Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - KHỦNG BỐ

Liên Hiệp Quốc : Daech «đang khủng hoảng», nhưng vẫn rất nguy hiểm

Hôm qua 07/02/2017, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thảo luận về bản báo cáo mới nhất về thực trạng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech). Theo báo cáo này, Daech rơi vào « khủng hoảng », nhưng vẫn còn là mối đe dọa lớn, cho dù một số chuyên gia cho rằng tổ chức này đang đứng trên bờ vực sụp đổ.

Chiến binh Daech trên đường phố Mosul, Irak. Ảnh chụp 23/06/2014.
Chiến binh Daech trên đường phố Mosul, Irak. Ảnh chụp 23/06/2014. REUTERS/Stringer/Files
Quảng cáo

Thông tín viên Marie Bourreau tường trình từ New York:

Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo đang ở trong khúc quanh mới, theo báo cáo ba tháng vừa công bố của Liên Hiệp Quốc, báo cáo đầu tiên trong nhiệm kỳ của tân tổng thư ký Antonio Guerres.

Vừa bị đẩy lui về mặt quân sự tại Irak, Libya và Syria, bị tê liệt về tài chính, Daech cũng chịu nhiều tổn thất về nhân sự cao cấp do các cuộc không kích của quân đội các nước tham chiến. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo giờ đây khó tuyển mộ thêm người. Báo cáo nhấn mạnh tổ chức này ‘‘đang trong tình trạng khủng hoảng’’.

Nguồn thu tài chính và khả năng tuyển mộ sụt giảm

Nguồn thu nhập do buôn lậu dầu, chủ yếu do các mỏ dầu thuộc tỉnh Deir Ezzor, thuộc đông bắc Syria, đã giảm từ 500 triệu đô la năm 2015 xuống còn 260 triệu trong năm ngoái. Dòng người đầu quân vào Daech tại Syria và Irak cũng giảm mạnh, một phần do các nước xiết chặt kiểm soát, một phần do Daech ‘‘không còn thu hút như trước’’.

Tuy nhiên, bản báo cáo khẳng định con quái vật khủng bố này vẫn còn các phương tiện để thích nghi, đặc biệt với nhờ các đường dây tài chính bí mật, thông tin bảo mật hay các ‘‘darkweb’’ (mạng chìm). Daech vẫn có khả năng tiến hành các vụ bắt cóc hay kích hoạt nhanh chóng các cơ sở nằm vùng, được bố trí bên ngoài lãnh thổ Irak và Syria.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố đúng vào lúc tân tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ gia tăng cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo. Cuộc chiến đang diễn ra tại Raqqa, thủ phủ của Daech tại Syria, với sự hậu thuẫn của Mỹ, có thể giáng mộ đòn đau đối với tổ chức này.

Tuy nhiên, cũng có một nguy cơ là các chiến binh Daech sẽ tản sang các nước láng giềng. Để ngăn chặn xu thế này, báo cáo dự báo là hợp tác giữa các quốc gia là điều cơ bản. Đây cũng là một cách để thu hút sự chú ý của Washington.

Pháp và Anh yêu cầu Mỹ gia tăng áp lực

Hôm qua, các đại diện của Paris và Luân Đôn tại Liên Hiệp Quốc cùng lên tiếng kêu gọi liên quân quốc tế, do Hoa Kỳ lãnh đạo, gia tăng áp lực lên Daech, và thúc đẩy chiến dịch giải phóng Raqqa.

Trước cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc François Delattre nhấn mạnh với báo giới là « điều rất quan trọng » là Hoa Kỳ « nhận thức được đầy đủ mối đe dọa Daech ».

Pháp là quốc gia đóng góp thứ hai trong số 68 nước tham gia liên quân quốc tế chống Daech. Nhân vật số hai của Anh tại Liên Hiệp Quốc, Peter Wilson, cũng khẳng định Luân Đôn muốn liên quân « duy trì nỗ lực » hiện tại.

Mỹ - Thổ bàn về cuộc chiến chống Daech

Trong đêm hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có cuộc điện đàm để tìm cách phối hợp chống Daech. Hai bên nêu lên vấn đề lập « vùng an toàn » tại Syria, cho người tị nạn, và cuộc chiến chống khủng bố. Ngày mai, giám đốc CIA Mike Pompeo sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về vấn đề dân quân người Kurdistan (YPG), được Mỹ và phương Tây ủng hộ và là một trụ cột trong cuộc chiến chống các lực lượng thánh chiến cực đoan, nhưng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lại coi là khủng bố.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.