Vào nội dung chính
RUMANI - THAM NHŨNG

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Rumani : Từ phản đối nghị định tới đòi chính phủ từ chức

Theo kết quả thăm dò ý kiến của một tổ chức quốc tế, 49% số người Rumani được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn đề lớn của đất nước. Việc chính phủ Rumani ra nghị định giảm nhẹ tội cho những kẻ tham nhũng đã khiến dân chúng phẫn nộ và xuống đường biểu tình trong suốt nhiều ngày.

Hàng trăm ngàn người Rumani biểu tình ở Bucarest trong suốt nhiều ngày đòi chính phủ hủy bỏ nghị định giảm nhẹ tội tham nhũng.
Hàng trăm ngàn người Rumani biểu tình ở Bucarest trong suốt nhiều ngày đòi chính phủ hủy bỏ nghị định giảm nhẹ tội tham nhũng. REUTERS/Stoyan Nenov
Quảng cáo

06:27

Phỏng vấn - Rumani 10.02.17

Chỉ tính riêng ngày chủ nhật 05/02/2017, đã có tổng cộng 105 ngàn người xuống đường biểu tình đòi chính phủ rút lại nghị định bị coi là bảo vệ những kẻ tham nhũng, trong khi dân số của Rumani là chỉ có 20 triệu người. Đây là tỉ lệ người đấu tranh biểu tình rất lớn.

Trước phong trào biểu tình mạnh mẽ nhất kể từ khi chế độ cộng sản ở Rumani sụp đổ vào năm 1989, chính phủ Rumani đã buộc phải hủy bỏ nghị định trên. Tuy nhiên, trên khắp đất nước Đông Âu này, hàng trăm ngàn người dân vẫn tiếp tục biểu tình trong những ngày qua. Lần này, họ đòi chính phủ từ chức.

Để hiểu hơn về phong trào này đấu tranh này, ngày 07/02/2017, RFI đã có buổi trao đổi với nhà sử học Catherine Durandin, chuyên gia về lịch sử Rumani, giáo sư Viện ngôn ngữ và văn minh phương Đông INALCO và ông Matei Visniec, phóng viên ban tiếng Rumani của đài RFI.

RFI : Tại sao phong trào biểu tình lần này lại kéo dài ngay cả khi chính phủ đã quyết định rút lại nghị định bị coi là bảo vệ những kẻ tham nhũng, điều này có nghĩa là cơn giận dữ của người biểu tình sâu đậm hợn cả nỗi tức giận về việc chính phủ ra quyết định giảm nhẹ tội cho những kẻ tham nhũng ?

Nhà sử học Catherine Durandin : Vâng, tôi tin là cơn giận dữ của người biểu tình sâu đậm hơn rất nhiều, vì trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào hồi tháng 12/2016 mà liên minh trong đó đa phần là đảng xã hội đã thắng cử, thì giới trẻ và những người sống ở thành thị có rất ít tiếng nói, những người đi bầu và được bầu vào Quốc Hội chủ yếu là những người nhiều tuổi và sống ở nông thôn.

Có hai thế hệ tham gia vào cuộc biểu tình lần này. Đó là thế hệ trẻ và thế hệ của những người đã tham gia vào cuộc đại biểu tình năm 1989 phản đối nhà độc tài Ceauşescu và phe xã hội. Những người đã từng biểu tình năm 1989 nay lại tiếp tục xuống đường. Có vẻ như họ muốn hoàn thành nốt nhiệm vụ còn đang dang dở.

Biểu tình không chỉ diễn ra ở thủ đô Bucarest mà còn diễn ra ở những thành phố phát triển. Còn tại miền Bắc và miền Đông Bắc Rumani, nơi tập trung nhiều thành phố kém phát triển thì không hề có biểu tình.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng mà chính phủ tiến hành đã bước đầu thành công, tôi thấy có một sự ngạo ngễ, ngu ngốc, tàn nhẫn mà báo chí và phe đối lập hướng nhắm vào Quốc Hội và đảng Xã Hội. Đó là sự khinh miệt. Họ bất chấp tất cả.

RFI : Liệu người dân có coi việc chính phủ thông qua nghị định một cách vô cùng chóng vánh như vừa qua như một sự mù quáng, thiếu tôn trọng dân chúng ?

