Vào nội dung chính
HOA KỲ - DONALD TRUMP

Donald Trump : « Cơn ác mộng » ?

Donald Trump chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Đây là chủ đề chính được các báo Pháp ngày 20/01/2017 bàn luận nhiều nhất. Libération chạy tít trên trang nhất : « Trump : Bắt đầu một thời kỳ ». Bên trong, tờ báo phân tích « Một nước Mỹ không lưới dây an toàn ».

Barack Obama (P) và tổng thống tân cử Donald Trump trước khi chuyển giao quyền lực, Washington, ngày 20/01/2017.
Barack Obama (P) và tổng thống tân cử Donald Trump trước khi chuyển giao quyền lực, Washington, ngày 20/01/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Một số người hy vọng là sau khi thắng cử, Donald Trump sẽ thay đổi, trở thành một vị tổng thống khôn khéo hơn. Thế nhưng, trong hai tháng rưỡi qua, ông vẫn duy trì cách hành xử, phương pháp như trước đây, liên tục sử dụng mạng xã hội Twitter để tấn công những người chống đối, đưa ra những tuyên bố dối trá, tỏ thái độ thù ghét báo chí, công khai chỉ trích các cơ quan tình báo.

Ông đã làm cộng đồng quốc tế kinh ngạc qua các tuyên bố thiếu chính xác, thậm chí trái ngược, liên quan đến các hồ sơ ngoại giao quốc tế nhậy cảm như cuộc xung đột Palestine-Israel, lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, về tương lai của Liên Hiệp Châu Âu.

Libération cho rằng Donald Trump đã lập một nội các theo đúng hình ảnh của ông : Da trắng, chủ yếu là đàn ông, giàu có và già nua. Và rất thiếu kinh nghiệm. Tương lai đầy bất trắc bắt đầu từ hôm nay, thứ Sáu 20 tháng Giêng.

Thế nhưng, xã luận của Libération còn đi xa hơn với tựa đề « Ác mộng ». Người ta có thể lo sợ, lạnh toát người, mồ hôi chảy ròng ròng ở sống lưng khi hình dung ra cảnh ông Obama trao cho ông Trump chiếc va-ly chứa đựng mã khóa vũ khí nguyên tử. Kể từ hôm nay trở đi, không gì có thể kiểm soát nổi. Vấn đề đối với tân chủ nhân Nhà Trắng là người ta lo sợ điều ông ta có thể làm chứ không phải là những gì mà ông sẽ làm.

Nếu như Donald Trump là một mỏ vàng để giới báo chí khai thác, thì ông ta lại là một ác mộng đối với các nhà phân tích, viết xã luận vì khó có thể tiên đoán được điều ông sẽ làm, giải thích được hành động, cử chỉ của ông ta trong tư cách tổng thống. Đây là điều chắc chắn duy nhất.

Đối với Libération, điều quan trọng không phải là cách thức hành xử của Donald Trump mà là các hậu quả nhãn tiền của thời kỳ bốn năm ông làm tổng thống cho dù nhiệm kỳ mới bắt đầu từ hôm nay. Pháp cũng như châu Âu cần phải ý thức được là đang bị cô lập trước Hoa Kỳ, Anh, Nga và cả Trung Quốc. Do vậy, cần phải chú ý và dồn sức để khẳng định sự tồn tại của mình trong một trật tự thế giới mới.

Thế giới lưỡng cực của Donald Trump

Báo Le Monde tóm tắt quan điểm về thế giới của vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Với hàng tựa « Thế giới lưỡng cực của Donald Trump », tờ báo cho rằng dù chưa nhậm chức, nhưng Donald Trump đã phân chia thế giới thành hai phe.

Một bên là những quốc gia thù nghịch, chống đối nước Mỹ và nền kinh tế Hoa Kỳ, ví dụ Trung Quốc, Mêhicô, Liên Hiệp Châu Âu, và các quốc gia này phải trả giá. Bên kia là những nước mà Hoa Kỳ cần ủng hộ hết mình.

Sự phân định này vốn đã được trình bày trong chiến dịch tranh cử, nay còn được thể hiện rõ hơn trong tiến trình chuyển giao quyền lực, trong các cuộc trả lời phỏng vấn hoặc qua các thông điệp trên Twitter của ông.

Những nước phải trả giá

Trước tiên là tân tổng thống Mỹ bị ám ảnh về Trung Quốc. Đây là quốc gia bị Donald Trump chỉ trích nhiều nhất trên mạng xã hội Twitter. Ngoài vấn đề Đài Loan mà Donald Trump làm Trung Quốc khó chịu, nổi đoá, báo Le Monde cho rằng còn một vấn đề nữa mà báo chí chính thức Trung Quốc ít nói đến, đó là mối lo của Bắc Kinh về việc Mỹ và Nga đang xích lại gần nhau.

