Vào nội dung chính
HOA KỲ - NHẬP CƯ

Mỹ: Hawai phản đối sắc lệnh nhập cư mới của Trump

Tiểu bang Mỹ Hawai vào hôm qua, 08/03/2017, đã đệ đơn lên tòa án liên bang phản đối sắc lệnh nhập cư mới của tổng thống Donald Trump, cấm công dân của 6 quốc gia Hồi Giáo vào Mỹ. Đây là thủ tục pháp lý đầu tiên chống lại sắc lệnh thứ hai về nhập cư của ông Trump.

Một góc thành phố Honolulu, tiểu bang Hawai,Hoa Kỳ. Ảnh chụp 09/11/2011.
Một góc thành phố Honolulu, tiểu bang Hawai,Hoa Kỳ. Ảnh chụp 09/11/2011. REUTERS/Chris Wattie/File Photo
Quảng cáo

Một thẩm phán Hawai đã đánh giá là tiểu bang này có thể có thêm một hành động bổ sung vào đơn kiện chống sắc lệnh thứ nhất của tổng thống Trump đưa ra vào ngày 27 tháng Giêng. Đối với giới lãnh đạo bang Hawai, sắc lệnh mới vừa ký hôm thứ Hai 06/03 vẫn ngược lại với Hiến Pháp Mỹ.

Một phiên tòa dự kiến mở ra vào ngày 15/03, ngay trước ngày sắc lệnh mới có hiệu lực. Văn bản mới này cấm trong vòng 90 ngày công dân 6 nước Hồi Giáo - Iran, Libya, Syria, Somalia, Sudan và Yemen - vào nước Mỹ. Việc hạn chế này chỉ liên quan đến những người mới xin visa.

Các chuyên gia pháp lý cho là việc phản đối sắc lệnh mới khó thành công hơn vì những điều chỉnh vừa đưa vào sắc lệnh cho phép nhiều ngoại lệ đối với người xin visa vào Mỹ.

Thời hạn rộng rãi hơn từ ngày sắc lệnh được ký và việc thực hiện cũng cho phép tránh được những khó khăn xẩy ra đối với sắc lệnh đầu tiên được thực hiện ngay sau khi ký, đã gây nên tình trạng hỗn loạn ở các phi trường.

Phe cực hữu Mỹ chống dự luật cải tổ obamacare bị cho là quá “nhẹ”

Tổng thống Trump cũng đang gặp chống đối ngay trong đảng Cộng Hòa về việc sửa đổi luật bảo hiểm y tế Obamacare. Dự luật mới về y tế vẫn giữ lại một số điều khoản của luật Obamacare, nhưng cánh cực hữu, đại diện là Tea Party, thì dứt khoát đòi xóa bỏ hoàn toàn luật của tổng thống tiền nhiệm.

Dân biểu Dave Brat thuộc nhóm Tea Party cho là đã bị ông Trump và lãnh đạo đảng Cộng Hòa " phản bội ", và đòi tổng thống Trump yêu cầu Thượng Viện bãi bỏ hẳn luật Obamacare.

Theo giới quan sát, ông Trump không ngờ lại bị phản đối như thế và buộc ông phải thương lượng nếu muốn luật mới được thông qua.

Nhưng không phải chỉ có cánh cực hữu trong đảng Cộng Hòa là phản đối dự luật mới. Các thượng nghị sĩ thuộc xu hướng " ôn hòa " trong đảng Cộng Hòa và đồng nhiệm trong đảng Dân Chủ cũng đã lên tiếng phản đối, cho là dự luật mới sẽ đẩy hàng triệu người Mỹ tầng lớp nghèo vào tình cảnh khó khăn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.