Vào nội dung chính
NGA - CHÂU ÂU

Vụ Ioukos : Nga bác quyết định của Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu

Hôm qua 19/01/2017, theo AFP, Tòa Bảo Hiến Nga ra quyết định cho phép chính quyền không tuân thủ phán quyết của Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu - CEDH yêu cầu Matxcơva đền bù cho các cổ đông của tập đoàn dầu mỏ khí Ioukos 1,9 tỉ đô la. Đây là lần thứ hai Nga phản đối quyết định của Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu.

Trụ sở tập đoàn Ioukos, Matxcơva, năm 2004
Trụ sở tập đoàn Ioukos, Matxcơva, năm 2004 Ảnh : Oleg Nikishin/Getty Images
Quảng cáo

Tòa Bảo Hiến Nga nhấn mạnh : « Trong trường hợp quyết định của một tổ chức quốc tế đi ngược lại với các nguyên tắc và chuẩn mực của Hiến Pháp, nước Nga có quyền không thực thi quyết định đó ». Đối với chủ tịch Tòa Bảo Hiến, tập đoàn Ioukos từng là thủ phạm của nhiều vụ trốn thuế và để lại nhiều khoản nợ quan trọng, « đe dọa các cơ sở của Nhà nước xã hội và dân chủ ». Nhà nước Nga do vậy buộc phải có các biện pháp có trách nhiệm để đền bù các tổn thất của Ioukos.

Phán quyết nói trên của tòa án Nga liên quan đến quyết định hồi tháng 7/2014 của CEDH buộc Nga phải bồi hoàn gần 2 tỉ đô la cho các cựu cổ đông của tập đoàn Ioukos, của tỉ phú và nhà đối lập Mikhail Khodorkovski, do « những bất hợp lệ » trong các thủ tục thuế chống lại tập đoàn này trong những năm 2000.

Về quyền lợi hợp pháp của các cổ đông, chủ tịch Tòa Bảo Hiến Nga cũng trấn an với việc yêu cầu chính quyền Nga nỗ lực tìm ra thỏa hiệp nhằm bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông lương thiện, nạn nhân của các hành động bất hợp pháp của doanh nghiệp, và các nhà quản lý. Chánh tòa Tòa Bảo Hiến Nga cũng hy vọng duy trì các quan hệ « tốt đẹp » giữa Nga và hệ thống tư pháp châu Âu, được đánh giá là « có vai trò nền tảng trong việc bảo vệ các nhân quyền và quyền tự do của công dân ».

Hội Đồng Toàn Châu Âu đã bày tỏ « thái độ quan ngại », sau quyết định của tòa án Nga.

Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu, thành lập năm 1959, trực thuộc Hội Đồng Toàn Châu Âu. Tòa bao gồm 47 thẩm phán, mỗi quốc gia trong số 47 thành viên của Hội Đồng được quyền cử một đại diện.

Lần đầu tiên Nga không tôn trọng quyết định của tòa án châu Âu là vào tháng 4/2016, liên quan đến quyền bỏ phiếu của những người bị giam giữ. Các nghị sĩ Nga đã mở đường cho quyết định nói trên, khi ra luật vào tháng 12/2015, tái khẳng định không áp dụng quyết định của Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu, nếu đi ngược lại Hiến pháp Nga. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.