mối quan tâm riêng.

Ví dụ trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây ở phía Tây Luân Đôn, kế hoạch mở rộng sân bay Heathrow trở thành mối quan tâm hàng đầu, khiến cho những người vốn ủng hộ đảng Bảo Thủ lại đi bỏ phiếu cho ứng viên của Lib-Dem, vì người này ủng hộ làn sóng của người dân địa phương phản đối chính sách của chính phủ trung ương. Khắp nước Anh đều có những câu chuyện địa phương kiểu như vậy, cho nên dù rằng bà thủ tướng hi vọng sẽ thâu tóm thêm ghế từ xứ Wales, nhưng những lý do rất nhỏ và cục bộ như vừa kể luôn có nguy cơ khiến đảng Bảo Thủ bị mất quyền lãnh đạo.

Quí vị có thể theo dõi những buổi điều trần trước Quốc Hội thứ Tư hàng tuần, có thể thấy bà May, xuất thân bộ trưởng Nội Vụ, nắm rất rõ những vấn đề liên quan đến di dân, di trú, nhưng trong những vấn đề khác, so với các thủ tướng tiền nhiệm, bà không có kinh nghiệm bằng. Cho nên chuyện tranh luận trực tiếp có thể là điểm yếu của bà Theresa May, nhưng chúng ta còn phải chờ xem, tháng sau khi bước vào tranh cử, xem bà ấy thực sự yếu như vậy, hay đấy chỉ là một động tác giả vờ để đối phương coi thường mà thôi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.