Vào nội dung chính
MALTA - TỊ NẠN

Thượng đỉnh Malta : Châu Âu tìm cách chặn dòng người vượt Địa Trung Hải

Hôm nay 03/02/2017, lãnh đạo 28 nước châu Âu có cuộc họp không chính thức tại Malta, nhằm tìm kiếm sự đoàn kết, trong viễn cảnh hậu Brexit và thay đổi lớn trong chính sách quốc tế của Mỹ với tân tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, khủng hoảng nhập cư vẫn là chủ đề nổi trội nhất.

Thượng đỉnh châu Âu được tổ chức tại Malta, ngày 03/02/2017.
Thượng đỉnh châu Âu được tổ chức tại Malta, ngày 03/02/2017. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Theo đặc phái viên của RFI Tudor Tepeneag tại Valette, các nỗ lực của các nước châu Âu sẽ tập trung vào Libya, nơi xuất phát của đa số người vượt biển Địa Trung Hải sang nước Ý. Hơn 180.000 người châu Phi tới Ý năm ngoái, trong đó có 25.000 trẻ em đi một mình. Hơn 4.500 người thiệt mạng trên đường vượt biển. Đối với người châu Âu, những con số nói trên tự nó đã cho thấy mức độ khẩn thiết của vấn đề.

Sau thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc tiếp nhận trở lại người tị nạn vượt biển Aegean vào Hy Lạp, một số nước châu Âu cũng nghĩ đến một giải pháp tương tự với Libya. Tuy nhiên, điểm khác biệt rất lớn là tình hình bất ổn an ninh và chính trị tại Libya không cho phép làm điều này. Các nỗ lực của Liên Âu tập trung một phần chính vào việc huấn luyện lực lượng tuần duyên Libya, và tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại các trại tị nạn ở châu Phi.

Thủ tướng chính quyền Libya được cộng đồng quốc tế công nhận, ông Fayez al-Sarraij, mới đây tới Bruxelles, để yêu cầu được trợ giúp nhiều hơn trong cuộc chiến chống lại nạn đưa người vượt biên lậu. Trước đó, cuối tháng Giêng 2017, Ủy Ban Châu Âu đã quyết định cấp cho Libya khoảng 250.000 triệu euro.

Một ưu tiên khác của các nước châu Âu họp tại Malta là ngăn chặn tận gốc dòng người nhập cư bằng cách hỗ trợ phát triển kinh tế của các nước châu Phi - nơi xuất phát người di cư. Tuy nhiên, các trợ giúp sẽ kèm theo nhiều điều kiện hơn trước đây : Các quốc gia được tài trợ phải nỗ lực thực sự để làm giảm dòng di cư và tự động nhận trở lại những người bị từ chối cho tị nạn.

Phiên họp chiều nay tại Malta cũng sẽ dành cho việc chuẩn bị kỷ niệm 60 năm hiệp ước Roma. Đây cũng là dịp để các nước châu Âu nhấn mạnh trở lại các nguyên tắc và giá trị nền tảng của các nước Liên Âu, hiện đang phải đối mặt với các làn sóng dân túy trong nước, và những thách thức mới trên trường quốc tế, đặc biệt là các chính sách mới của tân tổng thống Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.