Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Châu Âu : 25 năm hiệp định Maastricht, thành công hay thất bại ?

Cách nay đúng 25 năm, 12 thành viên trong gia đình châu Âu đặt bút ký hiệp định Maastricht. Từng được xem là một bước tiến mới trên con đường hội nhập, một phần tư thế kỷ sau, hiệp định Maastricht trở thành biểu tượng của một khối châu Âu bị chia rẽ. Liên minh kinh tế và tiền tệ bị chỉ trích mạnh mẽ. Tinh thần bài châu Âu ngày càng gia tăng. Đâu là những « sai lầm » của Maastricht ?

Hiệp định được ký kết tại Maastricht, nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu.
Hiệp định được ký kết tại Maastricht, nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu. @wikipédia
Quảng cáo

Ngày 07/02/1992 Cộng Đồng Châu Âu đổi tên thành Liên Hiệp Châu Âu. Với 12 thành viên ban đầu, gồm Anh, Ai Len, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Hy Lạp, Luxembourg, Tây Ban Nha và Ý, Liên Hiệp đã từng bước kết nạp thêm những nước mới (Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Chypre, Estonia, Hongary, Litva, Latvia, Malta, Ba lan, Cộng Hòa Séc, Slovenia, Sovakia , Bulgari, Rumani và Croatia) để trở thành một khối vững mạnh với hơn 504 triệu dân.

Hiệp định Maastricht là nền tảng chung để 10 năm sau ngày được ký kết, một đồng tiền chung châu Âu ra đời. Đến nay, 19 trong số 28 nước trong Liên Hiệp cùng sử dụng đồng euro.

Nền tảng lung lay của Liên minh kinh tế và tiền tệ

Trên thực tế, tham vọng xây dựng một liên hiệp vững mạnh trên Lục Địa Già đã bị chựng lại từ sau khủng hoảng tài chính 2008 từ Hoa Kỳ thổi sang châu Âu.

Đồng euro tưởng chừng là một lá chắn bảo vệ khu vực đồng tiền chung châu Âu trước những cơn bão tiền tệ, nhưng cuối cùng, vì những quy định bó buộc của một đồng tiên chung, nhiều thành viên rơi vào cảnh lao đao.
Hy Lạp, Ai Len, Bồ Đào Nha , Tây Ban Nha và trong một chừng mực nào đó là Pháp hay Ý đã bị trói tay trước những nguyên tắc cứng nhắc của hiệp định Maastricht : không thể tăng ngân sách công để kích cầu, mất đòn bẩy tiền tệ để bơm thêm tiền vào cỗ máy kinh tế, vì chính sách tiền tệ của các nước trong khu vực đồng euro thuộc thẩm quyền của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE, trụ sở tại Frankfurt-Đức.

Hai trong số những nguyên tắc của hiệp định bị chỉ trích nhiều nhất gồm các điều khoản đòi thành viên eurozone phải giữ bội chi ngân sách dưới 3 % tổng sản phẩm nội địa và tổng nợ công tối đa chỉ bằng 60 % so với GDP.

Trả lời báo Le Monde số ra ngày 07/02/2017, chuyên gia Grégory Clayes, thuộc viện nghiên cứu về châu Âu Brugel -Bỉ, lưu ý : cả hai ngưỡng quy định về thâm hụt ngân sách Nhà nước và nợ công, « đều đã được các nhà kỹ trị ở Bruxelles quyết định một cách tùy tiện ». Các nhà lãnh đạo châu Âu năm 1992 đã nghĩ rằng hai ngưỡng 3 % và 60 % GDP ấy là chiếc đũa thần xua tan mọi đe dọa khủng hoảng tiến gần tới châu Âu.

Vậy hiệp định Maastricht đã thành công hay thất bại trong mục tiêu xây dựng liên minh kinh tế và tiền tệ ?

Kinh tế gia Eric Dor trường quản trị kinh doanh IESEC - Lille cho rằng khá « phức tạp » để trả lời câu hỏi này. Điểm son của hiệp định được ký kết cách nay đúng 25 năm là đã cho phép đồng tiền chung châu Âu ra đời. Dù bị chỉ trích tứ bề, người châu Âu vẫn gắn bó với đồng euro. Tuy nhiên khi đi sâu vào chi tiết, hiệp định Maastricht có nhiều khuyết điểm :

Thứ nhất, là ngay từ đầu, nhiều thành viên châu Âu – trong đó có cả Đức và Pháp, đã không tuân thủ hai ngưỡng quy định về nợ công và bội chi ngân sách vừa nêu.

Thứ hai cho dù những quy định cơ bản của hiệp định có được áp dụng một cách nghiêm chỉnh đi chăng nữa, theo nhà nghiên cứu Grégory Clayes, những « quả bóng địa ốc vẫn được thổi lên ». Đây là trường hợp đã xảy ra tại Tây Ban Nha đầu những năm 2000 cho dù Madrid luôn được xem là thi hành khá nghiêm chỉnh những tiêu chuẩn của Maastricht.

