Vào nội dung chính
HOA KỲ

Trump thanh toán di sản của Obama

« Trump tháo dỡ di sản của nhiệm kỳ Obama », đó là tựa trên trang nhất của tờ Le Monde hôm nay. Libération thì quan tâm đến vụ ứng cử viên tổng thống cánh hữu François Fillon đang gặp rắc rối to, vì vợ của ông bị điều tra về việc đã nhận lương tổng cộng gần 600 ngàn euro với chức danh trợ lý nghị sĩ Quốc hội, nhưng trên thực tế chẳng làm gì cả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị ký sắc lệnh tại bộ An Ninh Nội Địa ở Washington (Mỹ), ngày 25/01/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị ký sắc lệnh tại bộ An Ninh Nội Địa ở Washington (Mỹ), ngày 25/01/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Nhân Liên hoan truyện tranh Angoulême, toàn bộ các trang, kể cả trang nhất, của Libération được trình bày như là một truyện tranh, với các bức vẽ minh họa cho các bài báo. Le Figaro thì tập trung nói về tệ nạn trấn lột, cướp giật đang gia tăng mạnh trên các phương tiện giao thông công cộng tại Pháp. Tờ báo chuyên về kinh tế Les Echos nhấn mạnh đến những thất bại « chiến lược » của Nhà nước Pháp trong vai trò cổ đông.

Nhật báo Công giáo La Croix dĩ nhiên đề cập đến khủng hoảng giữa Dòng Hiệp sĩ Malta với Tòa Thánh, dẫn đến việc giáo hoàng Phanxicô vừa yêu cầu Hiệp sĩ Tối cao, tức lãnh đạo của dòng tu này, phải từ chức.Bằng những sắc lệnh, tân tổng thống Mỹ Donald Trump, chỉ mới lên cầm quyền cách đây vài ngày, đang từng bước phá bỏ những chính sách của người tiền nhiệm Obama. Đó là hồ sơ chính của tờ Le Monde số đề ngày 26/01/2017.

Tờ báo nhắc lại những sắc lệnh mà ông Trump đã ký trong những ngày qua : sắc lệnh ngày 20/01 về việc ngưng thực hiện bảo hiểm y tế Obamacare, sắc lệnh ngày 23/01 về rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, một hiệp định do Obama đề xướng, và sắc lệnh ngày 24/01 về việc khởi động lại dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, mà Obama đã đình chỉ.

Thật ra, theo Le Monde, một số sắc lệnh của tân tổng thống Mỹ chỉ được đưa ra chủ yếu nhằm đánh dấu sự đoạn tuyệt với thời kỳ Obama, chứ chưa thể có hiệu lực ngay. Trong số này có sắc lệnh về hủy bỏ Obamacare, tức là chính sách mở rộng bảo hiểm y tế cho 20 triệu dân nghèo ở Mỹ. Sắc lệnh của ông Trump yêu cầu các cơ quan liên bang không thi hành Obamacare, nhưng văn bản đó còn cần phải được đưa ra Quốc hội biểu quyết mới có thể trở thành luật.

Ngay cả dự án xây bức tường ở biên giới giữa Mỹ với Mêhicô để ngăn chận nhập cư trái phép từ nước láng giềng cũng được thông báo nhằm gây tác động dư luận, cho nên tân tổng thống Hoa Kỳ chưa đưa ra những chi tiết cụ thể nào. Dẫu sao cũng không dễ gì mà buộc được Mêhicô chi tiền cho bức tường đó.

Cũng theo Le Monde, hiện giờ còn hai hồ sơ lớn chưa được Trump đề cập đến, đó là hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và hiệp định về hạt nhân Iran. Trong thời gian tranh cử, một phần nhờ lên tiếng phản đối hai hiệp định đó mà ứng cử viên Trump đã giành được thành công. Nhưng đây lại là hai hiệp định mà các quan chức chuyên trách trong chính quyền Trump sẽ bảo vệ.

Làn gió lạc quan trên thị trường tài chính

Cũng liên quan đến tân tổng thống Mỹ, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến sự kiện chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Wall Street lần đầu tiên đã vượt qua ngưỡng lịch sử 20.000 điểm.

Theo Les Echos, chỉ số này tăng vọt như vậy là do các nhà đầu tư dự phóng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh hơn nhờ chính sách kinh tế của tân tổng thống Donald Trump. Những lời hứa của nhà tỷ phú về đầu tư quy mô lớn và giảm thuế doanh nghiệp đã tạm thời đẩy lùi bóng ma suy thoái kinh tế triền miên, nổi ám ảnh của nước Mỹ trong những năm gần đây.

