Vào nội dung chính
TIẾNG PHÁP - LIÊN HIỆP QUỐC

Tương lai nào cho tiếng Pháp ở Liên Hiệp Quốc?

Hôm nay, 20/03/2017, khoảng 200 triệu người sử dụng tiếng Pháp trong cộng đồng Pháp ngữ kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ, dịp để khối Pháp ngữ (La Francophonie) khẳng định cam kết vì tính đa dạng văn hóa, quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Nhân dịp này RFI phỏng vấn bà Catherine Pollard phó tổng thư ký phụ trách thường vụ của Đại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về vấn đề sử dụng đa ngôn ngữ và vị trí của tiếng Pháp trong tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này. Chúng tôi xin trích dịch một phần cuộc phỏng vấn do RFI tiếng Pháp thực hiện.

Nguyên thủ các nước trong khối Pháp ngữ tham dự Hội nghi Thượng đỉnh Pháp ngữ ngày 26/11/2016 tại Antananarivo, Madagascar.
Nguyên thủ các nước trong khối Pháp ngữ tham dự Hội nghi Thượng đỉnh Pháp ngữ ngày 26/11/2016 tại Antananarivo, Madagascar. STEPHANE DE SAKUTIN / AFP
Quảng cáo

RFI: Tiếng Pháp là một trong 6 ngôn ngữ chính thức sử dụng tại Liên Hiệp Quốc, và là ngôn ngữ để làm việc của Ban Thư Ký Liên Hiệp Quốc. Điều này có ý nghĩa gì trên thực tế ?

Catherine Pollard: Chế độ sử dụng ngôn ngữ ở Liên Hiệp Quốc khá phức tạp. Có 6 ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại Liên Hiệp Quốc gồm : Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Ả Rập, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Nga. Cho dù tiếng Anh và Pháp là những ngôn ngữ chung trong tất cả các văn kiện tại Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn không có định nghĩa chính thức thế nào là ngôn ngữ chính thức, hay ngôn ngữ làm việc hoặc những quy chế cụ thể nào cho việc sử dụng ngôn ngữ.

Trong các cơ quan thảo luận như là Đại Hội Đồng hay Hội Đồng Bảo An có mức độ sử dụng ngôn ngữ chính thức cũng như ngôn ngữ làm việc ngang nhau, thì sự khác biệt là rất tinh tế. Tất cả các diễn văn trình bày bằng một trong sáu thứ tiếng tại các cuộc họp chính thức được dịch ra 5 thứ tiếng kia. Tất cả các văn kiện, dù đó là báo cáo hay văn kiện mang tính quyết định, như nghị quyết chẳng hạn, đều có bằng 6 ngôn ngữ. Với các tài liệu có tính quyết định, thì có nguyên tắc là các tài liệu đó phải được phổ biến bằng sáu thứ ngôn ngữ nói trên, ngay cả trước khi văn bản được thông qua chính thức. Ở Ban Thư Ký thì khác, cơ quan này chỉ dùng hai ngôn ngữ làm việc là tiếng Pháp và tiếng Anh.

Vậy thì đâu là những hệ quả của việc sử dụng ngôn ngữ như vậy?

Một trong những hệ quả cụ thể của chế độ ngôn ngữ này là tất cả các viên chức của Ban Thư Ký phải làm chủ được một trong hai ngôn ngữ làm việc của Ban. Liên Hiệp Quốc khuyến khích mạnh mẽ các nhân viên học nhiều ngôn ngữ. Ở các trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại New York, Genève, Vienna và Nairobi, đều có những chương trình học ngoại ngữ miễn phí giúp các nhân viên của cơ quan lấp lỗ hổng ngôn ngữ, nếu họ có nhu cầu.

Cá nhân tôi, tôi mong muốn mọi nhân viên của Ban Thư Ký đều có thể diễn đạt, bằng văn bản hay trong các cuộc họp nội bộ ở Liên Hiệp Quốc, một cách dễ dàng cả hai ngôn ngữ làm việc. Chúng ta càng làm chủ ngôn ngữ thì công việc càng có hiệu quả. Trên tư cách là người điều phối đa ngôn ngữ ở Liên Hiệp Quốc, tôi ủng hộ công bằng trong sử dụng các ngôn ngữ chính. Việc sử dụng đa ngôn ngữ là cấp bách.

Tổ Chức Quốc Tế Pháp Ngữ (OIF) phàn nàn là mặc dù đa ngôn ngữ đã được khẳng định như là một giá trị căn bản của Liên Hiệp Quốc, xu hướng sử dụng đơn ngôn ngữ tiếp tục gia tăng. Đó là việc sử dụng một cách có hệ thống tiếng Anh trong các cuộc họp không chính thức. Anh ngữ thống trị trên internet, có 11 trang web bằng tiếng Anh trên 63 trang của Liên Hiệp Quốc … Có thể giải thích xu hướng đơn ngôn ngữ này thế nào?

