Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Tham nhũng : "Lỗi hệ thống" ở Hungary

Đăng ngày:

Theo một công bố vào cuối tháng 01/2017, Hungary tụt 7 thứ hạng trong bảng xếp hạng về tham nhũng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International), từ vị trí thứ 50 rớt xuống vị trí thứ 57 trên tổng số 168 quốc gia và vùng lãnh thổ, và thuộc vào hàng những quốc gia tham nhũng nhất ở Liên Hiệp Châu Âu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. REUTERS
Quảng cáo

Từ 22 năm nay, Minh Bạch Quốc tế - một tổ chức dân sự phi chính phủ chuyên về đấu tranh chống tham nhũng đưa ra thang điểm đánh giá mức độ tham nhũng (Corruption Perception Index - CPI) từ 0 đến 100 để xếp hạng các quốc gia trên cơ sở nạn tham nhũng tại các nước này.

Chỉ số CPI càng lớn thì tệ tham nhũng càng nghiêm trọng. Chỉ số này được tổng hợp từ các số liệu nghiên cứu liên quan tới tham nhũng do các chuyên gia, các học viện uy tín và độc lập trên thế giới tiến hành, và đưa ra cái nhìn tổng thể về tình trạng tham nhũng trên thế giới. CPI tập trung vào xem xét tệ tham nhũng trong bộ máy nhà nước, và định nghĩa tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân.

Để hiểu thêm về tình trạng tham nhũng tại đất nước Đông Âu này, RFI có buổi trao đổi với thông tín viên Hoàng Nguyễn tại Budapest.

Tham nhũng tới mức kinh ngạc

Cách đây gần 1 năm, giới chuyên môn đã từng bàng hoàng trước kết quả của Trung tâm Nghiên cứu về Tham nhũng ở Budapest. Kết quả này càng được củng cố qua các thăm dò, nghiên cứu trong năm 2016, khi tệ tham nhũng - đặc biệt là trong đời sống kinh tế - lan tràn tại Hungary đã trở thành “quốc nạn”, và được hợp thức hóa qua luật định và bộ máy chính quyền.

Kết quả mới đây cho thấy, với 48 điểm (thấp chưa từng có trong vòng sáu năm trở lại đây), Hungary tụt hậu đáng kể tại Liên Hiệp Châu Âu cũng như trong khu vực Đông - Trung Âu, và thuộc số 20% những quốc gia tham nhũng nhất ở Liên Hiệp, nơi chính quyền có những biểu hiện không minh bạch, tự do ngôn luận, báo chí và nhân quyền bị vi phạm và nền tư pháp thiếu độc lập.

Trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, Hungary cùng Rumani đứng thứ 24-25 trên tổng số 28 nước thành viên, và chỉ nhỉnh hơn các nước đội sổ là Hy Lạp, Ý và Bulgaria đôi chút. Còn riêng trong khu vực Đông - Trung Âu, Hungary chỉ còn đứng trên Bulgari, và theo ông José Ugaz, chủ tịch tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, tham nhũng đi kèm với sự xuống cấp của dân chủ.

Trong cuộc họp báo diễn ra tại Budapest, chi nhánh của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế tại Hungary khẳng định rằng, ở Liên Hiệp Châu Âu có mối liên hệ đáng kể giữa tệ tham nhũng và sự phát triển kinh tế, và từ một thập niên rưỡi nay, khả năng cạnh tranh của Hungary trong kinh tế ở đáy vực cũng một phần vì môi trường thiếu lành mạnh do tham nhũng.

Những con số thống kê cũng cho thấy, nếu vào năm 2001 Hungary còn đứng thứ 28 trên thế giới về khả năng cạnh tranh, thì năm ngoái 2016 đã tụt xuống thứ 69. Những công sở, cơ quan nhà nước cũng bị đánh giá rất tệ, từ thứ 26 năm 2001 xuống thứ 114 vào năm 2016. Các nhà đầu tư coi tham nhũng và sự thất thường, bấp bênh về pháp luật là trở ngại chính cho kinh doanh tại Hungary.

