Vào nội dung chính
MỸ- DONALD TRUMP

6 mặt trận quân sự tổng thống Trump kế thừa

Tân tổng thống Mỹ thích những biện pháp đơn giản, nhưng Donald Trump sẽ không dễ khép lại 6 mặt trận đã được mở ra dưới thời của hai người tiền nhiệm, gồm Afghanistan, Irak, Syria Libya, Somalia và Yemen. Phóng viên báo Le Figaro, Adrien Jaulmes, trong bài phân tích ngày 31/01/2017 nhận định : Washington không có chiếc đũa thần cho 6 hồ sơ này.

Barack và Michelle Obama cùng Donald và Melania Trump tại Nhà Trắng trong ngày lễ nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45. Ảnh ngày 20/01/2017.
Barack và Michelle Obama cùng Donald và Melania Trump tại Nhà Trắng trong ngày lễ nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45. Ảnh ngày 20/01/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Afghanistan, cuộc can thiệp quân sự dai dẳng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ

Trước hết về Afghanistan, 15 năm sau khi khai mào cuộc chiến đầu tiên thời hậu biến cố 11 tháng 9, Washington vẫn chưa tìm ra ngõ thoát. Mỹ đã gửi quân sang Afghanistan vào tháng 10/2001 với mục đích phá vỡ sào huyệt của tổ chức khủng bố Al Qaeda chọn quốc gia Nam Á làm địa bàn hoạt động nhờ sự bao che của quân Taliban. Hoa Kỳ tính một công đôi việc : vừa tiêu diệt Al Qaeda, vừa lật đổ chính quyền Taliban ở Kabul. Bước kế tiếp Washington dựng lên một chính quyền mới, đem lại một chút hy vọng cho người dân Afghanistan sau 20 năm chiến tranh.

Tưởng là xong việc, lính Mỹ sẽ hồi hương. Nhưng tình hình trên thực địa đã xấu đi đáng kể. Quân Taliban lại vùng lên, đe dọa an ninh và cả tiến trình chuyển đổi chính trị tại Afghanistan. Tương tự như Anh Quốc và Liên Xô trước kia, Hoa Kỳ đã sa lầy.

Trong hai nhiệm kỳ tổng thống, Barack Obama vẫn bất lực trên vấn đề Afghanistan. Kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi quốc gia này bị gián đoạn.

15 năm sau ngày khởi động cuộc chiến, vẫn còn 8.400 lính Mỹ đóng tại quốc gia này. Trên nguyên tắc, đầu năm 2017 Hoa Kỳ phải điều thêm 300 lính hải quân đến Helmand, thành trì của quân Taliban.

Ngay sát cạnh với Afghanistan, Pakistan cũng khiến chính giới ở Washington đau đầu không kém : Islamabad vừa là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng cũng là một quốc gia bao dung cho quân Hồi giáo cực đoan từ Afghanistan tràn sang. Đấy là chưa kể Pakistan còn có vũ khí hạt nhân trong tay. Nhà báo Adrien Jaulmes kết luận : không có giải pháp đơn giản và dễ dàng nào cho ông Trump trên hồ sơ này. Mỹ mà rút khỏi Afghanistan, chế độ Kabul có nguy cơ sụp đổ và Taliban sống lại.

Irak, đất dụng võ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Nhìn tới Irak, Mỹ cũng không thể dễ dàng rút khỏi mặt trận này. Cuối năm 2011 quân đội Hoa Kỳ rời khỏi vùng Mésopotamie. Hậu quả là 1/3 lãnh thổ rơi vào tay quân thánh chiến Hồi giáo chỉ trong vòng ba năm sau đó. Daech đã vào đến tận gần sát thành Bagdad trước khi bị quân đội Mỹ cản đường. Cực chẳng đã, tổng thống Obama trong hai năm 2015 và 2016 đã phải đưa quân và chuyên gia quân sự trở lại Irak để tăng cường cho lực lượng an ninh nước này.

Nhưng với tổng thống Trump cũng như người tiền nhiệm, Irak là một hồ sơ hết sức nhạy cảm. Thứ nhất, cho đến tận giờ phút này, cả khu vực Trung Đông vẫn có ác cảm với Hoa Kỳ từ sau khi chính quyền Bush can thiệp quân sự năm 2002 lật đổ tổng thống Saddam Hussein. Thứ hai, Irak ngày nay là một quốc gia bị chia rẽ giữa hai hệ phái Sunni và Shia, chính quyền trung ương trong tay phe Shia bị suy yếu và chịu ảnh hưởng của nước láng giềng sát cạnh là Iran. Cuộc chiến chống Daech vẫn chưa tới hồi kết.

Hiện vẫn còn khoảng 5.000 quân nhân và cố vấn Mỹ đồn trú tại Irak cùng với một số các tổ đặc nhiệm được cử sang để giúp Irak chiếm lại Mossul. Giúp Bagdad tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo vô hình chung biến Washington thành đồng minh bất đắc dĩ của Teheran. Nhà Trắng phải giải thích sao với công luận về điều ấy ?

