Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nhu cầu "Có con bằng mọi giá"

Đăng ngày:

« Mua » một đứa con bằng cách thuê người mang thai hộ, từ Ấn Độ, qua Ukraina, cho tới Hoa Kỳ, chi phí có thể lên tới 100.000 euro, thậm chí là nhiều hơn nữa. Nhu cầu « có con bằng mọi giá » đã mở ra một « thị trường thụ tinh trong ống nghiệm » lớn trên toàn thế giới.

Bác sĩ Nayna Patel theo dõi hình ảnh siêu âm của một người mẹ mang thai hộ tại bệnh viện Kaival ở Anand, Ấn Độ, 29/10/2015.
Bác sĩ Nayna Patel theo dõi hình ảnh siêu âm của một người mẹ mang thai hộ tại bệnh viện Kaival ở Anand, Ấn Độ, 29/10/2015. Ảnh : AFP / Sam PANTHAKY
Quảng cáo

Vậy, những người cha, người mẹ không tự mình sinh con mà đi tìm người mang thai hộ là ai ? Dù là các cặp có quan hệ đồng giới hay khác giới, tại sao và bằng cách nào mà họ lại tham gia vào thị trường « thuê người đẻ thay », một thị trường hợp pháp hay bất hợp pháp tùy theo quy định của từng nước ?

Để tìm trả lời cho các câu hỏi này, đài RFI đã mời Natacha Tatu, phóng viên tuần san l’Obs - tác giả cuốn sách có tựa đề « Sản xuất trẻ em » và nhà báo Sarah Dumont, tác giả cuốn sách « Những con giống tuyệt vời » tham gia chương trình « Có con bằng mọi giá ». Chương trình được phát ngày 07/02/2017.

Phóng viên Natacha Tatu cho biết : Cái được gọi là « thị trường đẻ thuê » phát triển mạnh ở Mỹ từ 20 năm trở lại đây. Các « thị trường giá rẻ » cũng đã phát triển rồi lại khép lại theo yêu cầu của pháp luật. Chẳng hạn cách đây từ rất lâu, Ấn Độ đã trở thành một thị trường « mang thai hộ » thực thụ và là thị trường giá rẻ đầu tiên trên thế giới. Ấn Độ đã trở nên nổi tiếng thế giới với những « nhà máy sản xuất trẻ em ». Nhưng Ấn Độ đã đột ngột đóng cửa thị trường này. Ngay lập tức, thị trường mang thai hộ chuyển sang Nepal. Rồi những trận động đất tại Napal lại khiến thị trường đẻ thuê chuyển sang Cam Bốt, rồi Thái Lan, Mêhicô.

Khác với ở Mỹ, tại những thị trường này giá rẻ này, mọi chuyện rất rõ ràng. Phụ nữ cho thuê bụng để « mang bầu ». Họ đẻ thuê để kiếm tiền, và chỉ để kiếm tiền mà thôi. (…) Còn Ukraina thì lại khác một chút. Ukraina là một điểm du lịch chữa bệnh. Chỉ cần một cú nhấp chuột trên máy tính là du khách sẽ được các « nhà máy sản xuất trẻ em » đề nghị dịch vụ mang thai hộ, kể cả khi họ đã ngoài 60 tuổi, nói tóm lại là có dịch vụ cho tất cả mọi người. Nhưng về mặt pháp lý thì lại có rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn rất khó để đưa một em bé được đẻ thuê từ Ukraina sang Pháp và giải quyết thủ tục nhập quốc tịch cho các bé.

Theo điều tra của phóng viên Natacha Tatu,về tài chính, các chi phí thuê người mang thai hộ là rất cao, nhất là ở Mỹ, dao động từ 100.000 đến 140.000 đô la. Tại Ấn Độ, chi phí hết khoảng 50.000 đô la, nhưng người phụ nữ mang thai hộ chỉ nhận được 4.000 đô la. Và đây là khoản tiền rất lớn đối với phụ nữ Ấn Độ. Đối với một số người, con số này tương đương với khoảng 10 năm thu nhập. Ở Ukraina, tổng chi phí cho một lần thuê dịch vụ mang thai hộ là khoảng 60.000 đô la. Còn ở Hy Lạp, nơi dịch vụ cũng bắt đầu nở rộ thì chi phí cũng khoảng 50-60.000 đô la.

