Vào nội dung chính
MỸ- KINH TẾ

Wall Street hoài nghi chính sách kinh tế của tổng thống Trump

Ngay sau khi ứng cử viên Donald Trump bất ngờ thắng cử vào tháng 11/2016, các thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đã vọt tăng giá. Lý do là các doanh nghiệp đều tin rằng chính quyền Donald Trump sẽ ban hành một chính sách kinh tế thuận lợi hơn cho tăng trưởng, như giảm thuế doanh nghiệp, giải tỏa hệ thống kiểm soát hành chánh được thiết lập sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump tại Nhà Trắng. Ảnh ngày 31/03/2017.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump tại Nhà Trắng. Ảnh ngày 31/03/2017. Reuters
Quảng cáo

07:24

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa- Mỹ

Khi tranh cử, ông Trump hứa hẹn các biện pháp kích thích kinh tế để đạt tốc độ tăng trưởng là 4%, tức là cao gấp đôi mức tăng trưởng của nhiều năm qua, và sẽ cải tổ cả hệ thống thuế khóa lẫn luật lệ để giải phóng sức đầu tư của doanh nghiệp và tạo ra việc làm.

Tuần trăng mật của chính quyền Trump với các thị trường tài chính lại không bền. Báo chí hai bên bờ Đại Tây Dương đều nói tới sự hoài nghi đối với chính sách kinh tế được ông Donald Trump đề xuất, nhất là sau sự dự luật cải cách chế độ bảo dưỡng y tế do lãnh đạo Cộng Hòa đề nghị đã bị rút lại và không thể đem ra biểu quyết ở Hạ Viện Mỹ hôm 24/03/2017. Phải chăng giới tài chính bắt đầu hoang mang vì sợ ông Trump không thể rộng tay thực hiện những hứa hẹn về kinh tế ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Quả thật các thị trường chứng khoán, gồm có thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, đều là những chỉ dấu tiên báo và sự lên hay xuống có thể báo hiệu những biến cố có thể xảy ra trong tương lai ngắn hạn. Vì vậy, người ta chú ý đến sự thất vọng của thị trường về khả năng yểm trợ kinh tế của tổng thống Donald Trump. Nhưng sự thể nó lại rắc rối hơn vậy và các thị trường có khi cũng lầm làm nhà đầu tư mất tiền khi mua cổ phiếu hay trái phiếu. Bản thân tôi thì ít chú ý đến chỉ số kỹ nghệ Dow Jones bằng chỉ số Standard & Poor’s 500 và nhất là chỉ số Russell 200 gồm các doanh nghiệp nhỏ sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch kinh tế của ông Trump vì cũng tạo ra nhiều việc làm hơn các tập đoán lớn ở trên.

Về bối cảnh thì tổng thống Hoa Kỳ có ít quyền hạn nếu so với lãnh đạo các nước dân chủ từ Âu Châu qua Nhật hay Úc. Tống thống Mỹ phải chia quyền với lưỡng viện Quốc Hội, nhất là Hạ Viện vốn có thẩm quyền lớn về kinh tế và tài chánh. Thứ hai, từ trăm năm nay, tổng thống Mỹ không thể ảnh hưởng đến kinh tế bằng chủ tịch hệ thống Ngân Hàng Trung Ương, là định chế độc lập có toàn quyền quyết định về lãi suất ngắn hạn.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương lại có nhiệm kỳ dài hơn tổng thống nên ít bị chính trị chi phối như các dân biểu Hạ Viện hai năm lại đi xin phiếu một lần. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ cố đặt ra chuyện ấy để giới dân cử giằng xé quyền lực với nhau cho người dân có không gian sinh hoạt mở rộng hơn. Ách tắc chính trị không là vấn đề và bất trắc mới là điều làm các doanh nghiệp quan tâm.

Trở lại với tổng thống Trump thì ông có hứa nhiều biện pháp khá bất thường, chẳng thuộc về cánh hữu mà cũng không ngược với cánh tả nhưng có nét chung là giải phóng doanh nghiệp, giảm thuế mà không gây thêm bội chi ngân sách vốn đã quá nặng và còn tăng. Thế rồi sau khi cầm quyền, ông không thể thi hành mọi việc mà phải thỏa hiệp với các cơ chế quyền lực kia. Điều ông ta có thể làm là trực tiếp tác động vào dư luận để cử tri ảnh hưởng đến giới dân cử cho kỳ bầu cử sau. Nghịch lý ở đây là vì phong cách lãnh đạo bất thường và thất thường, ông Trump có tỷ lệ tin tưởng rất thấp trong khi đa số thị trường lại có vẻ tin vào chủ trương kinh tế của ông.

