Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

FIFA : Hết bão tham nhũng đến thất thu kỷ lục

Đăng ngày:

Ngày 07/04/2017, Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA công bố báo cáo tài chính cho thấy, trong năm 2016, định chế quản lý bóng đá giàu có này đã bị thất thu tới 369 triệu đô la, tức là 1/3 số tiền dự trữ của tổ chức. Lý giải cho chuyện thất thu này chính là hậu quả của « những khoản đầu tư không tính toán » dưới thời Joseph Blatter.

Triền lãm Quả bóng Vàng tại Bảo tàng Bóng đá FIFA, Thụy Sĩ.
Triền lãm Quả bóng Vàng tại Bảo tàng Bóng đá FIFA, Thụy Sĩ.
Quảng cáo

Tháng 05/2015, Sepp Blatter buộc phải ra đi khi vừa tái cử được ít ngày vì bão tố tham nhũng đổ vào ngôi nhà chung của FIFA. Từ tháng 02/2016, quyền quản lý định chế tối cao của bóng đá thế giới được giao vào tay ông Gianni Infantino. Ngay sau khi nhậm chức, ông tân chủ tịch đã hứa hẹn 2016 là năm bản lề để đem lại bộ mặt mới cho bóng đá thế giới. Chưa thấy kết quả về hình ảnh sẽ sáng sủa tới đâu nhưng đây là năm thất thu lớn cho FIFA.

FIFA giải thích cho việc thâm hụt ngân sách là do các chi phí liên quan đến các điều tra tư pháp đang tiến hành và vì các khoản thâm hụt liên quan đến những hạng mục đầu tư thiếu tính toán, như xây dựng Bảo tàng Bóng đá, mua lại khách sạn hạng sang Ascot tại Zurich. Bên cạnh đó phải thêm vào khoản tiền hỗ trợ cho các liên đoàn bóng đá quốc gia đã được tăng gấp 3 lần do những hứa hẹn vận động tranh cử của ông Infantino.

Định chế quản lý bóng đá thế giới đã bị chấn động bởi vụ bê bối tham nhũng với quy mô lớn bung ra từ tháng 05/2015. Hàng loạt các quan chức của FIFA bị tình nghi đã kiếm hàng triệu đô la tiền hối lộ trong các hợp đồng tiếp thị quảng cáo hay trong việc phân chia quyền đăng cai Cúp Thế giới.

Năm 2016, FIFA ước tính chi phí cho các cuộc điều tra của tư pháp lên tới 50 triệu đô la. Chưa hết, tổ chức này còn phải dự trù 22 triệu đô la bổ sung chi cho các vụ điều tra kiện tụng trong năm 2017 và 2018. Tổng số có 40 nhân vật rơi vào tầm ngắm của tư pháp Mỹ. Đại đa số là các lãnh đạo của FIFA, của các liên đoàn bóng đá khu vực châu Mỹ.

Còn vụ đầu tư xây Bảo tàng Bóng đá tại Zurich. Cơ sở hoành tráng này đã được ông Infantino khánh thành năm 2016 nhưng người khởi xướng dự án đầu tư là cựu chủ tịch Sepp Blatter. Đi vào hoạt động chưa đầy một năm, bảo tàng đã gặp khó khăn tài chính buộc phải giảm nhân sự từ 106 người xuống còn 51 người. Từ khi mở cửa, cơ sở ba tầng trải trên diện tích rộng 3.000 m2 này mới chỉ đón được 11.000 khách thăm qua mỗi tháng, còn rất xa với mục tiêu đề ra là 250.000 du khách mỗi năm. Đầu tư cho công trình này là hơn 140 triệu đô la.

Thực tế, FIFA đã buộc phải vét cạn nguồn dự trữ, con số này của năm 2015 lên tới 1,4 tỷ đô la và vẫn còn trên 1 tỷ trong năm 2016. Năm 2017, khoản thất thu dự trù sẽ còn lớn hơn nhiều, có thể lên tới 489 triệu đô la.