Syria, sai lầm của Barack Obama

Những tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất tổng thống Georges W. Bush tấn công Irak đã quay lại phê phán tổng thống Barack Obama không can thiệp vào Syria. Thái độ do dự đó đẩy Trung Đông vào thế « dầu sôi lửa bỏng ». Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài và Washington đã mở đường cho Matxcơva trở lại khu vực. Việc Mỹ hỗ trợ người Kurdistan tại Syria chống Daech theo phóng viên của báo Le Figaro, Adrien Jaulmes, đã đẩy Hoa Kỳ vào thế khó xử với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh chiến lược của Mỹ và điều ấy cũng đã góp phần làm gia tăng tinh thần bài Mỹ trong vùng.

Cho dù các chiến dịch quân sự của Không quân Hoa Kỳ tại Syria có mang lại những thành quả cụ thể nhưng bên cạnh việc nhắm vào cơ sở của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Mỹ cũng đã nhắm tới một số các tổ chức ly khai khác của Syria.

Chính quyền Trump chủ trương hợp tác với Nga để tiêu diệt Daech nhưng giải pháp đó sẽ càng củng có thêm vai trò của Matxcơva và Teheran trên quê hương của tổng thống Bachar Al Assad.

Mỹ không thể phủi tay với Libya

Năm 2011 viện lý do nhân đạo, Anh và Mỹ can thiệp vào Libya, nhưng kết quả đã không được như mong đợi. Triệt hạ được nhà độc tài Kadhafi, nhưng Libya lâm vào nội chiến, chia rẽ giữa các phe phái thù nghịch để trở thành mảnh đất màu mỡ cho quân thánh chiến. Vấn đề nằm ở chỗ Libya quá gần với châu Âu về mặt địa lý và không ai kiểm soát vùng sa mạc Sahara rộng lớn. Sau vụ đại sứ Hoa Kỳ tại Benghazi bị ám sát năm 2012, Washington rút lui khỏi điểm nóng này.

Nhưng sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Libya đã buộc Mỹ năm ngoái phải can thiệp trở lại để giữ được thành phố Syrte. Từ đó tới nay, quân đội Hoa Kỳ liên tục tiến hành các chiến dịch không kích và tấn công đánh trúng mục tiêu.

Tác giả bài báo ghi nhận cho dù tổng thống Trump có muốn phủi tay với Libya nhưng vì chiếm một vị trí chiến lược cả về mặt quân sự lẫn dầu hỏa, Washington không dễ để cho Matxcơva lấp vào chỗ trống trên quê hương Kadhafi. Sớm muộn gì Libya cũng sẽ là hồ sơ cần được ông Trump để mắt đến.

Yemen, một bài toán đau đầu

Tình huống tại Yemen rối ren không kém. Là quốc gia nghèo nhất trong khối các nước Ả Rập, Yemen từ năm 2011 bị chia rẽ giữa miền bắc ủng hộ tổng thống Ali Saleh, liên tục cầm quyền từ hơn ba thập niên, lại chịu ảnh hưởng của Iran, và ở phía nam Yemen, là phe được Ả Rập Xê Út yểm trợ.

Năm 2014 phe Houthi trung thành với tổng thống Saleh chiếm được thủ đô Sanaa và cảng Aden, cánh cổng mở ra Hồng Hải. Tháng 3/2015 Ả Rập Xê Út dẫn đầu liên quân quốc tế gồm 10 nước Hồi giáo theo hệ phái Sunni để giành lại Sanaa. Anh, Pháp, Mỹ hậu thuẫn cho Liên minh Ả Rập. Lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng, các tổ chức Hồi giáo cực đoan, như Aqpa (chi nhánh của Al Qaeda trong vùng) hoạt động mạnh không kém Daech. Năm ngoái Mỹ trực tiếp can thiệp vào chiến sự Yemen, qua nhiều kênh : hỗ trợ hậu cần cho không quân Ả Rập Xê Út, điều tàu chiến đến Địa Trung Hải và dùng máy bay không người lái tấn công các tổ chức thánh chiến tại Yemen. Vấn đề nằm ở chỗ, liên quân các nước Ả Rập đang sa lầy tại Yemen và Mỹ chưa thể nhanh chóng khép lại mặt trận này.

Somalia, cuộc chiến không tên

Cuối cùng, với Somalia, về mặt chính thức Hoa Kỳ đã rút khỏi vùng đất này từ năm 1993 sau vụ đặc nhiệm Mỹ thất bại nặng nề ở Mogadishiu. Trên thực tế, thời gian gần đây Washington đã kín đáo trở lại mảnh đất này, mở màn « một cuộc chiến bí mật » chống các phong trào Hồi giáo cực đoan như Al Chebab, thề trung thành với Al Qaeda.

Năm 2016 có từ hai đến ba trăm đặc nhiệm Mỹ cùng với lực lượng quân sự Kenya, Ouganda, và Somalia mở ba đợt tấn công Al Chebab. Nhưng dù dưới hình thức nào, khi đã lao vào cuộc, Washington khó có thể rút lui khỏi Somalia mà không sợ để cho khu vực mang tính chiến lược về mặt giao thương hàng hải này biến thành địa bàn của Al Qaeda ở châu Phi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.