Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - TIN VẮN

TIN ĐỌC NHANH

Quảng cáo

(AFP) – Năm đầu tiên Nhật tiếp nhận hơn một triệu lao động nước ngoài. Cho đến cuối tháng 10/2016, gần 1,08 triệu người nước ngoài làm việc tại Nhật, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, người Trung Quốc là 345.000, người Việt Nam là 172.000, người Philippines 128.000. Bộ Lao Động Nhật cũng cho biết số lượng sinh viên và người lao động tay nghề cao chiếm tỉ lệ đông đảo. Thủ tướng Nhật tuyên bố sẽ cải cách luật để có thể mở rộng cửa hơn cho người nước ngoài, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân công trong ngành xây dựng, trong thời gian chuẩn bị Thế Vận Hội Tokyo 2020. Nhật rất thiếu nhân viên ngành y tế, và dân cư ngày càng già hơn, nhưng Tokyo không muốn nhận người nước ngoài ồ ạt. Hiện tại dân nước ngoài tại Nhật là 1,75 triệu, chiếm 1,38% dân số.

(Reuters) – Bắc Triều Tiên khởi động một lò phản ứng plutonium. Theo Reuters hôm qua 27/01, các hình ảnh vệ tinh cho thấy rất có thể Bình Nhưỡng đã đưa vào hoạt động một lò phản ứng sản xuất nhiên liệu plutonium, được sử dụng để chế bom nguyên tử, tại cơ sở hạt nhân chính Yongbyon. Nhóm 38 North, có trụ sở tại Mỹ, giải thích là các phân tích từ ngày 18/01 cho thấy lò máy chuẩn bị khởi động, và đến ngày 22/01, có hình ảnh là rất nhiều nước (chắc chắn là rất nóng) thoát ra qua bộ phận làm lạnh lò phản ứng, dấu hiệu cho thấy lò phản ứng đang hoạt động. Nhóm chuyên gia cũng phỏng đoán, công suất của lò là khá lớn.

( AFP ) - Trung Quốc lên án « chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch » của Liên Hiệp Châu Â. Bắc Kinh lên án « chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch » của Liên Hiệp Châu Âu sau khi Bruxelles thi hành các biện pháp chống phá giá nhắm vào các sản phẩm thép của Trung Quốc. Ngay lập tức, bộ Thương mại Trung Quốc ra thông cáo lên án « những phương pháp sai lạc của Liên Hiệp Châu Âu, vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới ». Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ thi hành « các biện pháp cần thiết » để bảo vệ quyền của các doanh nghiệp nước này.

(AFP) – Thủ tướng Anh đến Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy quan hệ “hậu Brexit”. Hôm nay, 28/01/2017, bà Theresa May có cuộc gặp với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và đồng nhiệm Binali Yildrim tại Ankara. Với chuyến công du này, Anh Quốc thể hiện sự khác biết so với các lãnh đạo châu Âu khác, vốn không muốn đến Thổ Nhĩ Kỳ, do các thanh trừng quy mô lớn, sau cú đảo chính hụt. Nội dung chính của cuộc gặp Anh – Thổ là về hợp tác an ninh, và triển vọng thiết lập các quan hệ thương mại mới, sau khi Luân Đôn rời Liên Âu.

( AFP ) - IMF : Vùng euro phải có biện pháp hiệu quả hơn để giảm nợ công Hy Lạp. Trong một báo cáo lưu hành nội bộ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng nợ công của Hy Lap hiện nay là cao đến mức « không thể chịu đựng » và về dài hạn thì « sẽ bùng nổ ». Bản báo cáo sẽ được trình bày cho các nước thành viên khu vực đồng euro đầu tháng 2 tới. Đánh giá bi quan nói trên hiện giờ cản trở việc đóng góp tài chính của IMF vào kế hoạch hỗ trợ thứ ba của châu Âu cho Hy Lạp năm 2015. Cho nên bản báo cáo này có thể sẽ gây phản ứng mạnh ở châu Âu, nơi mà nhiều nước, đặc biệt là Đức, vẫn đòi IMF phải đóng góp tài chính trước rồi họ mới tham gia vào kế hoạch hỗ trợ cho Hy Lạp.

(AFP) – Colombia : Kế hoạch chấm dứt 50.000 ha cocain. Theo AFP hôm qua, 27/01, chính quyền Colombia và lực lượng nổi dậy FARC cùng thông báo một chương trình từ bỏ 50.000 ha “cây trồng bất hợp pháp” trong năm 2017. Bỏ trồng cocain là một cam kết trong thỏa thuận hòa bình được ký hồi tháng 11/2016, cho phép chấm dứt hơn nửa thế kỷ nội chiến. Colombia là quốc gia số một thế giới về cocain, nguồn thu chủ yếu của lực lượng nổi dậy. Theo Liên Hiệp Quốc, Colombia có 96.000 ha cocain, năm 2015, sản xuất 646 tấn. Những người bỏ cây cocain sẽ được hỗ trợ khoảng 340 đô la/tháng, trong thời gian chuyển sang cây trồng mới, hay chuyển qua làm các công việc phục vụ cộng đồng.