Nhiều người cứ nghĩ là chỉ cần có tiền và chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể thuê người mang thai hộ, nhưng vẫn theo phóng viên Natacha Tatu, xét cả về mặt kỹ thuật, tâm lý và mặt pháp lý thì mọi chuyện không hề đơn giản như vậy.

Về pháp lý, bản hợp đồng có thể dài tới 70-75 trang, với nhiều điều khoản cụ thể, chẳng hạn như người mang thai hộ được uống bao nhiêu tách cà phê mỗi ngày. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không ai có thể lường trước hết mọi chuyện. Chẳng hạn, người phụ nữ mang thai hộ khi ký hợp đồng thì đồng ý sẽ phá thai, nếu thai nhi bị dị tật nhưng sau 3-4 tháng mang thai, họ không muốn phá thai vì đối với nhiều tôn giáo, thai nhi mà món quà trời ban. Khi đó, rất khó giải quyết mọi chuyện. Hoặc chẳng hạn người phụ nữ mang thai đôi, thai ba. Nhưng người cha sinh học chỉ có điều kiện nuôi một đứa con nên chỉ muốn giữ lại một thai nhi, người mẹ mang thai hộ cam kết sẽ nhận đứa trẻ con lại làm con nuôi. Nhưng pháp luật lại không cho phép. Ai đúng, ai sai ? Đứa trẻ sẽ là con ai ? Đó là trường hợp đã xảy ra tại Hoa Kỳ.

Còn ở Thái Lan, đã từng xảy ra trường hợp người mẹ mang thai hộ mang song thai, một thai nhi phát triển bình thường, một thai nhi bị chẩn đoán mắc bệnh Down. Cặp cha mẹ sinh học chỉ nhận em bé phát triển bình thường, còn người phụ nữ mang thai hộ thì nhận nuôi em bé bị bệnh Down. Vụ việc đã gây ra một vụ tai tiếng lớn, sau đó Thái Lan cấm dịch vụ này với người nước ngoài.

Vậy, ai là những người thường tìm đến dịch vụ đẻ thuê ? Nhiều người nghĩ rằng, những người sử dụng dịch vụ tìm người đẻ thuê thường là người đồng tính. Nhưng cuộc điều tra của phóng viên Natacha Tatu cho thấy những người phụ nữ hiếm muộn, vô sinh mới là những người cần đến dịch vụ đẻ thuê nhất. Đó là những người phụ nữ có những bất thường ở tử cung bẩm sinh hay do một nguyên nhân nào đó khiến họ không thể thụ thai, hay những người có thể sẽ truyền bệnh cho con nếu họ tự sinh con …

Trả lời cho câu hỏi tại sao giờ đây những cặp đôi không thể sinh con lại không muốn nhận con nuôi, tại sao họ lại phải chi nhiều tiền ra để thuê người mang thai hộ trong khi khắp nơi trên thế giới đang có những đứa trẻ bất hạnh cần có người nuôi nấng, nhà báo Natacha Tatu cho biết có một thực tế đáng buồn là cho dù có rất nhiều trẻ em mồ côi hay bị bỏ rơi, nhưng về pháp lý, việc cho người nước ngoài nhận con nuôi đang ngày càng bị siết chặt.

Số trẻ em trên thế giới được người nước ngoài nhận nuôi giảm mạnh trong những năm gần đây. Có rất nhiều lý do: chẳng hạn, nhiều chính phủ ưu tiên cho các cặp đôi trong nước nhận các bé bị bỏ rơi. Nhiều nước châu Phi vì lòng tự hào dân tộc, đã từ chối cho người da trắng tóc vàng, giàu có, nhận nuôi trẻ em nước mình. Vì thế, nhiều cặp đôi phải chờ tới 6-7 năm mới được nhận nuôi một em bé nước ngoài, ít tháng tuổi và khỏe mạnh. Việc nhận các bé nước ngoài làm con nuôi giờ đây là rất hiếm.

Ngoài việc nhận con nuôi, thuê người mang thai hộ, nhiều phụ nữ vì mải lo sự nghiệp, chưa có điều kiện sinh con và nuôi con thì lại đăng ký lưu trữ trứng đông lạnh để có cơ hội có con về sau này. Thậm chí, một công ty ở California, Hoa Kỳ đã đề nghị các nhân viên nữ lưu trữ trứng đông lạnh nếu họ muốn sau này sinh thêm con.

