Vào nội dung chính
HOA KỲ

Vắng Mỹ, tương lai TPP đi về đâu ?

Để cứu hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, Úc chủ trương mời Trung Quốc tham gia « khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới ». Tuyên bố trên được thủ tướng Turnbull đưa ra vài giờ sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 23/01/2017, ký sắc lệnh rút lui khỏi TPP. Tương lai « thỏa thuận thương mại của thế kỷ 21 » đi về đâu khi không còn Mỹ ?

Tổng thống Donald Trump "khoe" khai tử TPP. Ảnh ngày 23/01/2017.
Tổng thống Donald Trump "khoe" khai tử TPP. Ảnh ngày 23/01/2017. SAUL LOEB / AFP
Quảng cáo

Được xem là một trong những thành tích quan trọng của chính quyền Barack Obama (2009-2017), ngày 05/10/2015 tại Atlanta, Hoa Kỳ và 11 quốc gia đối tác chính thức hoàn tất đàm phán để thành lập một khu vực tự do mậu dịch lịch sử. Bốn tháng sau, vào tháng 2/2016 Mỹ, Canada, Chilê, Mêhicô, Pêru, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Singapore và Việt Nam chính thức ký lết vào bản khai sinh « khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới và cũng là hiệp định thương mại của thế kỷ 21 ».

Ngoài mục tiêu giảm thiểu các hàng rào quan thuế, TPP còn hướng tới việc xóa bỏ những rào cản phi quan thuế, đặt nền tảng cho một số các chuẩn mực -như bảo vệ tác quyền, hay các tiêu chuẩn về môi trường giữa các bên liên quan. Một mục tiêu khác của TPP nhằm làm đối trọng với đà lớn mạnh của Trung Quốc trên thương trường.

TPP bao gồm nhóm các quốc gia vừa kể, trong đó có hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Nhật Bản, nhưng không có Trung Quốc. Trọng lượng của toàn khối tương đương với 40 % kinh tế toàn cầu.

Để chính thức có hiệu lực hiệp định phải được tất cả các thành viên phê chuẩn, nhưng TPP đã vấp phải sự chống đối của Quốc Hội Hoa Kỳ. Tới nay Nhật Bản là quốc gia duy nhất đã hoàn thành tất cả mọi thủ tục. Việt Nam  đã hoãn phê chuẩn văn bản này.

Trong suốt thời gian vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump liên tục tấn công TPP khi cho rằng đó là một « thỏa thuận tai hại », « vi phạm nghiêm trọng » quyền lợi của người lao động Mỹ. Ngày 23/01/2017, tổng thống Donald Trump đã đặt bút ký sắc lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP và tuyên bố đây là một bước tiến « quan trọng cho nhân công Mỹ ».

Ngắn hạn : không có gì thay đổi

Vậy việc tổng thống Trump chính thức rút nước Mỹ ra khỏi TPP đem lại những thay đổi nào cho bản thân Hoa Kỳ và các đối tác của Mỹ ?

Về thực chất, trước mắt không có gì thay đổi sau khi Trump đặt bút ký sắc lệnh vừa nêu. Thứ nhất để có hiệu lực, quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP còn phải được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua. Nhà Trắng và lập pháp có nhanh chóng tìm được đồng thuận hay không, đấy lại là một chuyện khác.

Thứ hai là một khi Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ bật đèn xanh cho việc từ bỏ TPP, chính quyền Washington bắt đầu phải đàm phán với 11 đối tác còn lại về thủ tục « ly dị ».

Tổng thống Trump báo trước, là ông chủ trương thay thế thỏa thuận đa phương TPP bằng một loạt các thỏa thuận thương mại « song phương » và « công bằng » cho người lao động và làm sống lại nền công nghiệp của Hoa Kỳ, trung thành với khẩu hiệu « America First ». Đây sẽ là một công trình dài hơi.

Điểm thứ ba là do chưa đi vào hoạt động, trong ngắn hạn, việc Mỹ rút khỏi TPP không ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người dân Hoa Kỳ hay với dân cư 11 đối tác còn lại trong vành cung châu Á Thái Bình Dương.