“Bôi trơn” khủng khiếp một cách hợp thức

Một nghiên cứu về tham nhũng trong năm ngoái cho hay, mức độ tham nhũng trong các cuộc đấu thầu ở Hungary lên tới mức độ đáng sợ: thông thường ước tính là 30%, nhưng một số vụ vọt lên tới 140-320%, đặc biệt là khi cuộc “ganh đua” chỉ có 1-2 “đối thủ”, và được tiến hành “nội bộ” theo kiểu “đàm phán”, chứ không công khai, và nhất là khi có nguồn tiền của EU.

Trong giai đoạn 2009-2015, tỷ lệ những vụ đấu thầu mà “hoa hồng” lên tới mức quá trớn ngày càng tăng, và tăng vọt sau năm 2011, khi Đạo luật về đấu thầu bị sửa đổi theo hướng chính quyền được lỏng tay trong việc chỉ định thầu mà không thông qua “ganh đua”, và cứ hai cuộc đấu thầu thì lại có một cuộc được tiến hành bi mật, không công khai.

Báo chí Hungary nhấn mạnh rằng, đối với người dân, nhiều khi vẫn hình dung tham nhũng như là một hình thức đút lót đơn thuần cho giới chính khách để được can thiệp theo hướng có lợi trong một việc gì đó. Cho dù, tại Hungary, tham nhũng hiện tại thường phải hiểu là pháp luật được “tối ưu hóa” để một số kẻ có được lợi thế hợp thức trong cạnh tranh đối với những kẻ khác.

Một thăm dò dư luận mới đây cho thấy, tham nhũng là đề tài khiến cư dân Hung quan tâm thứ nhì, chỉ sau tỵ nạn và di dân, và lý do là bởi hầu như không có ngày nào, báo chí Hung không nhắc tới việc, một cá nhân nào đó thân chính quyền, hoặc thân nhân những chính khách lớn lại thắng thầu ở đâu đó. Và đây là điều ngày càng trở nên phổ biến từ năm 2010 trở lại đây.

Bởi lẽ, có được số ghế áp đảo hai phần ba trong Quốc Hội, liên minh cầm quyền cánh hữu đã thẳng tay sửa luật để tiền thuế dân có thể rót đều đặn vào tay những tập đoàn lợi ích thân chính phủ. Tham nhũng rốt cục ngăn chặn sự vận hành của nhà nước pháp quyền và việc thực hiện những quyền con người cơ bản, đánh lừa công dân và làm méo mó thị trường tiền tệ.

Điều này, xét về dài hạn, ngoại trừ một thiểu số “tinh hoa” (elite), thì tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng một cách tồi tệ.

Trò chơi với tiền công quỹ

“Trong những năm qua, có rất nhiều ví dụ cho thấy, những kẻ sở hữu quyền lực ở Hungary coi tiền công quỹ như tiền riêng của họ”, đó là nhận định của ông Ligeti Miklós, Giám đốc Pháp Luật của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, chi nhánh tại Hungary.

Một trường hợp điển hình mà RFI có dịp đề cập, là Ngân hàng Quốc gia Hungary đã “ban phát” gần 267 tỷ Forint cho các quỹ tài chính trực thuộc. Điều đáng nói ở đây là phe cầm quyền đã chủ trương mật hóa bằng luật hoạt động tài chính của Ngân hàng, đi kèm theo là các quỹ tài chính kể trên, và không chịu công bố các số liệu của các quỹ, cho dù bị các đảng đối lập và các tổ chức dân sự đòi hỏi. Và đây không phải là trường hợp duy nhất, chính quyền dùng biện pháp mật hóa bằng luật những thương vụ lớn.

Một ví dụ điển hình khác là “thương vụ thế kỷ” trị giá 12 tỷ Euro do chính phủ Hungary ký kết “bí mật” với Liên bang Nga về việc mở rộng nhà máy điện nguyên tử ở thành phố Paks bằng nguồn tín dụng của Nga và công nghệ gần như độc quyền của Nga. Mọi hồ sơ có liên quan đã bị “mật hóa” trong vòng 30 năm, khiến Liên Âu đã phải có ý kiến buộc Budapest xem lại.

