Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Brexit đe dọa công việc làm trên đất Anh ?

Đăng ngày:

Sáu tháng sau khi cử tri Anh bỏ phiếu đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, khu tài chính City báo động « hàng chục ngàn việc làm bị đe dọa ». Paris, Amsterdam và nhất là Frankfurt kỳ vọng trở thành địa bàn hoạt động của những hãng Anh tìm kiếm cơ sở bên trong thị trường Liên Hiệp Châu Âu.

Wikimedia
Quảng cáo

Ngày 02/02/2017 Luân Đôn công bố « Sách trắng » về lộ trình đàm phán với Bruxelles liên quan đến thủ tục chia tay với Liên Hiệp Châu Âu – Brexit. Anh Quốc muốn ra khỏi thị trường chung châu Âu cùng lúc chia tay với Liên Hiệp, nhưng sẽ đàm phán về một thỏa thuận tự do mậu dịch với các định chế tại Bruxelles.

Sức kháng cự « khá tốt »

Trong sáu tháng qua, kinh tế Anh được cho là đã kháng cự « khá tốt » sau khi đa số cử tri đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu để định đoạt lấy tương lai. Kịch bản nền kinh tế thứ 5 trên thế giới lâm vào suy thoái sau Brexit đã không xảy ra như lo ngại của Ngân Hàng Trung ương Anh.

Đồng bảng Anh tuy có bị mất giá đôi chút, nhưng bù lại tạo đà cho xuất khẩu của nước này. Chỉ số chứng khoán chẳng những không bị tuột dốc mà còn liên tục tăng giá. Quan trọng hơn cả thần dân của nữ hoàng Elizabeth II vẫn yên tâm mua sắm, đi vay tiền ngân hàng để tậu nhà, mua xe như thể họ không hề lo lắng Brexit đem lại những hậu quả khó lường cho kinh tế hay sợ thất nghiệp.

Về phía các tập đoàn quốc tế, hãng xe Nissan của Nhật vẫn đầu tư thêm vào nhà máy sản xuất tại miền bắc nước Anh. Những tên tuổi trong lĩnh vực tin học như Facebook, Apple hay Google và cả ông vua thức ăn nhanh McDonald’s đều thông báo đầu tư thêm trên quê hương của Keynes. Luân Đôn vẫn là cổng vào lý tưởng mở ra thị trường Liên Âu. Hãng hàng không giá rẻ Ryanair thông báo mở thêm 9 tuyến bay. Chính sách ưu đãi thuế khóa của chính phủ là bí quyết cầm chân nhiều tập đoàn ngoại quốc.

Bên cạnh « hiệu ứng » ngắn hạn đó là những lo âu về lâu dài, như ghi nhận của thông tín viên thường trực đài RFI từ Luân Đôn, Muriel Decroix :

« Phe ủng hộ Brexit vẫn trong tình trạng hưng phấn, họ tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng khi nước Anh tự làm chủ lại tương lai, thoát khỏi ách châu Âu. Suy nghĩ đó càng được củng cố khi mà, trong những tháng qua, các chỉ số kinh tế của Anh không tuột giảm mạnh như các chuyên gia lo ngại. Nhìn chung, có thể nói là kinh tế Anh đã ‘kháng cự’ tốt. Đồng bảng mất giá và đã có lợi cho xuất khẩu. Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Về lâu dài, có lẽ mọi việc không suôn sẻ như vậy.

Phe chống Brexit, đặc biệt là các doanh nhân và giới ngân hàng, tài chính thì đang lo lắng. Đã có một số dấu hiệu báo trước những khó khăn đặt ra cho Anh Quốc.

Thứ nhất là chỉ số hoạt động trong các dịch vụ đã giảm mạnh. Thứ hai là theo thống kê của Phòng Thương Mại, đầu tư vào Anh trong quý 3/2016 giảm mạnh và rơi xuống mức thấp nhất kể từ bốn năm trở lại đây. Bên cạnh đó nhiều tập đoàn xe hơi, từ Jaguar Land Rover đến Nissan-Renault đều thông báo trước là sẽ không đầu tư thêm vào Anh, nếu Luân Đôn không có những điều kiện rõ ràng về thuế khóa. Tuy nhiên lo ngại nhất vẫn là giới ngân hàng ở khu City vì giới này bị thiệt thòi nhiều hơn với Brexit ».