Biểu tượng mạnh

Dù vậy, mọi người đã chú ý đến sự kiện chỉ mới vừa đặt chân vào Nhà Trắng, tổng thống Trump đã thực hiện ngay lời hứa : không để công ăn việc làm của người dân Mỹ thất thoát ra nước ngoài. Tương tự như quyết định « đánh vào luật bảo hiểm y tế Obamacare », « bỏ TPP » là bằng chức rõ rệt nhất cho thấy Donald Trump đang tẩy nốt những dấu ấn của người tiền nhiệm rất được lòng dân là Barack Obama.

Thời cơ cho Trung Quốc

Tuy nhiên câu hỏi then chốt nhất là liệu tương lai TPP đi về đâu khi vắng nền kinh tế số 1 của thế giới ?

Chớ vội « khai tử TPP » vì dù không có Mỹ, nhưng nếu được tối thiểu 6 thành viên TPP có trọng lượng kinh tế tương đương với 85 % của cả khối phê chuẩn trước tháng 2/2018 Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ có hiệu lực. Chính vì thế mà Úc, New Zealand đề nghị mời Indonesia và nhất là Trung Quốc tham gia vào « khu vực tự do mậu dịch tiềm năng » này.

Theo giới quan sát, thay đổi chính sách của Mỹ trên hồ sơ thương mại tạo điều kiện cho Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong vùng châu Á Thái Bình Dương. Chuyên gia Edward Alden, thuộc cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế Mỹ Council on Foreign Relations được AFP trích dẫn cho rằng « tiến trình thúc đẩy kinh tế toàn cầu được đặt dưới sự bảo trợ của Mỹ đã bị tổng thống Trump khai tử ».

Giờ đây Washington chuyển hướng về các thỏa thuận song phương ít « tham vọng hơn », ít mang tính ràng buộc hơn. Nhưng đây là một tính toán « đầy rủi ro » về mặt chiến lược.

Nhiều chính trị gia trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa và ngay cả một số cộng tác viên của tân chính quyền Mỹ cũng phải nhìn nhận : từ bỏ TPP, Mỹ đang đánh mất một phương tiện để làm đối trọng với Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, John McCain trong một thông cáo không vòng vo : bỏ rơi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương là « tạo cơ hội cho Trung Quốc áp đặt luật chơi trên bàn cờ kinh tế, bất lợi cho nhân công Hoa Kỳ ».

Với Edward Alden, thuộc cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế Mỹ Council on Foreign Relations, chính quyền Trump « dọa trả đũa Trung Quốc cạnh tranh bất chính nhưng lại vô hình chung tạo điều kiện để Bắc Kinh trở thành đối tác hàng đầu của châu Á ». Từ thượng đỉnh APEC – Lima 2016 cho đến Diễn đàn Davos vừa qua, ông Tập Cận Bình đã không bỏ lỡ cơ hội để quảng bá dự án xây dựng Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực, RCEP một sáng kiến của Bắc Kinh và đặt Trung Quốc vào thế một quốc gia « có trách nhiệm », bảo vệ tự do mậu dịch toàn cầu.

Thông điệp bị nhiễu trên chính trường Mỹ

Còn về mặt đối nội, các nhà quan sát chờ đợi Quốc Hội Hoa Kỳ và các doanh nhân Mỹ không dễ dàng nhượng bộ tổng thống Trump. Do nhiều người đang lo ngại không kém trước viễn cảnh Nhà Trắng khai mào một cuộc chiến thương mại, gây sự với các đối tác thương mại chủ chốt của Hoa Kỳ.

Một nhà báo Mỹ bình luận : ký sắc lệnh thì dễ, thuyết phục lập pháp nghe theo mình sẽ không dễ dàng như ông Trump lầm tưởng. Để vượt qua rào cản của những thành phần ủng hộ toàn cầu hóa tổng thống Trump sẽ phải trổ tài mặc cả của một doanh nhân ngoại hạng. Vả lại ông Trump làm thế nào để đem công việc làm trở lại Mỹ trong thế giới mở rộng và khi bản thân hàng xuất khẩu Made in USA bán ra trên thế giới đã được giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.