Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

100 năm Cách mạng tháng 10: Nga trở lại Trung Đông

Đăng ngày:

Tổng thống Nga Vladimir Putin tự cho là nhà vô địch chống khủng bố Hồi Giáo ở Trung Đông. Cứu được chế độ của tổng thống Syria Bachar al Assad, triệu tập hội nghị Astana có phe đối lập võ trang tham dự, Mỹ và châu Âu thụ động. Chiến thắng quân sự, ngoại giao của Matxcơva tại Syria rơi đúng vào thời điểm biểu tượng :100 năm Cách mạng tháng 10/1917.

Hòa đàm về Syria, với sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, tại Astana, Kazakhstan, ngày 23/01/2017
Hòa đàm về Syria, với sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, tại Astana, Kazakhstan, ngày 23/01/2017 REUTERS/Mukhtar Kholdorbekov
Quảng cáo

Ý kiến của giới chuyên gia như thế nào về những thành công này và liệu có những cản lực nào đang mai phục mưu sự của chủ nhân điện Kremlin ? Chương trình « Địa chính trị » của RFI tiếng Pháp đặt câu hỏi với ba chuyên gia François Thom (đại học Sorbonne), Arnaud Dubien và Igor Delanoë, giám đốc và trợ lý giám đốc viện quan sát Pháp-Nga tại Matxcơva.

2017 : năm thuận lợi

Thành công ở Syria chưa trọn vẹn, vì nguy cơ chiến tranh bùng lại rất lớn. Daech và đối lập Syria vẫn còn kiểm soát một số thành phố vì lãnh thổ rộng lớn, hòa đàm Astana với bản thông cáo chung không có chữ ký, nhưng nhìn chung Vladimir Putin đã đạt được nhiều thành quả hơn thất bại. Bị trừng phạt kinh tế nhưng lấy được bán đảo Crimée của Ukraina. Năm 2017 cũng là năm có vẻ thuận lợi cho lãnh đạo Nga vì Donald Trump, tổng thống mới tại Hoa Kỳ xem Nga là bạn, muốn lật qua trang sử đối đầu. Hư thực ra sao ?

Đối với phó giám đốc tổ chức Quan sát Pháp-Nga tại Matxcơva Igor Delanoe thì thật ra quyền lợi của Nga tại Trung Đông cho đến nay không nhiều, không quan trọng lắm. Nhưng chiến tranh Syria cho phép Nga quay trở lại Trung Đông với cơ hội thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Iran. Nga thành công nối lại đối thoại với nhiều nước và nhiều nhân vật trọng yếu, các quốc vương Ả Rập trong khu vực, cho dù các nước này ủng hộ phe đối lập Syria và muốn lật đổ chế độ Damas. Biện pháp can thiệp vũ trang của Nga không làm các vương quốc dầu hỏa vùng Vịnh tẩy chay Matx cơva, mà trái lại đối thoại được mở rộng hơn.

Từ Matxcơva, Igor Delanoe, phân tích :

Có thể xem hội nghị Astana là một thành công vì cho đến giờ chót không có gì chắc chắn là tổ chức được, tổ chức như thế nào, với ai tham gia và trong điều kiện như thế nào. Cuối cùng có bảy đối tác tham dự : Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Damas và đối lập võ trang Syria.

Bản thông cáo chung không được đối lập và đại diện chính phủ Syria ký kết. Tuy nhiên, hòa đàm Genève, bước kế tiếp vẫn được dự kiến trong tháng Hai này. Tiến trình đàm phán Genève, do Liên Hiệp Quốc chủ trì, vẫn tồn tại, không bị Astana cạnh tranh. Trên chiến trường, một số sự kiện cho phép suy đoán tình hình xoay chuyển. Vài ngày trước khi diễn ra đàm phán Astana, những tổ chức võ trang tẩy chay bàn hội nghị đã bị liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo oanh kích. Ở Idlib, một lực lượng thánh chiến chấp nhận đàm phán với Damas và xung đột với một nhóm thánh chiến chống hòa đàm lại được liên quân quốc tế yểm trợ không kể những vụ oanh kích khác nhắm vào Daech ở các nơi khác tại Syria.