Ưu đãi tài chính dành cho Luân Đôn

Điều khiến giới ngân hàng ở Luân Đôn lo ngại hơn cả là bị mất ưu đãi bảo đảm các dịch vụ mua bán với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu và các nước sử dụng đồng euro. Nhà báo Jean Sébastien Lefevre thông tín viên của trang mạng Info Européenne trả lời trên đài RFI Pháp ngữ giải thích thế nào là « Passport tài chính » của Luân Đôn :

« ‘Thẻ thông hành tài chính’ đơn giản là một giấy phép để Anh Quốc hoạt động tương tự như tất cả các quốc gia trong khối euro, cho dù Luân Đôn không sử dụng đồng tiền chung châu Âu. ‘Thẻ thông hành’ này quy định mọi doanh nghiệp trong Không Gian Kinh Tế Châu Âu (EEE) đều có quyền cung cấp sản phẩm và dịch dịch vụ tài chính cho các đối tác trong khối. Không gian EEE bao gồm tổng cộng 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu cộng với Iceland, Lichtenstein và Na Uy. Đây là một khu vực với 19.000 tỷ đô la GDP.

Nước Anh đòi dù ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vẫn phải được hưởng điều khoản ưu đãi này, nhưng Luân Đôn đang vấp phải chống đối mạnh mẽ từ phía Bruxelles. Liên Hiệp Châu Âu quan niệm, một khi Anh Quốc đi ra khỏi EEE thì phải từ bỏ những quyền lợi của mình trong khối ».

Lo ngại về việc làm

Chẳng vậy mà đầu tháng trước, ba chủ doanh nghiệp Anh trình bày trước ủy ban Tài Chính tại Quốc Hội để báo động trước nguy cơ « hàng chục ngàn công việc làm » bị Brexit đe dọa và kêu gọi để cho các doanh nghiệp Anh một thời gian từ 2 đến 3 năm thích nghi với tình thế kể từ khi thủ tục « ly dị » với Liên Hiệp Châu Âu có hiệu lực.
Trong buổi điều trần đó, chủ tịch ngân hàng HSBC, Gouglas Flint, không loại trừ khả năng « di dời 1000 nhân viên đi nơi khác, có thể là Paris ».

HSBC đã mua lại ngân hàng Pháp CCF từ năm 2000 và có sẵn cơ sở trên quê hương của Colbert. Hiện có hơn 9.500 nhân viên làm việc cho chi nhánh của HSBC tại Paris, trụ sở chính ngay trên đại lộ Champs Elysées. Tập đoàn ngân hàng số 1 của châu Âu này sẽ không gặp trở ngại trong việc di dời một phần lớn các hoạt động sang Paris, nhưng « ngân hàng mẹ » vẫn được giữ nguyên tại Luân Đôn. Khác với HSBC, các ngân hàng Mỹ như Citigroup, JPMorgan thì lại hướng tới việc « di tản » sang Dublin – Ai Len.

Thái độ chần chừ của các doanh nghiệp

Như mọi vụ ly dị, cuộc chia tay nào cũng đau đớn cho cả đôi bên. Theo đại diện của Liên Hiệp Châu Âu phụ trách đàm phán với Luân Đôn về Brexit, Michel Barnier, khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, chính phủ Anh phải bồi thường cho 27 đối tác còn lại 60 tỷ euro, nhưng trong mắt nhiều dân biểu châu Âu khác thì khoản bồi thường có thể là sẽ cao gấp 10 lần so với con số kể trên. Số tiền 60 tỷ euro nói trên gồm những khoản ngân sách, trợ cấp, quỹ hưu trí ... mà Liên Hiệp Châu Âu đã cấp cho Luân Đôn, nhưng khi chia tay thì Anh Quốc phải hoàn lại khoản tiền đó. 