(AFP) – Tiểu bang California khởi động phong trào đòi độc lập. Thứ Năm 26/01, quốc vụ khanh phụ trách bầu cử của California, ông Alex Padilla, đã bật đèn xanh cho phong trào quyên góp chữ ký cho chủ trương thành lập “quốc gia California”. Nếu đủ 585.407 chữ ký, đề nghị này sẽ được đưa ra lấy ý kiến cử tri trong cuộc bỏ phiếu tháng 11/2018. Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, rất nhiều người ủng hộ việc California độc lập. Tuy nhiên, quốc vụ khanh California cũng thừa nhận rằng rất nhiều trở ngại về pháp lý trên con đường độc lập với Hoa Kỳ. California, với 40 triệu dân, là tiểu bang đông nhất nước Mỹ. Riêng GDP của California đứng hàng thứ sáu thế giới.

( AFP ) - Chilê : Cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Chilê hiện đang đối đầu với những vụ cháy rừng mà tổng thống Michelle Bachelet đánh giá là « thảm họa rừng nghiêm trọng nhất » trong lịch sử nước này, hiện đã khiến 10 người chết, hàng ngàn người phải di tản và nhiều ngôi làng bị cháy rụi. Cháy rừng đã lan rộng nhanh chóng kể từ khoảng hơn một tuần nay tại bảy vùng miền trung và miền nam Chile, do trời đang rất nóng và nhiều gió mạnh, thiêu rụi gần 290 ngàn hectare rừng. Hôm qua, chính phủ Chilê loan báo đã bắt được 5 người bị nghi đã gây ra một số vụ cháy rừng.

( AFP ) - John Hurt, diễn viên « muôn mặt », qua đời. John Hurt, diễn viên Anh nổi tiếng, đặc biệt là qua bộ phim « Elephant Man », vừa qua đời ngày 25/01/2017, tại nhà riêng ở Norfolk, Anh Quốc, thọ 77 tuổi, theo thông báo của vợ ông hôm nay, 28/01. Ông từng hai lần được đề cử tranh giải Oscar, trong đó có vai chính trong phim « Elephant man ». Vai phụ mà ông thủ diễn trong phim « Midnight Express » cũng đã được tặng thưởng giải điện ảnh truyền hình Bafta Awards của Anh và giải Golden Globe ( Quả cầu vàng ) của điện ảnh Mỹ.
   
( AFP ) -  Diễn viên Pháp Emmanuelle Riva qua đời. Nữ diễn viên Pháp Emmanuelle Riva, nổi tiếng qua bộ phim « Hiroshima tình yêu của tôi », vừa qua đời hôm qua, 27/01/2017, thọ 89 tuổi, sau một thời gian dài lâm bệnh. Nữ tài tử Riva được nhiều người biết đến kể từ bộ phim « Hiroshima tình yêu của tôi » của đạo diễn Alain Resnais. Vào năm 2013, bà đã được trao giải César nữ diễn viên xuất sắc nhất qua bộ phim « Tình yêu ». Bà được xem là một trong những « nữ diễn viên táo bạo nhất của điện ảnh Pháp ».

( AFP ) - Pháp : Khám xét tòa soạn, nơi vợ ứng cử viên Fillon bị nghi làm việc giả. Hãng tin AFP hôm nay, 28/01/2017, cho biết là nhà chức trách Pháp hôm thứ Năm vừa qua đã khám xét tòa soạn của tạp chí « La revue des Deux Mondes », hiện là trung tâm điểm của cuộc điều tra về vụ nghi là việc làm giả của vợ ứng cử viên tổng thống cánh hữu François Fillon. Theo tiết lộ của tờ Canard enchaîné, bà Penelope Fillon đã được tuyển dụng làm trợ lý nghị sĩ Quốc hội và nhân viên của tạp chí văn học « La Revue des deux Monde ». Nhưng các nhà điều tra nghi rằng phu nhân cựu thủ tướng Pháp trên thực tế đã không làm gì hoặc làm rất ít, mà vẫn lãnh tổng cộng 500 ngàn euro trong 8 năm với tư cách trợ lý nghị sĩ và lãnh 5.000 euro mỗi tháng với tư cách nhân viên của tờ báo nói trên. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.