Thiếu nguồn lực để triển khai đa ngôn ngữ thường là lý do đưa ra. Theo tôi, các phương tiện cho sử dụng đa ngôn ngữ vẫn chỉ là nhỏ so với tác động của nó. Mặt khác, những ai vẫn chỉ trích chuyện chi phí cho việc sử dụng đa ngôn ngữ, tôi muốn nhắc lại với họ là việc sử dụng đơn ngôn ngữ còn tốn kém hơn nhiều, nhất là nó lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc của chúng ta, tới tính chính đáng và sự bền vững của công việc. Không nên hiểu sử dụng đa ngôn ngữ tức là phải chi phí thêm. Theo tôi ở đây có sự quản lý chưa thích hợp với các nguồn lực.

Các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc vẫn chỉ trích việc phân bổ nguồn lực cho các ngôn ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ chính thức, trong lĩnh vực thông tin ra ngoài. Không có gì biện minh việc Anh ngữ ngự trị trên các trang internet hay các mạng xã hội. Không phải vì chế độ ngôn ngữ của Liên Hiệp Quốc hay vì chú trọng đến dân số mà dẫn đến việc ưa dùng tiếng Trung hơn. Ngôn ngữ này vẫn còn xếp xa ở sau ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất thế giới. Theo tôi, khó khăn trước hết đó là do vấn đề ngôn ngữ không được ý thức trong Liên Hiệp Quốc, trong đó có cả vấn đề kế hoạch tài chính.

Bà có những hành động cụ thể nào để ủng hộ phổ biến đa ngôn ngữ ?

Những hành động để ủng hộ đa ngôn ngữ có tính chất khác nhau. Trước tiên và trên hết, tôi rất quan tâm đến việc thay đổi văn hóa tổ chức của Liên Hiệp Quốc, dùng nó như là thứ bảo vệ đa ngôn ngữ, đồng thời sử dụng mọi phương tiện tôi có để bảo vệ, ủng hộ sự đa dạng ngôn ngữ.

Cụ thể, việc tổ chức các cuộc họp định kỳ dưới sự chỉ đạo của tôi tập trung vào chủ trương sử dụng đa ngôn ngữ mà tôi đã triển khai trong năm qua ở toàn bộ các cơ quan, văn phòng tại 4 trụ sở cũng như tất cả các ủy ban khu vực của Liên Hiệp Quốc. Vài tháng trước, tôi đã chủ trì việc soạn thảo báo cáo cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề sử dụng đa ngôn ngữ.

Báo cáo đang trong giai đoạn thông qua này chứa đựng một loạt các kiến nghị sẽ có tác động đáng kể đến việc sử dụng ngôn ngữ trong hoạt động của chúng ta. Từ nay đến cuối tháng 6, tôi được giao trách nhiệm chuẩn bị một thông tư của tổng thư ký về vấn đề sử dụng đa ngôn ngữ. Đây là điều hoàn toàn chưa từng có trong 71 năm lịch sử của Liên Hiệp Quốc. Tôi mong muốn thông tư này sẽ được áp dụng trong toàn thể nhân viên của tổ chức và giúp củng cố thái độ trách nhiệm tập thể trong lĩnh vực này.

Trong các tranh luận về đa ngôn ngữ mà tổ chức Pháp ngữ tổ chức ngày 20/03 này, bà cũng tham dự và bà sẽ nói gì với những người sử dụng Pháp ngữ đang lo ngại ngôn ngữ của mình bị biến mất khỏi Liên Hiệp Quốc ?

Trước hết, tôi thấy cần phải nhắc lại là tiếng Pháp không sắp biến mất khỏi Liên Hiệp Quốc. Việc sử dụng đơn ngôn ngữ không phải là định mệnh không tránh được. Chỉ cần nghe tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tin tưởng vào điều đó. Ngoài ra, với tư cách là một ngôn ngữ làm việc như là Anh ngữ, tiếng Pháp có được quy chế đặc biệt trong Liên Hiệp Quốc.

Tôi vui mừng được tham dự buổi tọa đàm này của tổ chức Pháp ngữ. Tôi sẽ phát biểu với những người tham gia diễn đàn là đa ngôn ngữ vừa là giá trị căn bản của tổ chức quốc tế, chính Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã khẳng định điều này, đồng thời là một yêu cầu cấp bách của hiệu quả công việc nhằm đạt được mục tiêu mà những nước sáng lập đã đề ra sau Thế chiến thứ hai.

Chúng ta sẽ không thực thi được hòa bình, an ninh quốc tế, phát triển bền vững hay nhân quyền, mà lại bỏ qua các bối cảnh khu vực và ngôn ngữ đang được sử dụng tại những nơi đó. Đa ngôn ngữ, với tôi, đó chính là vấn đề dân chủ toàn cầu, minh bạch và hiệu quả. Chính với việc sử dụng đa ngôn ngữ mà Liên Hiệp Quốc tiếp tục được công nhận là một tổ chức quốc tế chính đáng. Đó chính là thông điệp cơ bản mà tôi cố gắng trao đổi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.