Vào nội dung chính
IRAN - HOA KỲ

Teheran quyết định cấm người Mỹ vào Iran để trả đũa

Sắc lệnh cấm công dân bảy nước Hồi Giáo – Irak, Libya, Somali, Sudan, Syria, Yemen, và Iran - vào Mỹ của tân tổng thống Donald Trump bị phản đối ở nhiều nơi. Iran là nước phản ứng mạnh nhất. Hôm qua 27/01/2017, Tehera tuyên bố cấm cửa công dân Mỹ để trả đũa.

Một người Iran gặp lại người thân sau khi bị giữ tại phi trường Logan Airport, Boston, theo lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh của Donald Trump. (Ảnh chụp ngày 28/01/2017)
Một người Iran gặp lại người thân sau khi bị giữ tại phi trường Logan Airport, Boston, theo lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh của Donald Trump. (Ảnh chụp ngày 28/01/2017) REUTERS
Quảng cáo

Thông tín viên Shiavoz Ghazi tường trình từ Teheran:

« Bộ Ngoại Giao Iran tuyên bố tôn trọng nhân dân Mỹ, nhưng để bảo vệ quyền của các công dân nước mình, Iran quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại, sau quyết định mang tính lăng nhục của Hoa Kỳ liên quan đến những người mang quốc tịch Iran. Kể từ giờ, những người mang quốc tịch Mỹ sẽ không được phép đến Iran, chừng nào quyết định của Washington chưa được dỡ bỏ.

Teheran đánh giá quyết định của tổng thống Mỹ là bất hợp pháp, phi lý và đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Iran và Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao kể từ Cách mạng Hồi Giáo năm 1979, tuy nhiên hiện tại có khoảng một triệu người Iran định cư tại Hoa Kỳ và rất nhiều người Iran tới Mỹ hàng năm.

Sắc lệnh nói trên rõ ràng cho thấy tổng thống Trump không muốn tiếp tục chính sách có phần thân thiện của chính quyền Obama với Iran. Quyết định của Donald Trump được đưa ra đúng vào lúc Teheran đang cố gắng bình thường hóa quan hệ với bên ngoài, sau khi thỏa thuận về hạt nhân được ký kết ».

Tổng thống Iran Rohani không phản ứng trực tiếp về sắc lệnh cấm công dân nhiều nước Hồi Giáo vào Mỹ trong ba tháng, nhưng ông nhấn mạnh rằng cái thời của những bức tường ngăn cách giữa các quốc gia « đã thuộc về quá khứ ».

Indonesia lo ngại sau sắc lệnh của Trump

Hôm nay, trả lời Reuters, bộ trưởng Ngoại Giao Indonesia Retno Marsudi cho biết « rất lấy làm tiếc về chính sách này ». Indonesia – quốc gia đông đảo người theo Hồi giáo nhất thế giới – không nằm trong nhóm bảy nước nói trên. Theo ngoại trưởng Indonesia, công dân nước này đang làm thủ tục vào Mỹ hiện không gặp trở ngại.

Sứ quán Indonesia tại Mỹ thì khuyến cáo các công dân nên bình tĩnh, tôn trọng luật pháp Hoa Kỳ, nhưng cần giữ cảnh giác, và sẵn sàng liên hệ với Liên đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ (American Civil Liberties Union), nếu các quyền của mình bị xâm phạm. Tại Mỹ, có hàng trăm ngàn người Indonesia cư trú.

Canada tiếp nhận người tị nạn « không phân biệt tôn giáo »

Cũng trong ngày hôm qua, để phản ứng lại sắc lệnh của ông Trump, thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, trên trang tweeter cá nhân, nước ông sẽ đón nhận người tị nạn « không phân biệt tôn giáo ». Cùng với thông điệp nói trên là bức ảnh cho thấy thủ tướng Canada tới sân bay để đón chuyến bay đầu tiên chở người tị nạn Syria đến Canada hồi tháng 12/2015. Kể từ đó, hơn 35.000 người Syria đã được tiếp nhận tại Canada.

Thủ tướng Anh tránh bình luận về quyết định của Trump

Trong chuyến công du tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua, sau khi được tân tổng thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng, thủ tướng Anh Theresa May từ chối lên án sắc lệnh của ông Trump đình chỉ tiếp nhận người tị nạn. Trả lời báo giới tại Ankara, bà Theresa May cho rằng : « Chính quyền Mỹ chịu trách nhiệm về chính sách của Mỹ đối với người tị nạn. Chính quyền Anh chịu trách nhiệm về chính sách của Anh ».

Cũng trong cuộc họp báo nói trên, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildrim đã lên án chính sách của Donal Trump, với nhận định : « Chúng ta sẽ không thể giải quyết được vấn đề người tị nạn bằng những bức tường ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.