Làn gió lạc quan mà tân tổng thống Mỹ thổi bùng lên cũng đã giúp cho đồng đô la tăng giá mạnh trong thời gian qua. Hiện giờ không có gì cản trở không khí hồ hởi phấn khởi của thị trường Wall Street, đã liên tục phá các kỷ lục trong tháng 12 vừa qua. Nhưng theo Les Echos, sự năng động của năm 2017 tùy thuộc vào khả năng của tân chủ nhân Nhà Trắng thực hiện tất cả những lời hứa của ông.

Tunisia trước "nạn" thanh niên tham gia thánh chiến hồi hương

Cũng về thời sự quốc tế, tờ Libération hôm nay có một bài dài nói về hàng ngàn thanh niên Tunisia tham gia thánh chiến trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nay hồi hương, đặt ra nhiều vấn đề cho quốc gia Bắc Phi này.

Theo Libération, vào năm 2015, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc thẩm định con số các chiến binh người Tunisia tham gia thánh chiến là khoảng 5.500 người, chủ yếu là đi sang Syria, Irak và Libya. Bộ Nội vụ Tunisia thì thẩm định con số này chưa đến 3.000. Nếu như những dữ liệu đó rất khó được kiểm chứng, thì có một điều chắc chắn là chiến binh người Tunisia chiếm phần lớn lực lượng thánh chiến nước ngoài và đây không phải là hiện tượng mới mẻ gì.

Thế nhưng, từ mấy tuần qua, đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Chính tổng thống Tunisia khi thăm nước Pháp vào đầu tháng 12 vừa qua đã gây ra tranh cãi này khi tuyên bố là nước ông sẽ không thể tiếp nhận các nghi can khủng bố vì các nhà tù ở Tunisia đã quá tải. Vụ khủng bố Berlin ngày 19/12, do một người Tunisia gây ra, lại càng khiến tranh cãi thêm gay gắt.

Trước khả năng hàng ngàn chiến binh đi chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo nay trở về, Tunisia hiện bị chia rẽ giữa hai thái độ : chính quyền thì chủ trương không tiếp nhận họ, trong khi các hiệp hội và phe Hồi giáo thì đề nghị nên tiếp đón họ đàng hoàng và giúp họ từ bỏ tư tưởng cực đoan.

Đảng Xã Hội Pháp trước nguy cơ tan rã

Nhân cuộc tranh luận truyền hình tối qua giữa hai ứng cử viên vòng hai bầu cử sơ bộ bên Đảng Xã Hội để chọn người ra tranh cử tổng thống năm 2017, tờ Le Figaro nêu bật khủng hoảng chưa từng có trong đảng này kể từ năm 1969.

Tờ báo trích dẫn giám một đảng viên kỳ cựu của Đảng Xã Hội, ông Henri Weber, so sánh cuộc đối đầu gay gắt giữa hai ứng cử viên Benoit Hamon với Manuel Valls với cuộc khủng hoảng năm 1969, lúc mà ứng cử viên Xã hội chỉ thu được khoảng 5% số phiếu. Theo ông Weber, đây không phải là một cuộc khủng hoảng mang tính cáo chung, mà là khủng hoảng về tái lập nền tảng cho Đảng Xã Hội. Ông cho rằng sau thất bại rất có thể xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, Đảng Xã Hội vẫn còn có thể chuyển đổi thành một đảng cải cách lớn của thế kỷ 21.

Nhưng theo Le Figaro, bên ngoài Đảng Xã hội, những nhà nghiên cứu như ông Gérard Grunberg thì không lạc quan như vậy. Ông dự báo là cho dù vẫn đoàn kết sau bầu cử tổng thống, Đảng Xã hội sẽ bị mất đi 10% lực lượng, gồm những người ngả theo cánh cực tả. Theo nhà nghiên cứu này, sẽ có một sự cắt đứt vĩnh viễn giữa hai chủ nghĩa xã hội : chủ nghĩa xã hội mang tính cách mạng và chủ nghĩa xã hội mang tính cải tổ.

Y tế : Thụy Điển không có điều kiện cho những bà mẹ sinh con thiếu tháng

Về xã hội, tờ Libération hôm nay đưa độc giả đến Thụy Điển, quốc gia hiện đang bị chê là không còn khả năng chăm sóc đầy đủ cho các trẻ sanh thiếu tháng.

Libération lấy ví dụ một phụ nữ sắp hạ sinh hai bé song sinh, tưởng rằng sẽ được mẹ tròn con vuông ở bệnh viện đại học Uppsala, phía bắc Stockholm, thế mà cô đã phải lật đật cuốn gói rời Thụy Điển cùng với chồng bằng máy bay cứu thương để bay sang thành phố Turku, Phần Lan. Lý do là vì ở Thụy Điển, toàn bộ những nơi chuyên chăm sóc trẻ sanh thiếu tháng và sanh khó đều không thể tiếp nhận hơn nữa, vì thiếu các nhân viên y tế chuyên trách.