Tuy nhiên, FIFA vẫn trông chờ sẽ có thu nhập trở lại vào cuối chu kỳ 4 năm, tức là đến kỳ Cúp Thế giới. Dự kiến định chế này sẽ thu về khoảng 100 triệu đô la qua kỳ Cúp Thế giới tại Nga 2018. Theo các nhà phân tích kinh tế thể thao, trong tương lai FIFA có thể thu nhập cao hơn nữa, nhất là khi cho tăng số đội bóng tham dự vòng chung kết Cúp Thế giới từ 32 đội lên 48 đội từ giải 2026. Việc mở rộng khuôn khổ giải đấu chắc chắn sẽ kéo theo gia tăng thu nhập có thể nhìn thấy ngay, đó là từ vé xem trận đấu và bản quyền truyền hình.

Dự kiến phân bổ vé trực tiếp dự vòng chung kết Cúp thế giới 48 đội

Quyết định mở rộng vòng chung kết Cúp Bóng đá Thế giới từ 32 đội tham dự lên 48 đội đã được Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới thông qua hôm 10/01/2017. Đây là dự án tâm huyết nhất của tân chủ tịch định chế bóng đá thế giới Gianni Infantino.

Ngày 30/03, văn phòng Hội Đồng FIFA, một bộ phận gồm các thành viên là chủ tịch FIFA và các chủ tịch 6 liên đoàn châu lục, đã nhóm họp tại Zurich và đã thống nhất với nhau dự kiến phân bổ chỉ tiêu các suất vé trực tiếp dự Cúp Thế giới theo khuôn khổ mở rộng từ 2026.

Như vậy, trong số 48 đội bóng tham dự, châu Âu sẽ được chia 16 suất vé trực tiếp thay vì 13 vé như hiện nay, châu Phi sẽ được 9 suất thay vì 5, châu Á từ 4,5 suất lên thành 8, khu vực Bắc Mỹ, Trung Mỹ Caribe tăng từ 3,5 suất lên 6, Nam Mỹ được 6 vé thay vì 4,5. Châu Đại Dương hiện chỉ được nửa vé, tức phải đá tranh vé vớt sẽ có 1 vé chính thức.

Đề xuất này sẽ được đưa ra phê chuẩn chính thức tại Hội đồng FIFA vào ngày 09/05 tại Bahrein, tức 2 ngày trước Đại Hội thường kỳ của định chế quản lý bóng đá thế giới.

Tổng số suất vé trực tiếp được phân bổ cho các châu lục sẽ là 46 trên 48. Hai vé cuối cùng sẽ được trao cho 6 đội buộc phải thi đấu tranh vé vớt, tổ chức vào tháng 11, trước năm diễn ra Cúp Thế giới. Thể thức tranh vé vớt giống như một giải đấu thu nhỏ, đấu theo thể thức vòng tròn. Mỗi một liên đoàn châu lục sẽ được phép cử 1 đội tranh vé vớt, trừ Liên Đoàn Châu Âu (UEFA).

Bóng đá Việt Nam : Nổi cộm vẫn là sự cố trọng tài

Cuối cùng, chúng ta đến với bóng đá Việt Nam. Lúc các đội tuyển quốc gia đang hối hả tập trung cho các chiến dịch vòng loại giải Vô địch châu Á - Asian Cup 2019, đội tuyển trẻ thì chuẩn bị cho lần đầu bước vào đấu trường lớn World Cup U20 vào tháng 05/0217 tại Hàn Quốc, giải vô địch quốc gia V-League ở giữa mùa bóng, các cuộc tranh đua diễn ra khá quyết liệt.

Có vẻ như làng bóng đá Việt đang rất sôi động. Tuy nhiên, nhìn vào dư luận thì thấy sự kiện nổi cộm nhất vẫn là sự cố trọng tài đang làm xấu đi hình ảnh, chất lượng giải đấu hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Đến mức mà có một bài bình luận trên trang báo bóng đá ở Việt nam đã ví V-League 2017 như là một cái chợ bóng đá mà ở đó « bất cứ ai cũng có thể cất tiếng chửi, cãi vã nhau… ».

Các sự cố từ sai lầm thô thiển của trọng tài rồi dẫn đến thái độ bất tuân phục người cầm còi trên sân của cầu thủ, của đội bóng. Hiện tượng đó đã kéo suốt từ đầu mùa giải đến giờ đã trở nên phổ biến.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy ở một giải đấu chuyên nghiệp ? Tham gia chương trình hôm nay, chuyên gia bóng đá Trần văn Mui lý giải.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.