Trong giai đoạn mới trong cuộc chiến chống khủng bố, chưa biết lập trường của Nga sẽ biến đổi ra sao. Điều này phải chờ xem.

Liệu các nước Tây phương có chọn lựa nào khác ngoài giải pháp theo chân Matxcơva. Giáo sư Françoise Thom, sử gia, đại học Sorbone, Paris cũng thận trọng :

Tôi nghĩ rằng cần phải chờ xem tình thế xoay chuyển như thế nào. Cho đến hiện giờ, Matxcơva oanh kích Syria để củng cố chế độ Bachar al Assad. Nhưng con đường chông gai từ đây về sau mới bắt đầu. Cũng tương tự như chiến tranh Irak, lật đổ Saddam Hussein thì dễ nhưng khi muốn vãn hồi hoà bình và ổn định cho Irak mới là bài toán nát óc. Do vậy các nước Tây phương không nên vội vã theo Nga lao vào vùng cát lún Syria.

Chính quyền Nga tìm cách áp đặt hoà bình theo ý muốn của Putin, nhưng tôi không thấy chúng ta được lợi gì nếu đi theo Nga. Do vậy, Tây phương phải thận trọng và chờ xem.

Tại Trung Đông, Putin trở thành một tác nhân hàng đầu trong khi quan hệ Washington-Teheran nghi kỵ lẫn nhau còn Ankara, với tổng thống Erdogan, không che dấu tham vọng phục hồi thời hoàng kim của đế chế Ottoman. Liệu mối hợp tác tay ba Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trên hồ sơ Syria sẽ có một tương lai lâu dài ?

Để trả lời câu hỏi này, cũng từ thủ đô nước Nga, giám đốc đài Quan sát Pháp-Nga, Arnaud Dubien nhắc lại lịch sử xung đột thời đế chế Nga hoàng :

Trong lịch sử, quan hệ giữa đế chế Nga và đế chế Ottoman và Ba Tư, sau này là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran luôn luôn rất phức tạp. Họ đánh nhau, gây chiến với nhau nhiều phen trong ba thế kỷ 17,18 và 19. Do vậy, với một lịch sử đầy xung khắc sâu sắc như thế, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không quên tham vọng nam tiến đế quốc của Nga.

Từ khi Liên Xô sụp đổ, Matxcơva tiến hành một chính sách kết thân với Iran vì lợi ích chiến thuật nhưng sau đó thì Nga thắt chặt quan hệ với Iran, tái lập bang giao, trao đổi mậu dịch, xây dựng cho Teheran nhà máy hạt nhân. Tiếp theo là hợp tác trong quyền lợi địa chính trị cấp vùng như ở Afghanistan và bây giờ là phối hợp quân sự tại Syria.
Với Thổ Nhĩ Kỳ thì tình thế có khác. Ankara là thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Xung khắc Nga-Thổ tiếp tục tiếp nối ở Tchetnia và Kurdistan. Hai bên Nga –Thổ đều dùng chiến thuật hai mặt với nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ lúc đầu giúp phe nổi dậy ở Tchetnia chống Nga trong khi Matxcơva chơi nước đôi với tổ chức cộng sản Kurdistan PKK chống Ankara cho đến mãi thập niên 1990. Cho dù trong những tháng gần đây, Putin và Erdogan hâm nóng mối quan hệ nguội lạnh nhưng tôi không dám đoan chắc tương lai đi về đâu.

Tây phương có theo Nga hay ủng hộ Nga, chuyện đó không quan trọng. Điều quan trọng là phải có chỗ đứng tại bàn đàm phán về tương lai của Syria. 