Cũng cần nhắc thêm tới một vụ tai tiếng khác, đó là mọi dữ liệu của kế hoạch di chuyển các cơ quan của Văn phòng Chính phủ lên khu Hoàng Thành Buda đã bị “mật hóa” trong vòng 30 năm với lý do “tránh nguy cơ khủng bố”. Trong thực tế, như vậy các dự án đầu tư, đấu thầu có liên quan đã bị giấu kín mà không ai làm gì được, kể cả nếu kiện cáo.

Mù mờ thông tin trong những thương vụ tài chính, hạn chế “quyền được biết” của người dân, là điều có thể gây thiệt hại lớn cho đất nước, cho dù thuận tiện để lãnh đạo có thể tham nhũng thả cửa. Bên cạnh đó, thiếu vắng tự do thông tin còn khiến sức mạnh của sự minh bạch, công khai bị giảm thiểu, và công luận mất đi vũ khí hữu hiệu để giám sát chính quyền.

Ngoài ra, giới chuyên môn còn nhấn mạnh rằng, nếu mục tiêu là làm giàu cho “tập đoàn lợi ích” thân quen, thì nội các Hungary cũng không ngại ngần bắt tay với những người nhập cư hữu sản, cho dù di dân luôn bị coi là mối họa cho nước Hungary. Hàng trăm tỷ Forint vào túi những công ty môi giới trung gian thân chính phủ có nguồn gốc mù mờ, còn công quỹ Hungary thì bị thiệt 40 tỷ.

“Lỗi hệ thống”

Tham nhũng không phải là điều xưa nay không có ở Hungary, và khi còn ở cương vị đối lập, vũ khí mạnh mẽ của các đảng cầm quyền hiện tại, là tấn công vào cánh tả nắm quyền lúc đó ở góc độ tham nhũng của chính quyền. Thế nhưng, để tham nhũng trở nên “hợp thức hóa”, thành “đặc tính của thể chế” - theo lãnh đạo Minh bạch Quốc tế Hungary, thì chính là tình cảnh hiện tại của nước này.

Một phần tư số tiền nhận được từ Liên Âu đã bị đánh cắp bởi tham nhũng “mang tính hệ thống và được điều hành từ trên xuống, nhiều khi được hợp thức hóa”, theo ông Martin József Péter. Không có tam quyền phân lập thực sự, hệ thống kiểm soát và đối trọng quyền lực không hoạt động khiến từ nhiều năm nay, tham nhũng ở Hungary đã trở nên “bình ổn” về thể loại và khuynh hướng.

Còn may là hệ thống tòa án ở Hungary chưa toa rập với chính quyền, theo nhận định của người đứng đầu Minh bạch Quốc tế Hungary. Điều đáng buồn là thay vì đấu tranh chống tham nhũng, thì chính quyền trong nhiều trường hợp lại chính là nguồn gốc của tham nhũng, khích lệ tham nhũng và tạo điều kiện cho giới chính khách thượng đỉnh có điều kiện trục lợi.

Một chút an ủi là tham nhũng trong đời thường có phần thuyên giảm, ví dụ người dân ít phải đút lót cho cảnh sát, tuy nhiên các điều tra cho thấy chỉ 20% cư dân Hungary lên tiếng với chính quyền khi nhận thấy tham nhũng, và đây là một tỷ lệ tồi tệ, sánh ngang với Belarus và Nga. Trong khi đó, không có cơ quan nào kiểm soát chính quyền khi có tham nhũng, và đó là điều hết sức đáng lo ngại.

Minh Bạch Quốc Tế chi nhánh Hungary cho biết rằng phân nửa dân Hung không hề tin vào những biện pháp phòng chống tham nhũng của chính quyền (mà nội các Hung gọi bằng cái tên “100% không khoan nhượng”). Gần hai phần ba trên tổng số 16 ngàn vụ đấu thầu do tổ chức này tìm hiểu đều có dấu hiệu tham nhũng, nói lên “lỗi hệ thống” của tệ tham nhũng ở Hungary.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.