Vào nội dung chính
SYRIA - TRUNG ĐÔNG

Chuyên gia Pháp : « Iran mới là người chiến thắng thật sự tại Syria »

Ngày 15/03/2011, cuộc nổi dậy bắt đầu tại Syria. Kể từ đó, quốc gia Trung Đông này chìm trong nội chiến với nhiều phe phái tham gia phục vụ « ý đồ » khác nhau. Trong vòng 6 năm, khoảng 320.000 người chết, 1 triệu người bị thương và gần 5 triệu người phải di cư, theo tổng kết của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH).

Lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) tại miền bắc Raqqa, Syria, ngày 08/03/2017.
Lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) tại miền bắc Raqqa, Syria, ngày 08/03/2017. REUTERS/Rodi Said
Quảng cáo

Sau 6 năm nội chiến, chế độ Bachar Al Assad vẫn tại vị nhờ trợ giúp của liên quân Nga và Iran. Ngược lại, phe đối lập với chính phủ để mất thành trì Aleppo, còn tổ chức thánh chiến Nhà Nước Hồi Giáo dần bị đẩy lui. Giải pháp hòa bình cho Syria dường như còn rất xa vời vì các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan được tiến hành tại Geneve từ tháng 02/2017 vẫn rơi vào bế tắc vì bất đồng trên vấn đề chuyển tiếp quyền lực.

Đánh giá các bên tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, chuyên gia Gérard Chaliand, tác giả cuốn Pourquoi perd-on la guerre ? Un nouvel art occidental (tạm dịch: Tại sao người ta lại thua trận ? Một nghệ thuật phương Tây mới), giải thích với nhật báo Le Figaro (21/03/2017) rằng « kẻ chiến thắng thật sự tại Syria chính là Iran ». Theo ông, nước Cộng hòa Hồi Giáo này chứng tỏ khả năng nỗ lực không ngừng và gắn bó chặt chẽ để đạt được các mục tiêu địa-chính trị của mình.

Tình hình ở Mossoul như thế nào ?

Gérard Chaliand : Trên mặt trận Irak, sau 5 tháng giao chiến, Bagdad đưa gần hết lực lượng quân sự đến Mossoul. Thế nhưng, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã chứng tỏ được khả năng kháng cự và hy sinh, vì thế, ánh hào quang của phong trào khủng bố này vẫn được bảo toàn. Ngược lại, tham vọng kiểm soát một vùng lãnh thổ, vốn là đặc thù của Daech với việc xóa bỏ đường biên giới Syria-Irak, sắp tới chỉ còn là một kỷ niệm. Vấn đề còn phải giải quyết là vị thế của hệ phái Hồi Giáo Sunni tại Irak, cũng như quan hệ căng thẳng tương lai giữa Bagdad với người Kurdistan, nhất là tại Kirkuk.

Vậy ai là người thắng cuộc thật sự tại Syria ?

Nhờ hỗ trợ của Iran và Nga, chế độ Bachar Al Assad đã đạt được một thành công quan trọng với việc tái chiếm khu vực Đông Aleppo, chiếm đến 20% diện tích thành phố. Chính quyền Assad hiện đang trong hoàn cảnh thuận lợi hơn so với suốt 5 năm trước đây. Nhưng người chiến thắng thật sự tại Syria và nói chung hơn là trong các cuộc xung đột tại Trung Đông - dĩ nhiên có sự hợp tác mang tính quyết định của Nga - thì chắc chắn là Iran.

Các lực lượng dân quân tự vệ Iran đã tham gia chiến đấu tại Syria, cũng như các lực lượng tự vệ người Hazara Afghanistan và hệ phái Shia Pakistan, do đó có khả năng họ sẽ ở lại Syria. Thành công của Iran còn nhờ vào sự liên kết chặt chẽ của giới giáo sĩ lãnh đạo dòng Shia. Đây là thể chế được tổ chức hiệu quả để theo đuổi một chiến lược dài hạn như là một đảng theo mô hình Mac-Lênin.

Liệu thất bại của hệ phái Sunni có thể được giải thích do thiếu sự gắn kết trong giới giáo sĩ lãnh đạo không ?

Quả thật, những người theo hệ phái Sunni tỏ ra ít liên kết, phối hợp với nhau : Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, Ả Rập Xê Út thì lại xuất trường phái Wahhabi hoặc những phong trào Hồi Giáo cạnh tranh nhau nếu không muốn nói là đối nghịch. Về phần tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, bất chấp khả năng quảng bá rầm rộ gần giống Hollywood, từ năm 2014, Daech đã chơi một canh bài mà trong thời gian dài dẫn họ đến việc trở thành kẻ thù của cả thế giới.