Giáo sư Christian Lequesne trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris nhìn vấn đề một cách rộng qua phân tích :

« Theo một số các nhà tư vấn, sẽ có khoảng 30 % hoạt động liên quan đến các dịch vụ ngân hàng sẽ đi khỏi nước Anh. Riêng trong ngành công nghiệp xe hơi, như tuyên bố của chủ tịch tổng giám đốc hãng xe Renault-Nissan, ông Carlos Goshn cho thấy, giới này tạm ngưng mọi dự án đầu tư trên lãnh thổ Anh, để chờ xem Luân Đôn quyết định như thế nào về vấn đề thuế khóa và nhất là có đền bù cho các hãng xe bị tăng thuế nhập khẩu hay không. Bởi vì một khi nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, xe hơi sản xuất tại Anh nhập vào thị trường chung của Liên Hiệp sẽ bị đánh thuế cao hơn.

Tôi nghĩ là thủ tướng May hoàn toàn ý thức được rủi ro với Brexit. Bản thân bà ngay từ đầu không ủng hộ tiến trình này, nhưng bà biết là phải rất khéo léo bởi vì ly dị với châu Âu bất lợi cho kinh tế và nhất là tài chính của Anh.
Tôi nêu ra hai con số để thấy rằng kinh tế Anh và của Liên Hiệp Châu Âu gắn bó với nhau như thế nào : Liên Hiệp Châu Âu đóng góp vào việc tạo ra đến 44 % GDP của nước Anh, trong khi đó Anh Quốc đem lại 3 % của cải làm ra tại 27 thành viên còn lại trong khối ».

Paris, Frankfurt và Amsterdam trong tư thế sẵn sàng

Chưa biết rõ thực hư về tác động của Brexit đối với kinh tế Anh nói chung, tài chính Anh nói riêng thế nào, nhưng rõ ràng là có hơn một chục thành phố lớn tại Liên Hiệp Châu Âu đang nỗ lực thu hút chú ý của các ngân hàng, cơ quan tài chính, các công ty khởi nghiệp và cả các định chế đa quốc gia muốn đi khỏi Luân Đôn. Trong số những bãi đáp được cho là có nhiều lợi thế nhất, phải kể đến trung tâm tài chính Frankfurt của Đức, Amsterdam của Hà Lan và Paris của Pháp

Frankfurt chẳng những là nơi Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đặt trụ sở mà còn nổi tiếng là thành trì kiên cố, ổn định thuận lợi cho các công ty. Hiện đã có 200 ngân hàng và công ty lớn hoạt động tại nguyên quán của nhà văn nữ Anne Frank. Có điều Frankfurt bị chê là quá « yên bình », kém sức hấp dẫn với các nhà « trader » trẻ tuổi và độc thân.

Một thành phố lớn khác đang thu hút chú ý của các doanh nghiệp Anh là Amsterdam- Hà Lan. Sân bay quốc tế gần trung tâm thành phố, Amsterdam lại quyến rũ, trữ tình với những con kênh, tiện lợi với hệ thống xe điện ít gây ô nhiễm, trình độ dân trí cao, nói tiếng Anh thông thạo, cởi mở và dễ hòa đồng với nhiều văn hóa khác nhau : đó là những ưu điểm của Amsterdam. Từ 2008 thành phố đã có hẳn một cơ quan tiếp đón người lao động nước ngoài đến định cư tại Amsterdam và các thị trấn phụ cận.

Amsterdam là một đối thủ đáng gờm của Paris, cho dù thủ đô nước Pháp và khu vực vùng Ile de France có nhiều điểm hấp dẫn : trường học và hệ thống bệnh viện của Pháp rất tốt, Paris lại nổi tiếng với rất nhiều bảo tàng, trung tâm văn hóa, với những sinh hoạt văn hóa, thể thao sôi động.

Nhờ có đường hầm xuyên qua lòng biển Manche, Paris lại chỉ cách Luân Đôn có hơn hai tiếng xe lửa với hệ thống Eurostar. Đời sống lại không đắt đỏ như Luân Đôn.

Về mặt « cơ sở hạ tầng », Paris được xem là « trung tâm quản lý tài chính » hàng đầu của châu Âu, là địa điểm thu hút nhiều vốn đầu tư ngoại quốc.

Dù vậy để chiến dịch vận động mang tên « Paris Europlace » của đô trưởng Anne Hidalgo không chỉ là một giấc mơ, Pháp cần xua tan hai hình ảnh xấu : các đợt đình công của giới công đoàn làm tê liệt hệ thống giao thông công cộng và phi trường quốc tế, và hai là luật lao động bị cho là quá mang tính ràng buộc của nước Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.