Vào nội dung chính
HOA KỲ

Hàng Mỹ của Donald Trump: Khẩu hiệu và thực tế oái oăm

Donald Trump mặc nhiên đã trở thành nhà ‘vô địch’ bảo hộ mậu dịch, điều ông không phủ nhận qua các khẩu hiệu mà các đối tác nước ngoài nghe không lọt tai chút nào. Ngày tuyên thệ nhậm chức ông lại càng xác minh một cách hùng hồn. Một trong những lúc mà tân tổng thống Mỹ được những người ủng hộ ông hoan nghênh nhất nhân lễ nhậm chức ngày 20/01/2017 là lúc ông kêu gọi « Mua (hàng) Mỹ và tuyển dụng (người) Mỹ ».

Cảnh sản phẩm cổ động với hình của Donald Trump được bày bán bên ngoài Nhà Trắng ngày 19/01/2017.
Cảnh sản phẩm cổ động với hình của Donald Trump được bày bán bên ngoài Nhà Trắng ngày 19/01/2017. Mark RALSTON / AFP
Quảng cáo

Nhưng đấy cũng là một khẩu hiệu trớ trêu, như hãng tin anh Reuters ngày 20/01 đã ghi nhận khi tìm hiểu xuất xứ của biểu tượng của những người ủng hộ ông Trump : chiếc mũ baseball mầu đỏ với mác đặc thù là khẩu hiệu của ứng cử viên Donald Trump : « Make America Great Again - Hãy làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại ».

Biết bao người đã mua và đội chiếc mũ baseball đó. Nhưng điều bất ngờ là rất nhiều chiếc mũ lại không phải làm tại Mỹ mà là tại Việt Nam, Trung Quốc, hay Bangladesh ! Và một số người thật sự rất khó chịu khi khám phá chiếc mũ Trump của họ lại làm ở nước ngoài.

Ví dụ như cặp Rob và Abby Walker, lái xe từ Georgia lên Washington, và trên đường đi, đã ngừng ở một trạm dừng xe tải để mua chiếc mũ Make America Great Again. Abby có vẻ lo lắng : « Lậy Chúa, hy vọng nó không phải là làm ở Trung Quốc ! » Bà nhanh nhẹn xoay mũ lại và đọc nhãn bên trong : « Trung Quốc ! Đừng nói với ai hết ! »

Chiếc mũ này nếu mua trên website vận động chính thức của Trump, thì quả thật là làm tại Mỹ, bán với giá từ 25 đến 30 đô la. Cho dù vậy, so ra thì vẫn đắt hơn các chiếc mũ bán ở ngoài đường ở Washington hôm 20/01, giá chỉ độ 20 đô la.

Joshua Rojas, 25 tuổi và Alyssa Young, 28 tuổi, đi từ Texas lên Washington xem lễ tuyên thệ. Young đội chiếc mũ Trump màu hồng và liếng thoắng giải thích : « Tôi thích nó ngay khi vừa nhìn thấy. Tôi mua ngay nơi một người bán và trả 20 đô la ».

Nhưng chiếc mũ có phải được làm ở Mỹ không ?

Cô Young có vẻ lúng túng : « Tôi thật tình không biết nó làm ở đâu. Để tôi kiểm tra xem ». Cô gỡ chiếc mũ ra và nhìn kỹ nhãn bên trong và ngạc nhiên thốt lên : « Không phải chứ ! Nó làm ở Việt Nam ! »

Austin Araco, 22 tuổi, từ Arkansas lên, cũng đội mũ Trump nhưng tỏ vẻ thận trọng giải thích : « Tôi mua nó trên website của Trump để không bị hớ, tôi muốn đóng góp vào quỹ của ông. Tôi đã mua nó đúng vào ngày ông đắc cử, và tôi đã trả 30 đô la kể cả tiền gởi ».

Victoria Scott 13 tuổi và người em trai Andrew cũng đội hai chiếc mũ mua tại Washington trước lễ tuyên thệ. Mũ của Victorria giá 25 đô la và làm tại Trung Quốc, nhưng cô bé có vẻ không quan tâm. Andrew thì xem kỹ chiếc mũ và khám phá ra « Made in Bangladesh »

Robert Morisson ở quận Queens, New York, cũng kiểm tra xuất xứ chiếc mũ của anh mua 20 đô la : Trung Quốc. Anh kiểm tra một chiếc mũ khác, không phải mũ Trump mà là mũ đội bóng New York Yankees, thì cũng Trung Quốc !

Trong diễn văn của ông, Trump có một giọng điệu bảo hộ mậu dịch triệt để : « Kể từ giờ khắc này, sẽ là Nước Mỹ trên hết... Chúng ta sẽ theo hai nguyên tắc đơn giản : Mua (hàng) Mỹ và tuyển dụng (người) Mỹ. »

Khẩu hiệu là như vậy, nhưng thực tế có được như vậy hay không, thì hạ hồi phân giải !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.