Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - THỔ NHĨ KỲ

Trưng cầu dân ý Thổ Nhĩ Kỳ : Đối lập phản đối thắng lợi sít sao của tổng thống Erdogan

Quyền lực giờ đây được tập trung trong tay tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Ông có thể cầm quyền tới năm 2029. Theo kết quả trưng cầu dân ý ngày 16/04/2017, 51,3 % cử tri Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ tiến trình cải tổ Hiến Pháp. Do thắng lợi rất sít sao, đảng đối lập CPH chủ trương một nhà nước thế tục tố cáo gian lận và đòi kiểm lại đến 60 % số phiếu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và vợ sau chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý cải cách Hiến Pháp, tại Istanbul, ngày 16/04/2017.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và vợ sau chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý cải cách Hiến Pháp, tại Istanbul, ngày 16/04/2017. Yasin Bulbul/Presidential Palace/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Vài giờ sau khi kết quả sơ bộ được thông báo, tổng thống Erdogan tuyên bố đây là « một bước cải tổ quan trọng nhất trong lịch sử » Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tín viên đài RFI Alexandre Billette, từ Istanbul, phân tích :

« Đây là một thắng lợi nhỏ nhoi đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Recep Tayyip Erdogan đã giành được đa số phiếu để khởi động công cuộc cải tổ. Cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua, theo quan điểm của ông, là rào cản cuối cùng để xây dựng một đất nước mới mà ông từng mơ ước từ nhiều năm nay. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ - vốn nghiêng cả về phía chính quyền - sáng nay đều đưa ra một nhận định chung khi cho rằng kết quả trưng cầu dân ý vừa qua là « thắng lợi của Thổ Nhĩ Kỳ, của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và của tổng thống Erdogan », như tựa lớn trên các trang nhất cho thấy.

Nói tóm lại, là « một đất nước, một quốc gia, một lãnh tụ », như khẩu hiệu mà chính quyền Ankara và phe ủng hộ cải tổ Hiến Pháp đã đưa ra.

Phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây tìm cách phản đối kết quả tối hôm qua, nhưng lại không có nhiều phương tiện để làm được điều này. Trong khi đó, với ông Erdogan, chiến thắng của ông là có thực. Ông từng ví von nền dân chủ như một chuyến tàu điện mà hành khách chỉ xuống khỏi xe khi tới đi đến trạm cuối cùng. Trong nhãn quan của phe đối lập, ngày 16/04 - hôm qua, có lẽ là trạm cuối cùng của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ ».

Quan hệ giữa Ankara và Bruxelles

Câu hỏi kế tiếp là toàn cảnh chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu, sẽ có những thay đổi gì. Thay đổi thứ nhất là ông Erdogan sẽ tiếp tục nắm quyền cho tới năm 2029, kiểm soát từ hành pháp, lập pháp đến tư pháp.

Với châu Âu, quan hệ liên tục xấu đi trong suốt thời gian Ankara vận động để sửa đổi Hiến Pháp. Tổng thống Erdogan từng tuyên bố sẽ xét lại đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Giới quan sát chờ đợi, sau thắng lợi ngày hôm qua, gia nhập khối Liên Âu không còn là một ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng tống Erdogan có khuynh hướng đàm phán với Bruxelles để thúc đẩy quan hệ thương mại với Liên Hiệp Châu Âu và tiếp tục mặc cả với khối này trên hồ sơ người nhập cư. 

Về phía Bruxelles, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ « tìm đồng thuận quốc gia », chấm dứt tình trạng khẩn cấp sau cuộc đảo chính hụt hồi tháng 07/2016. Berlin nói rõ hơn : Ankara cần nối lại đối thoại trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau với các tổ chức chính trị Thổ Nhĩ Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.