Nhà báo Matei Visniec : Vâng, rất có thể là như vậy. Có một sự tự đại, một sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về xã hội và văn hóa Rumani. Xã hội Rumani giờ không còn như hồi trước khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Hiện có 3 triệu người Rumani đang làm việc tại nước ngoài. Hàng chục, hàng trăm ngàn thanh niên Rumani đi du học nước ngoài. Xã hội Rumani đã chuyển biến rất nhiều nhưng vẫn đồng nhất. Những người Rumani trong nước và những người Rumani ở nước ngoài nước giao tiếp, trao đổi thông tin với nhau, tạo một luồng gió mới. Đó chính là phong trào đấu tranh hiện nay.

RFI : Đó cũng là một nước Rumani đang nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng. Một cơ quan quốc gia về chống tham nhũng đã được lập và đã xét xử hơn 1000 chính trị gia và quan chức cao cấp. Những người biểu tình vẫn muốn chính phủ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng này ?

Nhà báo Matei Visniec : Chắc chắn là như vậy rồi. Nhiều bộ trưởng và thậm chí cả 1 vị thủ tướng đã bị tống giam vào tù vì tham nhũng. Đây là những việc lần đầu tiên xảy ra ở Rumani. Từ 10 năm trở lại đây, người dân Rumani mới có lại được niềm tin. Ấy vậy mà, với nghị định mới của chính phủ, đùng một cái, họ lại phải quay trở lại vạch xuất phát. Người dân không chấp nhận điều này. Chính vì thế, họ đồng loạt xuống đường biểu tình. Nhưng phong trào biểu tình lần này khác với phong trào biểu tình năm 1989. Như tờ báo Libération nhận xét, đây giống một « lễ hội », « một lễ hội ngoài trời ».

RFI : Thêm một nét mới nữa, đó là phong trào biểu tình lần này được nói tới nhiều hơn trên các trang mạng xã hội, trên Facebook. Có phải giới trẻ đã tìm ra một cách mới để huy động và tập hợp người biểu tình?

Nhà báo Matei Visniec : Đây đúng là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng xã hội - công nghệ, số hóa mà chúng ta cần phân tích sâu. Internet và các mạng xã hội có thể là một công cụ để thực hiện dân chủ. Và giới trẻ, với khả năng tốt, họ chỉ cần có 3 phút là đã có thể quay phim, tung lên mạng hay trao đổi thông tin ngay lập tức. Điều này đã khiến việc huy động biểu tình trở nên đơn giản, dễ dàng. Đứng đằng sau hàng trăm ngàn người biểu tình đó, có lẽ không có một cơ quan tổ chức nào mà chỉ có internet, các mạng xã hội và điện thoại di động. Thêm vào đó, trong thời buổi công nghệ số, Rumani cũng đã trang bị được các công cụ hiện đại. Ngành công nghệ số của Rumani cũng phát triển rất nhanh, thậm chí các hacker Rumani giờ cũng rất mạnh.

Chính phủ Rumani thuộc đảng Dân Chủ - Xã Hội, còn tổng thống Rumani lại là người thuộc cánh trung hữu. Phát biểu trước các đại biểu Quốc Hội hôm thứ Ba 07/02/2017, tổng thống Klauss Iohannis đã tìm cách dung hòa người biểu tình và chính phủ. Ông nói, rút một nghị định và chỉ cần ép chính phủ cách chức một bộ trưởng là quá ít, còn đòi hỏi bầu cử trước thời hạn thì lại là quá đáng. Tổng thống Klauss Iohannis cũng phát biểu là Rumani cần chính phủ làm việc một cách rõ ràng, rành mạch chứ không phải theo kiểu « lén lút », « đi đêm ».

Theo đề xuất của phe trung hữu của tổng thống Klauss Iohannis, hôm thứ Tư 08/02/2017, Quốc hội Rumani đã tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của đảng Dân Chủ Xã Hội cầm quyền. Đảng này đã may mắn vượt qua cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, phe trung hữu tuyên bố sẽ tiếp tục giám sát đảng Dân Chủ Xã Hội.

Còn bà Laura Kodruta Kovesi, nhân vật số 1 của DNA - Cơ Quan Quốc Gia Chống Tham Nhũng được lập ra năm 2013 hôm qua cảnh báo là các mưu toan thay đổi luật để giảm nhẹ tội tham những vẫn còn có thể tiếp diễn bất cứ lúc nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.