Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGA

Tiến trình sưởi ấm quan hệ Mỹ-Nga trải qua trắc nghiệm đầu tiên

Quan hệ Mỹ-Nga sẽ được sưởi ấm, nguội lạnh đi, hay được giữ nguyên trạng ? Kể từ khi Donald Trump nhậm chức, mọi việc đều không rõ ràng. Trong chưa đầy một tháng, vào lúc tuần trăng mật vừa mới bắt đầu, thì cặp Trump-Putin đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng. Điều này làm nguội lạnh những mong muốn của điện Kremlin vốn rất hồ hởi với chiến thắng của Donald Trump.

Ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Danilovgrad, Montenegro, 16 tháng 11, năm 2016.
Ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Danilovgrad, Montenegro, 16 tháng 11, năm 2016. REUTERS/Stevo Vasiljevic
Quảng cáo

Báo Le Figaro số ra ngày 17/02/2017 cho biết « Tiến trình sưởi ấm quan hệ Mỹ-Nga trải qua trắc nghiệm đầu tiên » với việc Nga kín đáo triển khai một loại tên lửa hành trình mới có khả năng chuyên chở nhiều đầu đạn hạt nhân, công khai vi phạm thỏa thuận cấm loại vũ khí này, được ký kết năm 1987 giữa Mikhail Gorbatchev và Ronald Reagan. Thực ra, vụ việc không có gì mới mẻ vì năm 2014, Barack Obama đã phản đối khi quân đội Nga, lần đầu tiên, tiến hành thử nghiệm loại tên lửa này.

Thế nhưng, từ hai năm qua, các dàn tên lửa hành trình đó đã được đưa vào sử dụng và triển khai tại hai căn cứ quân sự, trong đó có một căn cứ ở Volgograd, phía nam nước Nga. Theo tờ báo, loại vũ khí rất cơ động này gây khó khăn cho việc kiểm soát vũ khí giữa Matxcơva và Washington, đồng thời, đe dọa an ninh của các thành viên châu Âu trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO.

Sự kiện có nguy cơ làm cho quan hệ Mỹ-Nga trở nên phức tạp, trong lúc tổng thống Donald Trump, vốn tự nhận là « một người bạn » của nước Nga, khâm phục trí thông minh của đồng nhiệm Vladimir Putin, và vừa qua, đã phải chia tay cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, bị đánh giá là quá gần gũi với Nga. Đây là người thứ hai bị sa thải do dính dáng đến hồ sơ Nga. Hồi tháng Tám năm 2016, Paul Manafort, nguyên phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng đã phải ra đi với cùng lý do.

Trong những ngày vừa qua, nhiều cộng sự của ông Trump bị cáo buộc đã nhiều lần gặp gỡ tình báo Nga trong năm 2016, vào lúc nhiều quan chức thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều coi Nga là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Để chống đỡ, tân chính quyền Mỹ đã đưa ra một số phát biểu tỏ thái độ cứng rắn với Matxcơva, chẳng hạn như tổng thống Donald Trump kêu gọi Nga nên trả Crimée cho Ukraina, còn bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thì nói rằng Hoa Kỳ sẽ đàm phán với Nga trên thế mạnh, rằng chưa đến lúc hợp tác quân sự với Nga.

Ngay lập tức, Matxcơva đã có phản ứng. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigou, đáp trả : Mọi ý đồ xây dựng đối thoại với Nga trên thế mạnh sẽ bị thất bại. Về vấn đề Crimée, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga nói ngắn gọn : Matxcơva không trả lãnh thổ của mình cho ai cả.

Le Figaro kết luận, quan hệ Mỹ-Nga vừa mới được tái khởi động từ đầu, đã phải trả qua thử thách đầu tiên.

Mập mờ quan hệ Mỹ - Nga

Về phần mình, nhật báo kinh tế Les Echos nhận thấy các lãnh đạo Mỹ đã có những tuyên bố trái ngược nhau. Tờ báo nhận xét « Washington duy trì sự mập mờ trong quan hệ với Matxcơva ».

Trong cuộc gặp với NATO tại Bruxelles, ngày 15 và 16/02, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis không ngần ngại tố cáo Nga có những hành động hung hăng đe dọa thế giới và Matxcơva phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh là chưa hội đủ các điều kiện để tiến hành hợp tác quân sự Mỹ-Nga.

Thế nhưng, cùng thời điểm này, nhân Hội nghị G20 tại Bonn, Đức, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lại tuyên bố « Hoa Kỳ dự tính hợp tác với Nga » trên những lĩnh vực phục vụ lợi ích Hoa Kỳ.