Trong trường hợp của Bồ Đào Nha, và Ai Len, việc kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công cộng, giới hạn nợ công hay thu hẹp bội chi ngân sách đã đẩy mức mức nợ của các hộ gia đình, nợ doanh nghiệp lên cao. Năm 2008, cùng với khủng hoảng toàn cầu, hai nền kinh tế này là những nước đầu tiên bị dồn vào chân tường.

Trong mắt Patrick Artus, kinh tế trưởng thuộc ngân hàng Pháp Natixis, một trong những thiếu sót lớn nhất là hiệp định Maastricht đã không dự trù những điều khoản trong trường hợp một thành viên lâm nạn như kinh nghiệm của Hy Lạp năm 2010, thì phải làm gì.

Sai lầm ngay từ ban ban đầu

Trong bài nhận định “chúng ta trả giá cho những sai lầm của năm 1992”, giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế, André Grejebine, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris- Sciences Po, cho rằng sai lầm đầu tiên của hiệp định đầy tham vọng này là mọi người quên mất rằng một đồng tiền chung chỉ có thể hoạt động đúng theo nghĩa của nó trong một khu vực kinh tế không có quá nhiều khác biệt giữa những thành viên.

Năm 1992 cũng như ở thời điểm hiện tại, eurozone “không phải là một khối kinh tế hài hòa”. Maastricht đã “quên hẳn những biện pháp cho phép thu hẹp những cách biệt quá lớn về mặt kinh tế và xã hội giữa những nước cùng chia sẻ chung một đồng tiền. Khủng hoảng tài chính xuất phát từ Hoa Kỳ năm 2008-2009 chứng minh rằng, cùng sử dụng đồng euro không có nghĩa là các nền kinh tế trong khối có khả năng đối phó như nhau”.

Thêm vào đó, để một “liên minh tiền tệ” hoạt động hiệu quả, châu Âu cần có một ngân sách chung, một chính sách tiền tệ chung. Chính sách tiền tệ chung của eurozone do Berlin áp đặt, không phù hợp với tất cả các nền kinh tế trong khu vực. Ngân sách chung tới nay vẫn còn là rất xa vời.

Cốc nước nửa đầy hay nửa vơi ?

Nhờ có hiệp định Maastricht mà đồng euro đã được chào đời. Cũng với văn bản này, mà châu Âu từ 25 năm qua không phải lo lắng về lạm phát. Được 340 triệu dân tại 19 nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu sử dụng, đồng euro đã tránh được tất cả mọi rủi ro về tỷ giá hối đoái.

Do vậy theo giáo sư kinh tế học viện Genève, Charles Wyplosz, đồng euro là một thành công lớn của châu Âu. Ngược lại hiệp định Maastricht thất bại vì ba yếu tố :

Một là như đã nói hai ngưỡng quy định về bội chi ngân sách và nợ công so với GDP đã chẳng được quy định trên bất kỳ một cơ sở vững chắc nào. Kế tới, áp dụng chính sách “khắc khổ” vào lúc mà kinh tế bị suy thoái lại càng gây thêm khó khăn cho các nước gặp nạn. Sau cùng theo giáo sư Wyplosz, học viện Genève, hiệp định Maastricht tước đoạt quyền sử dụng ngân sách Nhà nước của mỗi quốc gia để kích cầu khi cần thiết. Đòn bẩy tiền tệ thì trong tay Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu -BCE.

Từ năm 2008 tới nay eurozone đã phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng : một do tín dụng địa ốc subprime của Mỹ và một do chính mình tự đánh mất những đòn bẩy để vực dậy kinh tế.

Đáng buồn hơn nữa là châu Âu đòi hỏi người dân phải hy sinh, bắt các thành viên liên tục giảm ngân sách, giảm chi tiêu công cộng nhưng tỷ lệ nợ công so với GDP thì vẫn tăng cao.

Berlin và thất bại chính trị của hiệp định Maastricht

Hậu quả chính trị tai hại kèm theo, là công luận tại những nước như Hy Lạp và cả nhiều nơi khác cảm thấy là quyền tự định đoạt lấy tương lai của họ bị Bruxelles tước đoạt. Cựu giám đốc Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Paris, Emanuel Devaud, không vòng vo quy trách nhiệm cho Đức trước thất bại chính trị này.

Theo ông, liên minh tiền tệ châu Âu “đi từ thất bại này đến thất bại khác, dân châu Âu cũng đi từ thất vọng này đến thất vọng khác”. Kinh tế đình đốn, nạn thất nghiệp tràn làn, mức sống của người dân sa sút, cả một phần trong xã hội bị đẩy vào cảnh bần cùng, guồng máy sản xuất bị tê liệt, chảy máu chất xám, thất thoát tư bản … vậy mà theo ông Devaud, cựu giám đốc Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Paris, Berlin vẫn kiên quyết đòi áp dụng chính sách khắc khổ.

Thủ tướng Merkel và bộ trưởng Tài Chính Wolfgang Schäuble quên mất rằng, Đức là quốc gia hưởng lợi nhất nhờ đồng euro và nhờ những nền tảng dù không hoàn hảo của một hiệp định đã được ký kết vừa đúng cách nay 25 năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.