Vào nội dung chính
HOA KỲ - CẤM NHẬP CƯ

Nhiều đại gia Mỹ chỉ trích sắc lệnh cấm nhập cảnh của Donald Trump

Rất nhiều lãnh đạo đại tập đoàn Mỹ trong mọi lãnh vực đã bày tỏ thái độ bất đồng tình trước sắc lệnh hạn chế nhập cảnh Mỹ đối với công dân 7 nước Hồi Giáo vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành hôm 27/01/2017. Họ lên tiếng tố cáo một quyết định có thể có hại cho sự vận hành của các tập đoàn, gây khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự.

Silicon Valley đi tiên phong trong phong trào chống sắc lệnh giới hạn nhập cư vào Mỹ
Silicon Valley đi tiên phong trong phong trào chống sắc lệnh giới hạn nhập cư vào Mỹ HELENE LABRIET-GROSS / AFP
Quảng cáo

Chính vùng Silicon Valley nơi tập trung các tập đoàn đa quốc gia trong ngành công nghệ thông tin là nơi xuất phát nhiều lời chỉ trích nhất, từ Apple, Microsoft, cho đến Google, Facebook, hay Airbnb, Netflix. Đối với với các doanh nghiệp sử dụng đến cả ngàn kỹ sư nước ngoài, các biện pháp cấm nhập cảnh Mỹ vừa được ban hành « trái với các giá trị của nước Mỹ ».

Một cách cụ thể, ông Tim Cook, tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Apple, khẳng định rằng nhãn hiệu quả táo này sẽ không thể tồn tại nếu không có người nhập cư.

Còn Google thì có hành động cụ thể hơn, và loan báo kế hoạch quyên góp 4 triệu đô la để hỗ trợ pháp lý và các vấn đề khác cho những người nhập cư. Dĩ nhiên là Google lo ngại rằng sắc lệnh của tổng thống Trump tác hại đến nhiều người đang làm việc cho Google, cũng như khiến tập đoàn internet này không thuê được lao động kỹ thuật có tay nghề cao bên ngoài nước Mỹ trong tương lai.

Ngoài các tập đoàn công nghệ thông tin rất mạnh miệng, các tập đoàn khác cũng bày tỏ thái độ bất bình, nhưng chừng mực hơn, tựa như vẫn lo ngại trước cơn thịnh nộ của chủ nhân Nhà Trắng. Trong thời gian qua, ông Trump không ngần ngại mắng trực tiếp trên Twitter, các công ty không làm theo ý ông như Ford, General Motors và Toyota.

Cho dù vậy, đối mặt với những hậu quả của các quyết định chống nhập cư, nhiều công ty đa quốc Mỹ đã công khai phản đối.

Ông Lloyd Blankfein, giám đốc điều hành của tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs, doanh nghiệp rất được chính quyền Trump ưa chuộng, đã tuyên bố : « Đây không phải là một chính sách mà chúng tôi ủng hộ và tôi xin nhắc lại rằng nó đã bị kiện trước một tòa án liên bang và một số quy định của sắc lệnh đã bị tư pháp không cho áp dụng, ít nhất là tạm thời ».

Còn Jamie Dimon, lãnh đạo ngân hàng JPMorgan Chase, đồng thời là chủ tịch lobby của các đại doanh nghiệp Mỹ Business Roundtable, cho rằng nước Mỹ « sẽ mạnh mẽ hơn với sự đa dạng phong phú của thế giới xung quanh. »

Nhìn chung, các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ lo ngại rằng các biện pháp trong sắc lệnh của ông Trump sẽ khiến họ mất đi nguồn tài năng kỹ thuật mà họ rất cần, đồng thời cản trở việc họ cử nhân viên từ Mỹ qua các nước bị đưa vào danh sách đen, nhất là qua các quốc gia như Irak hay Iran đã quyết định « ăn miếng trả miếng » chống lại Washington.

Trong toàn cảnh kể trên, hai tập đoàn Boeing và Exxon Mobil cho đến lúc này vẫn rất kín đáo, tránh phản ứng công khai. Điều này cũng dễ hiểu : Boeing đang trông chờ một hợp đồng chiến đấu cơ của chính phủ Mỹ, trong lúc Exxon Mobil thì có nguyên tổng giám đốc được cử làm ngoại trưởng trong chính quyền Trump.

Dẫu sao các đại gia Mỹ đang chờ một cuộc gặp với tổng thống Donald Trump, dự trù ngày 03/02/2017 để đề đạt nguyện vọng với chủ nhân Nhà Trắng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.