Vào nội dung chính
ANH QUỐC - CHÂU ÂU

Vương Quốc Anh khởi động tiến trình ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu

Chín tháng sau khi người dân bỏ phiếu tán đồng kế hoạch được mệnh danh là Brexit, tức là rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, ngày hôm nay, 29/03/2017, thủ tướng Anh Theresa May chính thức khởi động tiến trình lịch sử này, và mở ra hai năm đàm phán được đánh giá là rất khó khăn để giải quyết các vấn đề phát sinh từ việc chia tay.

Thủ tướng Anh Theresa May ký thư chính thức gửi Bruxelles về Brexit, Luân Đôn, ngày 28/03/2017
Thủ tướng Anh Theresa May ký thư chính thức gửi Bruxelles về Brexit, Luân Đôn, ngày 28/03/2017 REUTERS/Christopher Furlong/Pool
Quảng cáo

Ngay từ tối hôm qua, thủ tướng Anh đã ký tên vào bức thư gởi chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Donald Tusk, nêu lên điều khoản 50 của Hiệp Định Lisboa của châu Âu để chính thức hóa việc ra khỏi khối này.

Bức thư dài tám trang, mà nội dung không hề được Luân Đôn tiết lộ, được chuyển đến tay ông Tusk vào 11 giờ 30 trưa nay, giờ Bruxelles. Đây là tín hiệu bắt đầu một tiến trình thương thuyết dự trù kéo dài 2 năm, từ nay cho đến cuối tháng Ba năm 2019, để xác định các nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi bên.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet nêu lên những mốc chính trong lịch trình Brexit nhìn từ phía Liên Hiệp Châu Âu :

"Chính Sir Tim Barrow, đại sứ thường trực của Vương Quốc Anh bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu là người đích thân mang thư của chính phủ Anh gửi cho chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk. Trong bức thư, chính quyền Anh chính thức gợi lên điều khoản 50 Hiệp Định Châu Âu khởi động việc Anh Quốc rút khỏi Liên Hiệp, 44 năm sau khi gia nhập khối thị trường chung.

Ông Donald Tusk phát biểu ngắn gọn để xác nhận việc nhận thư của Luân Đôn, nhưng điều người ta chờ đợi là phản ứng bằng văn bản của ông. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu từng hứa là sẽ có thư trả lời trong 48 tiếng đồng hồ, gởi đến 27 thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu, trong đó ông phác họa những nét chính về những gì mà các thành viên châu Âu muốn đạt được trong cuộc đàm phán sắp tới với Anh Quốc.

Và trong thời hạn một tháng, tức ngày 29/04, sẽ cuộc có họp thượng đỉnh Châu Âu mà không có Anh Quốc, trong đó các thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ vạch ra những lằn ranh đỏ, những mục tiêu mà họ muốn đạt được trong cuộc đàm phán, cũng như những điểm mà họ không thể nhượng bộ.

Các nước sẽ ủy thác cho Ủy Ban Châu Âu thương lượng với Luân Đôn. Cựu Ủy Viên Châu Âu người Pháp Michel Barnier đảm trách việc thương thuyết hy vọng sẽ kết thúc được đàm phán trong vòng 18 tháng, vì sau đó còn phải chờ 27 thành viên phê chuẩn thì Anh Quốc mới ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu trong thời hạn quy định, tức trong 2 năm.

Về phần mình, trước Nghị Viện Anh Quốc vào trưa nay, thủ tướng Theresa May đã nỗ lực kêu gọi đoàn kết vào lúc Vương Quốc Anh vẫn chưa hết chia rẽ giữa các phe bênh và chống Brexit. Bà cũng trấn an mọi người trước nhiều vấn đề cần giải quyết do việc Luân Đôn chia tay với Bruxelles, từ số phận công dân châu Âu cư ngụ tại Anh Quốc và kiều dân Anh tại Liên Hiệp Châu Âu, cho đến món tiền có thể lên đến 60 tỷ euros mà Bruxelles có thể đòi Luân Đôn phải trả".

Brexit: Hai năm thương lượng có thể sẽ không đủ

Giống như một cặp đã chung sống với nhau suốt 40 năm nay tiến hành ly dị, tiến trình thương lượng để đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ rất gay go và theo các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn, thời hạn 2 năm có thể sẽ không đủ để xử lý các hồ sơ rất phức tạp trong những lĩnh vực như thương mại, tư pháp hay nhập cư.

Giáo sư về luật châu Âu của đại học Cambridge, Catherine Barnard nhấn mạnh rằng trong cuộc thương lượng giữa Luân Đôn với Bruxelles, “cứ mỗi tảng đá được dỡ lên thì lại xuất hiện những tảng đá khác”. Bà Camino Mortera-Martinez, nhà nghiên cứu thuộc Trung Tâm Về Cải Tổ Châu Âu ( Centre for Europeen Reform ) cũng cho rằng rất khó mà hoàn tất thương thuyết trong vòng hai năm.

Theo giáo sư về chính trị châu Âu của đại học Westminster, Patricia Hogwood, ngay cả trước khi khởi động thương lượng, đã có những điểm gây bế tắc, như số tiền nước Anh phải trả để ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và vấn đề tiếp cận thị trường châu Âu. Bộ trưởng của Anh đặc trách Brexit đã để cho hiểu là Luân Đôn sẽ không thanh toán hóa đơn mà Bruxelles đưa ra, hay ít ra sẽ không trả toàn bộ món tiền mà châu Âu đòi, tức là khoảng từ 55 đến 60 tỷ euro.

Ngoài ra, thủ tướng Theresa May cho tới nay vẫn từ chối bảo đảm các quyền của 3 triệu công dân các nước châu Âu khác đang sống ở Anh, vì bà chủ trương giảm bớt số người nhập cư từ Liên Hiệp Châu Âu.

Do những điểm gây bế tắc nói trên và do lập trường dứt khoát không nhượng bộ của cả hai bên, có nguy cơ là Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu sẽ không đạt được thỏa thuận nào. Đối với giới kinh tế, đây sẽ là kịch bản tồi tệ nhất vì phân nữa trao đổi mậu dịch của Anh vẫn là với Liên Hiệp Châu Âu.

Hiện giờ, kinh tế Anh vẫn tăng trưởng rất tốt: 1,8% năm 2016 và dự báo đạt 2% năm 2017. Nhưng với việc chính thức khởi động tiến trình Brexit, tăng trưởng kinh tế của Anh rất có thể sẽ sụt giảm mạnh, đầu tư ngoại quốc có thể sẽ tránh thị trường Anh, trong khi lạm phát do đồng bảng Anh sụt giá đã bắt đầu đè nặng lên túi tiền của người dân nước này. Ấy là chưa kể trong trường hợp thương lượng thất bại, nước Anh sẽ quay trở lại với các thỏa thuận thương mại được ký kết trong khuôn khổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, với những hàng rào thuế quan, chứ không được hưởng những ưu đãi về mậu dịch với châu Âu.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.