Theo Les Echos, các hoạt động ngoại giao của Mỹ sẽ tiếp tục, nhân hội nghị an ninh Munich, được tổ chức từ ngày 17 đến 19/02, và phó tổng thống Mike Pence dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ. Trong mọi trường hợp, theo ông Wolfgang Ischinger, chủ tịch Hội nghị Munich, thì nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump là « một trắc nghiệm về khả năng kháng cự đối với châu Âu, với quan hệ Mỹ-châu Âu và với toàn thế giới ».

Mỹ vỗ về châu Âu

Chính sự mập mờ này đã khiến cho các nước đồng minh trong khối NATO lo lắng. Le Figaro cho hay, tại thượng đỉnh G20, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson buộc phải đưa ra « những lời trấn an các nước châu Âu ».

Trước sự quan sát của các đối tác châu Âu, ông Rex Tillerson tỏ ra thận trọng khi bình phẩm ngắn gọn cuộc trao đổi đầu tiên giữa ông với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov. Để trấn an châu Âu, ngoài việc khẳng định « bảo vệ các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ », tân ngoại trưởng Mỹ còn tỏ ra rất rõ ràng trên hồ sơ Ukraina, hồ sơ gai góc nhất khi kêu gọi « Nga tôn trọng các cam kết của mình trong khuôn khổ thỏa thuận Minks và giảm leo thang quân sự tại Ukraina ».

Đây chính là hồ sơ trọng yếu mà châu Âu, nhất là Pháp và Đức, hai quốc gia chủ trì các cuộc thương lượng giữa Matxcơva và Kiev đang trông đợi nhiều nhất. Trả lời câu hỏi của đồng nhiệm Pháp Jean-Marc Ayrault liên quan đến việc duy trì các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, ngoại trưởng Mỹ cho rằng « câu trả lời rất rõ ràng : các lệnh trừng phạt đó có liên quan đến việc không tôn trọng các thỏa thuận » đạt được tại Minks.

Dù tỏ ra dứt khoát, nhưng theo quan sát của Le Figaro, những cuộc trao đổi ngoại giao đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ hết được mọi nghi vấn, do vẫn còn tồn tại nhiều điểm bất đồng và cần phải được làm sáng tỏ.

Ai giết Kim Jong Nam ?

Thời sự châu Á nổi bật với vụ ám sát Kim Jong-Nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Nhật báo công giáo La Croix nhận định « cái chết của Kim Jong Nam vẫn là một ẩn số ».

Theo quan sát của thông tín viên nhật báo, Fréderic Ojardias tại Seoul, thì vụ việc đã gây kinh hoàng cho người dân Hàn Quốc, đẩy vụ tai tiếng chính trị đang nhấn chìm nữ tổng thống vừa bị phế truất xuống hàng thứ yếu. Bất chấp việc thiếu các bằng chứng, nhật báo Korea Times trên trang nhất công khai cáo buộc Bình Nhưỡng : « Kim Jong Un lộ rõ tính tàn bạo nhẫn tâm của mình ».

Người dân Hàn Quốc vốn quá quen thuộc với những lời đồn đãi về các vụ sát hại do quốc gia láng giềng hay quấy rối thực hiện, đã không mảy may nghi ngờ về nhân thân của kẻ chủ mưu. « Đích thị là Kim Jong Un rồi. Tại Bắc Triều Tiên, người dân vẫn còn mang nặng tư tưởng phong kiến : người kế thừa phải là con trai trưởng. Do đó, để đề phòng bất trắc, Kim Jong Un nghĩ là tốt hơn hết nên trừ khử anh trai mình », một tài xế taxi đã khẳng định như trên với tác giả bài viết.

Các cơ quan tình báo Hàn Quốc cũng có cùng nhận định khi cho hay Kim Jong Nam đã từng nhiều lần bị ám sát hụt do những lời chỉ trích chế độ sau khi Kim Jong Un lên cầm quyền vào năm 2011. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, có lẽ chính việc xuất hiện các lời đồn đãi trên báo chí Hàn Quốc (rất có thể là đồn sai) cho rằng Kim Jong Nam muốn đào tẩu sang Hàn Quốc đã khiến lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên phải ra tay sớm.

Người anh sở dĩ có ý định đó rất có thể là bị ảnh hưởng từ đợt đào tẩu mới đây sang phía nam của nhiều nhà ngoại giao Bình Nhưỡng cấp cao, trong đó có nhân vật số hai của tòa đại sứ Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn. Người này đã lớn tiếng tố cáo Kim Jong Un cai trị đất nước bằng bàn tay sắt.