Theo Libération, đây quả là một hiện tượng đáng ngạc nhiên trong hệ thống y tế của Thụy Điển, vốn vẫn được ca ngợi là một mô hình hoàn hảo. Có hai lý do giải thích cho khủng hoảng này. Thứ nhất, Thụy Điển từ lâu có truyền thống đón nhận người di dân, cho nên trong những năm gần đây, dân số đã tăng nhiều. Ngoài ra nước này có một chính sách gia đình rất hào phóng và hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh sản đứng hàng thứ ba châu Âu. Lý do thứ hai là nhu cầu chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng đã gia tăng cùng với tỷ lệ sống sót của các trẻ này. Ví dụ như em bé sinh thiếu tháng chỉ với 600 gram có khả năng sống sót đến 70%, thuộc loại cao nhất thế giới.

Kỷ lục phim ngoại quốc được quay tại Pháp

« Chào mừng quý khách đến với Hollywood-sur- Seine », đó là tựa một bài báo trên tờ Le Monde hôm nay về việc trong năm 2016 đã có đến 36 phim ngoại quốc được quay ở Pháp, nhiều hơn gấp hai lần so với năm 2015.

Theo tờ báo này, giới điện ảnh Pháp như vậy là có thể tự khen mình là đã vận động được bộ Tài chính Pháp chấp nhận giảm thuế 30% cho các nhà sản xuất phim nước ngoài. Chính sách này có lợi ở chổ là một euro giảm thuế sẽ tạo ra 7 euro chi tiêu trên đất Pháp và góp thêm 2,7 euro cho ngân sách Nhà nước.

Cuộc triển lãm Paris Images Trade Show, diễn ra từ ngày 25/01 đến 01/02/2017, sẽ là dịp để chứng tỏ sức thu hút của nước Pháp cả về mặt quay phim lẫn về mặt ưu đãi thuế. Những ưu đãi thuế này đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà làm phim Mỹ. Trong năm qua, họ đã thực hiện 23 phim trên đất Pháp, trong đó có bộ phim Dunkirk, được quay trong hai tháng 5 và 6 trên các bãi biển vùng Haut-de-France ( miền Bắc nước Pháp ), huy động đến 450 kỷ thuật viên và 2000 diễn viên quần chúng ở địa phương, để tham gia vào cảnh chủ yếu của bộ phim với nội dung xoay quanh cuộc di tản bằng đường biển hàng ngàn binh lính Pháp, Bỉ và Anh bị quân Đức bao vây.

Đặc biệt, một bộ phim lớn của điện ảnh Ấn Độ, Befikre, đã được quay toàn bộ ở Pháp, cụ thể là tại Paris, vùng Picardie và vùng thành phố Cannes.

Thật ra thì không chỉ có sức hấp dẫn về ngoại cảnh, nước Pháp còn thu hút các nhà làm phim quốc tế với những kỷ năng và đội ngũ kỹ thuật viên giỏi, nhất là trong lĩnh vực phim hoạt hình và phim ba chiều 3D.

Truyện tranh và thời sự

Cũng về văn hóa, nhân Liên hoan truyện tranh Angoulême, nhật báo Công giáo La Croix hôm nay có bài điều tra về một hiện tượng ngày càng phổ biến: đó là truyện tranh với đề tài thực tế.

Trong một thời gian dài, truyện tranh chỉ được xem như là một loại hình nghệ thuật để giải trí, chỉ toàn dựa trên chuyện hư cấu. Nhưng theo La Croix, theo thời gian, nhất là trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều truyện tranh thuộc loại tự truyện, phóng sự hoặc chuyện kể, làm như thể là có dùng hình ảnh để nói về tất cả mọi thứ. Đến mức mà hiện nay ở Pháp có cả những tạp chí toàn bằng truyện tranh như La revue dessinée hoặc nhật báo thời sự bằng truyện tranh Groom.

Theo La Croix, độc giả rất thích thú khám phá những truyện tranh « thực tế », vì họ tìm thấy trong đó không chỉ những thông tin, mà cả những cảm xúc, và một cái nhìn khác, tuy mang tính chủ quan, nhưng rất chân thực, của các tác giả. Về phần các tác giả thì họ cũng rất hứng thú với việc chia sẽ những trải nghiệm của họ qua truyện tranh, như tác giả Guy Delisle, từng kể lại các chuyến du hành của anh đến Bình Nhưỡng, Miến Điện hay Jerusalem qua truyện tranh.

Thậm chí nay còn các cả các truyện tranh … tiểu luận, nhằm phổ cập hóa các kiến thức về đủ mọi lĩnh vực : khoa học, kinh tế, chính trị…Nói tóm lại, theo La Croix, truyện tranh nay đã trở thành một phương tiện truyền thông thật sự, được dùng để nói về mọi chủ đề và chuyển tải mọi thông điệp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.