Cũng có nhiều phụ nữ muốn sinh con đơn thân tìm đến ngân hàng tinh trùng để mua tinh trùng. Có một ngân hàng như vậy tại Ấn Độ. Giám đốc ngân hàng tinh trùng này cho phóng viên Natacha Tatu biết số phụ nữ đến mua tinh trùng ở ngân hàng ngày càng tăng nhanh. Còn tại Pháp, mua bán tinh trùng bị cấm. Nhưng vẫn có nhiều người tìm đến dịch vụ trái phép vì không có điều kiện ra nước ngoài để cấy tinh trùng hợp pháp.

RFI đã phỏng vấn một người hiến tặng tinh trùng trái phép như vậy. Anh Martin, tầm 30 tuổi, sống tại Paris, đã có vợ và con gái 1 tuổi. Anh hiến tặng tinh trùng từ vài tháng nay. 5 trong số 6 phụ nữ mà anh Martin hiến tinh trùng đã có thai. Anh Martin chia sẻ :

Tôi đã mất con trai từ khi bé mới là một bào thai 7 tháng tuổi vì một căn bệnh hiếm gặp. Bệnh viện Necker đã tìm đủ cách chữa nhưng rất tiếc là căn bệnh quá phức tạp. Năm 2016, tôi may mắn sinh được một bé gái. Tôi rất hạnh phúc và tôi muốn chia sẻ hạnh phúc với những người hiện ở Pháp và không thể sinh con. Khi nhìn xung quanh mình, tôi thấy có những cặp đôi đồng giới nữ, và tôi tự hỏi tại sao lại sao tôi không làm gì đó để giúp đỡ họ. Sau đó, tôi thử gõ từ « tinh trùng » lên mạng internet, tôi tìm hiểu về việc hiến tặng tinh trùng.

Rất tiếc là ở Pháp hiến tặng tinh trùng lại không được pháp luật cho phép. Tôi tự hỏi tại sao tôi không thử làm? Tất nhiên là tôi đã phải suy nghĩ rất lâu. (…) Mọi chuyện được thực hiện qua các trang internet. Tôi phải gửi ảnh cho các cặp đôi, vì có những cặp đôi có tiêu chuẩn về hình thức, chẳng hạn họ muốn có con mang màu tóc vàng, mắt xanh …

Nếu họ hài lòng về hình thức bên ngoài của tôi, chúng tôi sẽ hẹn gặp nhau ở quán café. Tôi cho họ xem giấy chứng nhận sức khỏe, họ cần biết là tôi không nhiễm HIV và có sức khỏe tốt. Còn tôi hỏi họ về công việc, vì tôi không muốn đứa trẻ sau này có cuộc sống thiếu thốn, vất vả bố mẹ không đủ điều kiện tài chính. (…) Tôi không đòi hỏi tiền nong từ họ. Tôi không cần và cũng không muốn lấy tiền của họ”.

Nhà báo Sarah Dumont, tác giả cuốn sách « Những con giống tuyệt vời » cho RFI biết là đa phần những người xin tinh trùng thường là những cặp đồng tính nữ hoặc những phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân. Mặc dù bị cấm ở Pháp, nhưng những người có nhu cầu xin tinh trùng lại rất dễ tìm được người hiến tặng thông qua các diễn đàn dành cho nữ giới trên mạng internet, tại một số trang web hay trong các nhóm kín trên Facebook hoặc trên các trang mạng xã hội khác. Mặc dù có một số người muốn nhận tiền khi hiến tinh trùng, nhưng nhà báo Sarah Dumont khẳng định vấn đề tiền bạc không phải là yếu tố thúc đẩy một người hiến tặng. Đa phần họ chỉ muốn giúp đỡ người khác.

Nhưng vấn đề có thể nảy sinh khiến người đàn ông gặp rắc rối sau này. Đó là vì tại Pháp, “hiến tặng tinh trùng” không được pháp luật công nhận, nên nếu người phụ nữ, chẳng hạn gặp khó khăn tài chính để nuôi con có thể sẽ yêu cầu xét nghiệp AND cho con và buộc người hiến tinh trùng phải chu cấp tiền nuôi con và có trách nhiệm nuôi con. Kiện cáo vì thế cũng có thể xảy ra. Khi đó, người hiến tặng tinh trùng sẽ rơi vào cảnh “làm ơn mắc oán”.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.