RFI: Bây giờ thì dường như niềm tin đó của thị trường cũng có vẻ lung lay, vì sao vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Thứ nhất, vì ông Donald Trump bị tản lực khi lao vào nhiều trận đánh không đáng và thiếu tập trung vào kinh tế trong khi vẫn gặp sự chống đối mạnh của đảng Dân Chủ và đa số báo chí. Thứ hai, trận đánh quan trọng nhất về kinh tế là việc cải cách thuế vụ lại kẹt vì đi sau việc cải cách chế độ bảo dưỡng y tế. May lắm thì đến tháng 8/2017, bên hành pháp mới hoàn tất một dự luật chung với đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện. Hiện nay ông Trump chỉ nêu một số ý kiến về việc giảm thuế, chứ kế hoạch cải tổ thuế vụ và ngân sách của chủ tịch Ủy Ban Chuẩn Chi Hạ Viện là dân biểu Cộng Hòa Kevin Brady mới có tầm quan trọng, nhất là đề nghị gọi là “điều chỉnh mậu biên” theo hướng giảm thuế xuất cảng và tăng thuế nhập cảng hầu chấm dứt nạn nhập siêu quá lớn của kinh tế Hoa Kỳ.

Theo dõi chuyện này, ta thấy doanh nghiệp Mỹ bị đánh thuế quá nặng so với các nước công nghiệp nên chính quyền Trump đề nghị giảm thuế 15% trong khi Hạ Viện Cộng Hòa đòi giảm tới 20% cho bằng với các nước công nghiệp trong hệ thống Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế -OCDE. Thứ hai, ông Trump hứa giảm thuế doanh nghiệp thụ đắc ở nước ngoài để họ rút vốn về đầu tư vào thị trường Mỹ và tạo thêm việc làm cho dân Mỹ. Nhưng nhìn vào chi tiết thì ta thấy ra nhiều điều đáng sợ.

RFI : Những điều đáng sợ đó là gì thưa anh ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Ưu tiên của chính quyền Trump là tạo ra việc làm, nhưng việc cải cách kinh tế ông đề nghị chưa chắc sẽ đạt mục tiêu đó vì nạn thất nghiệp hay khiếm dụng không chủ yếu xảy ra do nhập siêu - mua nhiều hơn bán-  mà do tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Khi năng xuất khu vực chế biến tăng khiến một người có thể làm bằng ba thì có hai người bị đe dọa mất việc. Thứ nữa, biện pháp đánh thuế trên hàng nhập cảng có thể gây phản ứng trả đũa từ các nước khác làm nhiều tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại khiến giới dân cử địa phương ngần ngại.

Quan trọng nhất, đề nghị cải cách thuế vụ đang được thảo luận và ngã giá sẽ chi phối mọi người, mọi thành phần sản xuất của Hoa Kỳ và mọi quốc gia đang mua bán với Mỹ. Chúng ta còn trở lại chuyện thuế vì nếu thành hình đạo luật sẽ ảnh hưởng đến hối suất đồng Mỹ kim và làm các thị trường đang phát triển bị chấn động lớn. Điều lạc quan - nếu có- là chính quyền Trump sẽ thỏa hiệp với đối lập Dân Chủ về kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở, miễn là không gây thêm bội chi ngân sách vì đây là điều đảng Cộng Hòa sẽ chống tới cùng.

Kết luận của tôi là chúng ta nên chờ đợi một cơn địa chấn tài chánh toàn cầu làm nhiều nước lao đao, đứng đầu là Trung Quốc và Đức. Một sự thật sâu xa đang hiện ra trước mắt, đó là trật tự quốc tế hình thành từ 70 năm qua đang tan rã và Hoa Kỳ quan niệm lại vai trò của mình. Chuyển động ấy xảy ra từ mươi năm trước khi chưa ai nghe nói đến Donald Trump. Ông Trump chỉ là kết quả hay biểu hiện để nói rằng Mỹ ưu tiên lo cho quyền lợi của mình từ trong ra ngoài. Bên trong, báo chí Mỹ làm người ta cãi cọ về ông Trump ‘khật khùng’, chứ các nước bên ngoài mới thấy ra sự thật là chẳng có gì bền vững trong quan hệ với Hoa Kỳ, về an ninh, kinh tế hay mậu dịch.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.