Vào nội dung chính
SYRIA - QUỐC TẾ

Mỹ oanh kích Syria : Phản ứng quốc tế

Quyết định bất ngờ của Mỹ cho oanh kích căn cứ không quân Syria gần Homs ngày 07/04/2017 đã được phương Tây đồng loạt lên tiếng ủng hộ, nhưng đã tạo ra những phản ứng gay gắt từ phía Syria, Nga và Iran. Riêng Trung Quốc giữ thái độ trung lập.

Tầu khu trục USS Ross của Mỹ tại vịnh Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 03/06/2015.
Tầu khu trục USS Ross của Mỹ tại vịnh Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 03/06/2015. REUTERS/Murad Sezer
Quảng cáo

Phản ứng dữ dội nhất có lẽ đến từ phía Nga. Matxcơva vào trưa 07/04, loan báo đình chỉ thỏa thuận đã ký với Washington về việc ngăn ngừa sự cố giữa phi cơ hai nước trên bầu trời Syria.

Trong một bản tuyên bố, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói rõ : « Phía Nga đình chỉ áp dụng bản ghi nhớ với Hoa Kỳ về việc phòng ngừa sự cố và bảo đảm an toàn cho các phi vụ trong các chiến dịch tại Syria » do không quân Mỹ và Nga tiến hành. Trước đó, Matxcơva đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp về cuộc oanh kích của Mỹ tại Syria.

Ngay khi được tin, theo phát ngôn viên điện Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng tố cáo một vụ « gây hấn nhắm vào một quốc gia có chủ quyền », dựa trên một cái cớ « giả dối ».

Cùng quan điểm với Nga là Iran. Theo hãng tin Iran ISNA, Teheran « lên án việc sử dụng vũ khí hóa học nhưng cũng cho rằng việc dùng đó làm cái cớ để tiến hành các hoạt động đơn phương là một hành động nguy hiểm, mang tính chất phá hoại và trái với luật pháp quốc tế ».

Dĩ nhiên là chế độ Damas đã tố cáo hành vi « xâm lược » của Mỹ. Quân đội Syria thì cho rằng Mỹ đã trở thành « đối tác » của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và nhiều tổ chức khủng bố quốc tế khác.

Phương Tây ủng hộ Mỹ

Hành động của Mỹ rất được phương Tây hoan nghênh. Vào sáng 07/04, trong một thông cáo chung, tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng tổng thống Syria Bachar Al Assad là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về diễn biến tình hình khi liên tục dùng đến vũ khí hóa học, và các biện pháp giết người hàng loạt.

Paris và Berlin xác nhận là đã được Washington thông báo về quyết định oanh kích khoảng một, hai giờ trước chiến dịch khởi động.

Các đồng minh khác của Mỹ như Anh Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ả Rập Xê Út, Nhật Bản cũng lên tiếng hậu thuẫn hành động của Washington.

Bắc Kinh trung lập

Riêng Trung Quốc lần này không thấy tố cáo mạnh mẽ Hoa Kỳ, có thể là vì không muốn khuấy động cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình-Donald Trump tại Florida.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không chỉ trích trực tiếp Mỹ mà chỉ kêu gọi các bên tự kiềm chế để « tránh làm cho tình hình xấu đi thêm ». Bắc Kinh cũng nói thêm rằng Trung Quốc « lên án mọi vụ tấn công bằng vũ khí hóa học bất kể là vụ việc xẩy ra trong hoàn cảnh nào ».

Hội Đồng Bảo An bất đồng về Syria : Nga cảnh cáo Mỹ

Trước đó, ngày 06/04/2017, Hội Đồng Bảo An rốt cuộc đã không thông qua được một nghị quyết lên án chế độ Damas tấn công hóa học ở Syria ngày 04/04.

Theo thông tín viên RFI, Marie Bourreau từ New York, một lần nữa ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc lại thất bại, nhường chỗ cho hành động đơn phương của Mỹ.

« Khi rời khỏi bàn đàm phán, vẻ mặt 15 nhà ngoại giao rất nghiêm nghị. Đại sứ Mỹ Nikki Haley đã tỏ ra không khoan nhượng. Tất cả đều biết là chính quyền Trump đã dứt khoát hành động, nhưng trước báo chí, họ cố giữ vẻ điềm tĩnh, nhắc đi nhắc lại câu « Chúng tôi không từ bỏ…, không bao giờ từ bỏ…».

Chỉ có phó đại sứ Nga là gợi lên cuộc tấn công của Mỹ, bắt đầu vài phút sau phát biểu của ông. Thông điệp của ông rất rõ : « Nếu hành động quân sự diễn ra, tất cả trách nhiệm nằm trên vai những người có chủ trương thảm hại, sai lệch này. Chúng ta phải nghĩ đến hậu quả. Hãy nhìn ví dụ Irak, hãy nhìn ví dụ Libya ».

Phiên họp này đánh dấu thất bại ngoại giao của Liên Hiệp Quốc, không đạt được một giải pháp thương lượng.

Mỹ đã quyết định oanh tạc và đã cảnh báo trước. Phía Nga đã 7 lần phản đối nghị quyết về Syria. Đối với Mỹ, chỉ điều đó cũng đủ để Mỹ tấn công mà không cần sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.