Hiện giờ, vòng vây đang xiết chặt quanh Raqqa. Thành phố này bị đe dọa cả phía bắc lẫn phía nam : phía bắc là lực lượng của đảng Liên Minh Dân Chủ người Kurdistan (PYD) và các đồng minh Ả Rập thuộc Lực lượng Dân Chủ Syria (FDS), phía nam là người Kurdistan Syria được Massoud Barzani hỗ trợ và các toán quân Ả Rập do Mỹ huấn luyện.

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo rõ ràng đang bị đẩy lui, dù vẫn hiện diện tại Libya và khiêm tốn hơn tại một số địa bàn khác. Thất bại của Daech là rõ ràng, bất chấp những lời đe dọa của tổ chức này với Trung Quốc là sẽ gửi hàng trăm chiến binh Duy Ngô Nhĩ được đào tạo tại Trung Đông.

Sự can thiệp của Ả Rập Xê Út chống lực lượng nổi dậy người Huti ở Yemen cho kết quả như thế nào ?

Tại Yemen, đất nước nhiều núi non, Riyad đã không thành công trong cuộc chiến chống người Huti như dự kiến. Ngược lại, với các đợt oanh kích không phân biệt mục tiêu, Ả Rập Xê Út đã khiến người dân rơi vào tình cảnh ngày càng trầm trọng. Trên thực tế, vương quốc Hồi Giáo theo hệ phái Sunni mà chúng ta luôn coi là một đồng minh (rất mập mờ) đã gây ra một cuộc thảm sát nhân đạo thật sự, trái với mọi quan sát viên trên thực địa. Ngược lại, khác hẳn với những gì người ta từng nói, không có vụ tàn sát nào ở Đông Aleppo, chúng ta tự đầu độc tin sai cho chính mình.

Dường như Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập hơn bao giờ hết trên bình diện đối nội cũng như đối ngoại ?

Đúng vậy. Ngay sau cú đảo chính hụt, cuộc trấn áp, dù không phải đánh đồng, làm người ta nhớ lại kiểu thanh trừng thời Stalin. Tình hình kinh tế ngày càng xấu đi. Đồng nội tệ mất giá đáng kể. Các dự án đầu tư thì khan hiếm, du khách cũng vậy. Mọi ý định nhen nhóm can thiệp quân sự vào Syria và thậm chí là cả vào Irak đều bị Hoa Kỳ kín đáo chống lại. Từ vài tháng nay, các đội quân của Thổ Nhĩ Kỳ chôn chân trước vùng Al Bab. Quân đội đang bị suy yếu vì các vụ thanh trừng và bắt đầu mở rộng sự nghiệp sĩ quan cho các học sinh trường tôn giáo.

Ngược lại, vẫn tại Thổ Nhĩ Kỳ, đảng Người Lao Động Kurdistan (PKK) sai lầm trong nhiều cuộc nổi dậy ở một số thành phố, từng bị lên án trước đó. Tuy nhiên, giải pháp quân sự không được tính đến để giải quyết vấn đề người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, nhờ thỏa thuận với Nga, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã ngăn cản được ý đồ của người Kurdistan Syria nhằm chiếm vùng đất dài dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Tuy nhiên, liên minh bề ngoài với Nga chỉ mang tính hoàn cảnh và hoàn toàn là chiến thuật.

Vả lại, mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đang xấu đi. Trong khi Nga lại trụ vững ở Syria (cơ sở hải quân ở Tartous, căn cứ không quân ở Hmeimim, trạm radio ở Tal Al-Harra, tỉnh Deraa). Matxcơva tìm cách để không bị coi là ủng hộ hệ phái Shia, nhất là trong mắt các nước láng giềng Hồi Giáo. Năm 2016, tại Grosny, cộng hòa Chechnya, đã diễn ra một hội nghị quy tụ các trí thức theo hệ phái Sunni với sự có mặt của đại giáo sĩ đền Al Azhar và đại luật sĩ Ai Cập (ngài Ahmad Al-Tayyib). Ông là người lên án Hồi Giáo thánh chiến, chủ nghĩa Salafi và tư tưởng Wahhabi.

Về phía Mỹ, Washington sắp phải xác định rõ hơn các mục tiêu của mình. Có vẻ như ở thời điểm hiện tại, tổng thống Donald Trump vẫn theo dõi Iran với thái độ thù nghịch. Những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Teheran đã được công bố ngay cuối tháng 01/2017. Và chắc sẽ còn nhiều biện pháp trừng phạt khác. Nhiều toán quân Mỹ có mặt tại Kobani (Syria) và vài nghìn quân nhân khác sẽ ở lại Irak. Việc này sẽ giúp kiểm soát tốt hơn thế quân bình trong khu vực có lợi cho Hoa Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.