Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGA

Chính quyền Donald Trump cũng cứng rắn với Nga như thời Obama?

Trước khi đắc cử, Donald Trump luôn tỏ thái độ ngưỡng mộ đối với Vladimir Putin và chủ trương xích lại gần Nga. Thế nhưng, kể từ khi chính thức trở thành tổng thống, chính quyền của ông Donald Trump gần đây đưa ra nhiều dấu hiệu “cứng rắn” đối với Nga như thời tổng thống Obama. Phải chăng Donald Trump đang thật sự đổi giọng với Nga?

Tổng thống Donald Trump nói chuyện điện thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin từ Nhà Trắng ngày 28/01/2017.
Tổng thống Donald Trump nói chuyện điện thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin từ Nhà Trắng ngày 28/01/2017. MANDEL NGAN / AFP
Quảng cáo

Hai tháng sau khi lên cầm quyền, ông Donald Trump bớt lời ca ngợi đồng nhiệm Nga. Sự “ngưỡng mộ” giờ được thay thế bằng thái độ “tôn trọng”, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là sẽ “chơi thân” với Nga, như khẳng định của Trump trên kênh truyền hình FoxNews, ngày 05/02/2017.

Chính quyền của Trump cũng có thái độ tương tự. Giọng điệu có vẻ cứng rắn hơn, được thể hiện rõ nét qua các phát biểu của hai bộ trưởng quan trọng nhất trong nội các của Trump – ngoại trưởng Rex Tillerson và bộ trưởng Quốc Phòng, James Mattis, trong các chuyến công du châu Âu vừa qua, trên nhiều hồ sơ như cuộc xung đột tại Ukraina, việc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ và châu Âu.

Ngoại trưởng Rex Tillerson, nguyên chủ tịch tập đoàn ExxonMobil, và được cho là ủng hộ Putin, trong buổi họp với khối NATO, hôm thứ Sáu 31/3 đã tố cáo rằng “hành động xâm lược Ukraina của Nga” cách đây ba năm, đã “làm lung lay nền tảng an ninh và ổn định tại châu Âu”.

Ông khẳng định tiếp tục theo đuổi chính sách đối với Nga của chính phủ tiền nhiệm như duy trì các lệnh trừng phạt cho đến khi nào Matxcơva tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minks cho miền đông Ukraina (2015) và trả lại Crimée cho Kiev.

Rex Tillerson nhắc lại những cam kết được đưa ra dưới thời Obama – Kerry, đó là Hoa Kỳ và NATO vẫn tiếp tục với Ukraina như trước, và Mỹ “sẽ không chấp nhận ý định của Nga làm thay đổi đường biên giới với Ukraina”. Theo lời kể của một quan chức bộ Ngoại Giao, trong bữa cơm tối với các đồng nhiệm thuộc khối NATO, dường như ông Rex Tillerson đã được vỗ tay tán thưởng khi tuyên bố là “nước Nga không còn xứng đáng để tin cậy”.

Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, khi viếng thăm Luân Đôn, cũng không kiệm lời khi cáo buộc Nga “vi phạm luật Quốc Tế tại Crimée” và “can thiệp vào các cuộc bầu cử tại nhiều nước”.

Thế nhưng, theo ghi nhận của AFP, những dấu hiện trên được đưa ra trong bối cảnh một bầu không khí nặng nề đang đè nặng lên Washington. Các ủy ban của Quốc Hội và FBI thông báo mở điều tra chính thức về khả năng Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Cơ quan điều tra FBI cố gắng tìm hiểu xem phải chăng có “một sự phối hợp” giữa ê-kíp của Trump với nhiều quan chức Nga.

Giải thích về thái độ này của chính quyền Donald Trump, ông Jeffrey Rathke, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS và cũng từng là phát ngôn viên bộ Ngoại Giao thời John Kerry nhận định: “Đường lối cứng rắn của Tillerson và Mattis phản ảnh một sự tiếp nối” giữa chính quyền Obama và Trump, nhất là các lệnh trừng phạt nhắm vào Matxcơva.

Đối với chuyên gia này, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Nga có lẽ sẽ “rất khó mà thay đổi quỹ đạo”, do “những điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và có liên hệ với ban vận động của Donald Trump”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.