Vào nội dung chính
Ý - SYRIA - G7

Ngoại trưởng G7 tìm cách cô lập tổng thống Syria Assad

Hồ sơ Syria vẫn là tâm điểm trong các cuộc trao đổi ngày 11/04/2017 giữa ngoại trưởng các nước thành viên G7 tại Lucca, Ý. Những nhân vật này muốn đưa ra thông điệp rõ ràng, cứng rắn với Nga, trước khi ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bay sang Nga, đồng minh của chế độ Damas.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (P) và đồng nhiệm Đức Sigmar Gabriel tại cuộc họp ở Ý, ngày 10/04/2017.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (P) và đồng nhiệm Đức Sigmar Gabriel tại cuộc họp ở Ý, ngày 10/04/2017. REUTERS/Max Rossi
Quảng cáo

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố : " Tất cả các nước G7 đều muốn tránh leo thang quân sự, mong muốn có một giải pháp chính trị không có vòng xoáy bạo lực ". Ông Sigmar Gabriel cũng mong muốn Nga ủng hộ tiến trình chính trị để tìm một giải pháp hòa bình cho Syria. Ngoại trưởng Đức còn phát biểu là đồng nhiệm Hoa Kỳ được tất cả đồng nhiệm G7 ủng hộ trong cuộc thương lượng với Matxcơva vào ngày mai, 12/04/2017.

Reuters cho biết ngoại trưởng các nước G7 và một đồng nhiệm 6 nước Trung Đông Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-Út, tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Jordani và Qatar hôm nay cũng gặp nhau tại Lucca để tìm cách cô lập trên phương diện ngoại giao tổng thống Syria Bachar al-Assad, thảo luận về phương án giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Tất cả 6 quốc gia Trung Đông nêu trên đều luôn luôn phản đối chế độ Bachar al-Assad.

Ngoại trưởng các nước thành viên G7 và 6 nước Trung Đông muốn gia tăng sức ép buộc Matxcơva cắt đứt quan hệ đồng minh với tổng thống Syria Bachar al-Assad, người bị cáo buộc đã tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hồi đầu tuần trước vào thành phố Khan Cheikhoun hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson gọi mối quan hệ đồng minh giữa Matxcơva và chế độ Damas là  " độc hại theo mọi nghĩa ". Còn ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu - khi trả lời kênh truyền hình Nhà Nước TRT Haber - đã đánh giá là Syria cần có ngay một chính phủ chuyển tiếp vì chừng nào Bachar al-Assad còn là tổng thống thì người dân nước này vẫn còn nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hóa học.

Tổng thống Nga không tiếp ngoại trưởng Mỹ

Sau cuộc họp của nhóm G7, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chiều nay đến thăm Matxcơva trong hai ngày và gặp đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov. Hai lãnh đạo ngoại giao sẽ thảo luận về xung đột Syria, khủng hoảng Ukraina, Bắc Triều Tiên, chống khủng bố và các hồ sơ quốc tế khác.

Vài giờ trước khi ông Tillerson đến, bộ Ngoại Giao Nga ra thông cáo kêu gọi Hoa Kỳ " hợp tác xây dựng ", chứ đừng đi đến " đối đầu ". Thông cáo này cho rằng quan hệ Nga - Mỹ đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, nhưng bộ Ngoại Giao Nga tuyên bố sẵn sàng cho " một cuộc đối thoại thẳng thắn nhất có thể được ".

Nga đã lên án vụ oanh kích của Mỹ vào Syria và khẳng định chế độ Damas không hề tấn công bằng vũ khí hóa học. Matxcơva nay đòi mở một cuộc điều tra quốc tế " khách quan và không thiên vị " về những gì xảy ra ở Khan Chaikhuon, nơi mà chế độ Damas bị tố cáo đã tấn công thường dân bằng khí độc đêm ngày 6 rạng sáng 07/04/2017, khiến 87 người chết, trong đó có nhiều trẻ em.

Nga cũng muốn Hoa Kỳ tham gia vào một hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Matxcơva ngày 14/04/2017, đồng thời gây áp lực buộc chính quyền Ukraina  " thi hành nghiêm chỉnh các cam kết của họ " trong khuôn khổ hiệp định hòa bình Minsk.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.