Dù vậy, ông Choi Jong Kun, chuyên gia chính trị trường đại học Yonsei tại Seoul tỏ ra cẩn trọng : « Kim Jong Nam cũng rất có thể có liên can đến các hoạt động tội phạm và bị mafia ra tay sát hại. Mọi thứ đều có thể cả. Tôi nghĩ rằng Kim Jong Un đã củng cố khá chắc quyền lực của mình. Nhưng nếu anh ta thật sự là kẻ chủ mưu của vụ ám sát chính trị này, thì điều đó cũng có nghĩa là ông ta muốn sử dụng việc này để thể hiện rõ quyền lực của mình ».

Khi công nghệ là công cụ tố cáo hữu hiệu

Nhìn sang Trung Quốc, thông tín viên Les Echos tại Bắc Kinh, Frederic Schaeffer, cho biết Trung Quốc phổ biến « một ứng dụng trên điện thoại di động để khuyến khích tố giác ».

Công an Bắc Kinh đã phát triển một ứng dụng cho phép người dân cáo giác mọi hoạt động đáng ngờ. Được cài đặt miễn phí trong « stores », ứng dụng bao gồm năm mục trên trang chủ : Các vụ việc quan trọng, tìm kiếm người, đồ thất lạc, người đáng ngờ và tai nạn giao thông. Khi một mục nào được chọn, người sử dụng có thể cung cấp cho công an các thông tin bằng cách tải các đoạn video, hình ảnh và văn bản. Người sử dụng có thể theo dõi trên điện thoại của mình tiến triển của vụ việc được báo động.

Fukushima : Giếng không đáy

Trong lĩnh vực môi trường, Libération có bài phân tích dài hai trang đề tựa « Fukushima : Những cái giếng không đáy ». Sáu năm sau ngày 11/3/2011, việc cách ly trung tâm hạt nhân bị sóng thần tàn phá đòi hỏi nhiều tốn kém cả về thời gian lẫn tài chính hơn dự kiến. Bên cạnh đó, nồng độ chất phóng xạ vẫn ở mức báo động, cao hơn dự tính.

Bầu cử tổng thống Pháp : Chủ đề chính trên trang nhất

Trang nhất các báo tập trung nói nhiều về bầu cử tổng thống Pháp. « Marine Le Pen mạnh hơn bao giờ hết » là hàng tít lớn trên báo Le Monde. Thăm dò mới nhất do Ipsos - Sopra Steria thực hiện cho thấy mức độ do dự của cử tri cao. Bà Marine Le Pen, ứng viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia còn dẫn đầu thăm dò với 26% ý định bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri ủng hộ bà đã tăng vọt đáng kể.

Một chủ đề tranh cử khác thu hút nhiều tranh luận là phát biểu của ứng viên tranh cử tổng thống Emmanul Macron về giai đoạn thực dân Pháp tại Algeri. Le Monde và Le Figaro cùng chạy tít lớn : « Thực dân : Macron gây tranh cãi ». Đang thăm Algeri, ứng viên phong trào « Tiến bước » (En Marche) xem thời kỳ thực dân này là « một tội ác chống nhân loại ». Một đánh giá đã khiến cho cánh hữu nổi giận và gây khó xử cho phe tả.

Cũng trong bầu không khí tranh cử, trang nhất Libération đặc biệt chú ý đến cựu thủ tướng François Fillon, đại diện đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa : « Fillon : Những phi vụ nhỏ giữa những người bạn ». Vào lúc tư pháp quyết định tiếp tục điều tra sơ bộ về những tiết lộ tạo việc làm giả cho vợ con của ứng viên, Libération mô tả chi tiết những buổi diễn thuyết được trả giá cao của ông Fillon từ năm 2013. Lúc thì tại Kazakhstan, khi thì tại Nga hoặc như ở Qatar. Tờ báo nhìn nhận rằng « những vụ dàn xếp nhỏ đó tuy là hợp pháp, nhưng trên góc độ đạo đức vẫn đáng bàn luận ». Trong mọi trường hợp, các buổi diễn thuyết đó đem về những khoản thu từ 140-210 nghìn euro cho công ty 2F mà ông Fillon là khách mời diễn thuyết duy nhất.

Riêng chỉ có La Croix là không hùa theo hơi hướm bầu cử khi nhận thấy là « các vị tu sĩ bắt đầu để ý đến sinh thái ». Vốn thừa hưởng truyền thống lâu đời, cộng đồng tu sĩ công giáo tại Pháp muốn là những phòng thí nghiệm « sinh thái hoàn toàn » đầu tiên theo như khuyên nhủ của đức giáo hoàng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.