Vào nội dung chính
HÀ LAN - THỔ NHĨ KỲ

Hà Lan trục xuất bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ

Trong ngày 11/03/2017, hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị Hà Lan chận đường không cho sang « xứ hoa tulippe » vận động trưng cầu dân ý trong cộng đồng người Thổ. Máy bay chở ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu phải vòng về Pháp. Bộ trưởng bộ Gia Đình Fatma Betul Sayan Kaya, dùng đường bộ từ Đức đến Rotterdam thì bị trục xuất về Đức.

Bộ trưởng Gia Đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya (giữa) họp báo tại sân bay quốc tế Istanbul sau khi bị Hà Lan trục xuất ngày 12/03/2017.
Bộ trưởng Gia Đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya (giữa) họp báo tại sân bay quốc tế Istanbul sau khi bị Hà Lan trục xuất ngày 12/03/2017. REUTERS/Osman Orsal
Quảng cáo

Xung khắc giữa chính quyền tổng thống Erdogan với các nước châu Âu mỗi ngày mỗi leo thang. Bốn nước:  Đức, Áo, Thụy Sĩ và Hà Lan đã cấm những cuộc mít-tinh vận động trưng cầu dân ý chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại các quốc gia này.

Ngày 11/03/2017, căng thẳng đã bùng nổ với Hà Lan. Lo ngại xung đột bạo động ngay trong nội bộ cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố Roterdam hủy bỏ một cuộc mít-tinh, còn chính phủ La Haye không cho ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến để tham dự. Sau khi máy bay của ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu phải bay ngược về Metz ( phía đông Pháp), tổng thống Erdogan lên án Hà Lan cư xử như « phát-xít » và cam kết sẽ trả đũa « tương xứng ».

Trong khi đó tại Rotterdam, theo AFP, hàng ngàn người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chế độ Erdogan, đã biểu tình chung quanh lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và xung đột với cảnh sát. Bộ trưởng bộ Gia Đình của Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp Hà Lan cảnh báo, dùng đường bộ từ Đức sang đến Rotterdam thì bị cảnh sát trục xuất về Đức.

Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, những căng thẳng này củng cố lập luận chính thức rằng Tây Âu tìm cách giúp cho phe chống dự án trao hết quyền lực cho tổng thống chiến thắng.

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer phân tích :

So sánh việc hủy bỏ các buổi mít tinh của các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu, như tại Đức và Hà Lan với các hành động của phát xít đã trở thành thói quen của tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Chắc chắn là tổng thống thổ Nhĩ Kỳ đang giận dữ với các nước châu Âu láng giềng, những nước bị ông Erdogan cáo buộc là ủng hộ cho phe nói « Không » trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tăng thêm quyền hạn cho tổng thống.

Nhưng chúng ta cũng cần hiểu những lời chỉ trích của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh chính trị của nước này. Recep Erdogan ý thức được là chưa có gì đảm bảo cho chiến thắng của ông trong cuộc trưng cầu dân ý. Phe ủng hộ việc tăng thêm quyền hạn cho tổng thống rất khó để tìm ra các lý lẽ thuyết phục những người còn đang do dự.

Trái lại, có một lý lẽ vẫn thuyết phục được cử tri, đó là phương Tây và các nước châu Âu đang tìm cách gây tổn hại uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, tổng thống Recep Tayyip Erdogan hy vọng kiếm thêm được nhiều phiếu « Thuận » của cử tri khi chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa.

Phe đối lập với tổng thống Erdogan rất cảnh giác trước cái bẫy này. Đó là lý do vì sao đối lập vội vàng chỉ trích thái độ của châu Âu, trong khi quyền tự do ngôn luận của phe này cũng rất hạn chế ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, lãnh đạo phe đối lập còn thông báo hủy tất cả các cuộc mít tinh ủng hộ phe nói « không » dự kiến sẽ được tổ chức tại nước ngoài, để tránh rơi vào bẫy.

Về nước và tố cáo

Trở về đến Istanbul sáng Chủ nhật 12/03/2017, Bộ trưởng bộ Gia Đình Fatma Betul Sayan Kaya than phiền bị Hà Lan đối xử « một cách thảm hại và bất nhân » cho dù bà là phụ nữ và có hộ chiếu ngoại giao.

Chưa rõ tổng thống Erdogan sẽ thông báo gì thêm trong bài diễn văn vào chiều nay (12/03). Đại sứ quán của Hà Lan tại Ankara bị cảnh sát bao bây, còn lá cờ Hà Lan trên toà lãnh sự ở Istanbul đã bị một đám đông thay bằng cờ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.