Theo nhận định của chuyên gia Igor Delanoe thì trên thực tế « ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ kỳ đang tranh nhau chinh phục cảm tình của Washington để được làm đối tác ưu tiên của Mỹ ». Vấn đề là Donald Trump là một nhân vật tính khí thất thường, tâm cơ khó đoán và không có dòng tư tưởng chính trị mạch lạc. Có thật sự chủ nhân mới ở Nhà Trắng muốn lật qua tình trạng đối đầu với Putin để cùng Kremlin hợp tác chống thánh chiến Daech như ông mấy lần tuyên bố hay không ? Cuộc tiếp xúc Trump-Putin lần đầu tiên qua điện thoại có vẻ thuận lợi, nhưng chính giới Mỹ, trong đảng Cộng Hoà lẫn dân chủ đều không muốn hợp tác với Nga. Những lời tố cáo từ phía tình báo Mỹ lên án chính quyền Putin, ở cấp cao nhất, chỉ đạo chiến tranh tin học, đánh phá uy tín bà Hillary Clinton và nền dân chủ Mỹ tạo điều kiện cho Donald Trump chiến thắng, có thể sẽ làm cho tổng thống Mỹ và ban tham mưu của Nhà Trắng phải dè dặt.

Nhưng trong giả thiết chỉ hợp tác để tiêu diệt khủng bố thì liệu có thực hiện được hay không ? Vì sao ?

Chuyên gia Arnaud Dubien :

Hợp tác chống khủng bố đồng nghĩa với hợp tác về tình báo và quân sự. Thế mà, cơ quan tình báo Nga và Mỹ không tin cậy lẫn nhau thì làm sao trao đổi thông tin mật. Lầu Năm Góc và bộ Quốc Phòng Nga cũng thế . Do vậy, khó có thể buộc những người nghi kỵ nhau, thậm chí thù ghét nhau, ngồi lại làm việc chung.

Dĩ nhiên, chúng ta không nên xem nhẹ tác động từ bên trên với Putin toàn quyền ở Nga và tại sao không với một tổng thống như Donald Trump ở Mỹ.

Tuy nhiên, có rất nhiều chướng ngại mà cơ bản là về lâu về dài do Nga và Mỹ đều có tham vọng chiến lược ở Trung Đông. Cả hai nước đều muốn làm lãnh tụ thế giới. Có những nơi khi hợp tác sẽ có lợi cho đôi bên, nhưng nơi khác thì không được.

Cũng cùng nhận định, giáo sư Françoise Thom nêu lên các lý do quyền lợi chiến lược không thể hoà hợp giữa Nga và Mỹ cho dù với Donald Trump.

Tham vọng lãnh đạo thế giới đặt ra rất nhiều vấn đề. Nga đặt điều kiện nếu Mỹ muốn được tham gia giải quyết một cuộc khủng hoảng nào trên thế giới thì phải theo những điều kiện của Nga. Do vậy, không có gì bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ chấp nhận tuân theo đường lối của Putin.

Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng có những toan tính. Donald Trump cũng có những quan điểm riêng của ông ấy. Nhưng khi tiếp cận đụng chạm với thực tế, Donald Trump sẽ ý thức chính trị không đơn giản, dễ dàng như ông lầm tưởng .
Câu hỏi cơ bản là vai trò lãnh đạo thế giới. Tôi không nghĩ là Hoa Kỳ đồng ý với vai trò siêu cường hạng nhì. Ở Trung Đông, Putin không cho Mỹ chủ động thì đừng hy vọng Putin sẽ tặng cho Mỹ một nơi khác để làm lãnh tụ.

Giám đốc CIA sang Ankara : Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chống Daech ?

Thông tin mới nhất đến từ Washington và Ankara dường như đã xác nhận một số dự báo trên đây của ba chuyên gia Pháp là có cơ sở. Chính sách của Mỹ về Syria có thể bước vào một ngõ quanh mới. Ngày thứ Năm 09/02/2017, giám đốc CIA Mike Pompeo sang Thổ Nhĩ Kỳ, hai ngày sau khi có cuộc điện đàm Donald Trump-Recept Erdogan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ đã lọt vào mắt xanh của chủ nhân Nhà Trắng. Hai bên đồng ý hợp tác chống thánh chiến Daech (ISIL). Trái với Barack Obama, tổng thống Donald Trump có vẻ quyết đoán hơn, chấp thuận lời yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ xin được yểm trợ trên chiến trường. Theo Ankara, quân đội hai nước sẽ hành động chung tại Raqa và al-Bab, hai thành trì của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria cũng như xem xét phương án « lập vùng an toàn » ở Syria.

Hợp tác với chủ nhân điện Kremlin, nhưng tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ có mưu tính riêng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.