Một quốc gia khác cũng thường xuyên bị Donald Trump tấn công là Mêhicô. Ngoài những tuyên bố về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chống tệ nạn nhập cư trái phép, ông Trump còn hứa hẹn xây một bức tường trên đường biên giới giữa hai nước và Mêhicô phải bỏ tiền ra xây, đàm phán lại hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ và đánh thuế tới 35% các sản phẩm của những công ty Mỹ di chuyển ra bên ngoài để sản xuất. Những tuyên bố của Donald Trump làm Mêhicô lo ngại vì thị trường Mỹ tiếp nhận tới 80% tổng xuất khẩu của nước này.

Đức và Liên Hiệp Châu Âu cũng nằm trong tầm ngắm của Donald Trump. Bên cạnh việc chỉ trích chính sách tiếp nhận người tị nạn của thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Trump còn tỏ ra nghi ngờ về trao đổi mậu dịch song phương, đồng thời lại tỏ ra hữu hảo với Anh. Tân tổng thống Mỹ còn thẳng thừng chỉ trích Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO là lỗi thời và điều này khiến một số nước châu Âu lo ngại vì từ trước đến nay vẫn trông cậy vào Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Bên được Mỹ ủng hộ

Trên đây là những quốc gia mà Donald Trump nhận định là phải trả nợ cho nước Mỹ. Còn phe các nước cần được Washington trấn an, ủng hộ, thì trước tiên là Nga. Tân tổng thống Mỹ không giấu giếm thiện cảm với tổng thống Nga Putin, hứa hẹn cải thiện quan hệ với Matxcơva và thậm chí bãi bỏ cấm vận Nga.

Israel cũng là quốc gia rất hài lòng với việc nước Mỹ có tổng thống mới. Donald Trump và các cộng sự của ông đã nhiều lần tuyên bố không quan tâm đến vấn đề chiếm đất Palestine xây dựng các khu định cư Do Thái và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran, kẻ thù của Israel.

Châu Á lo lắng

Liên quan đến châu Á, Le Monde nhận thấy chính sách của Donald Trump còn chưa rõ ràng, ngoại trừ việc đòi Nhật Bản và Hàn Quốc phải đóng góp tài chính nhiều hơn cho việc duy trì lính Mỹ ở hai nước này. Còn châu Phi thì dường như bị lãng quên. Theo một tài liệu của nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của Donald Trump được báo chí công bố, có thể tân chính quyền Mỹ sẽ giảm viện trợ và giảm bớt các cam kết tại châu Phi. Thậm chí, mối ám ảnh về Trung Quốc cũng thể hiện trong tài liệu này : Liệu Mỹ có thể bị thua Trung Quốc hay không tại châu Phi ?

Le Figaro : Donald Trump « tẩy xóa dấu vết » người tiền nhiệm

Đương nhiên, Le Figaro cũng chạy trên trang nhất « Ngày khởi đầu mọi việc đối với tổng thống Trump ». Tờ báo dành nhiều trang để nói về vị tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong đó có bài « Vừa nhậm chức và đã bị các kẻ thù bao vây ». Theo tờ báo, trong giới nghệ sĩ, giảng dạy nghiên cứu đại học và đặc biệt là trong giới truyền thông, một bầu không khí thù ghét tân tổng thống đang lan rộng.

Vậy ngay sau khi nhậm chức, tổng thống Donald Trump sẽ làm gì ? Trong bài « Những quyết định đầu tiên được chờ đợi từ vị tổng thống thứ 45 » của nước Mỹ, báo Le Figaro cho biết, thực ra, mọi việc quan trọng sẽ bắt đầu từ thứ Hai 23/01. Sau nhiều lần hứa hẹn sẽ thực hiện các ưu tiên của ông ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, thậm chí còn lập ra cả một ê-kíp thực hiện « Dự án ngày đầu tiên », cuối cùng Donald Trump quyết định dành kỳ nghỉ cuối tuần (21-22/01) cho các hoạt động lễ hội. Trong một cuộc họp báo tại New York, Donald Trump đã nói, thứ Hai là ngày làm việc đầu tiên và sẽ có những lễ ký kết long trọng trong thứ Hai, thứ Ba và các ngày khác trong tuần.

Chắc chắn trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, sẽ có nhiều nghị định được ký kết. Theo truyền thống, thì tân tổng thống sẽ ký sắc lệnh hủy bỏ một vài biện pháp mang tính biểu tượng của người tiền nhiệm. Ví dụ Obama đã ký sắc lệnh đóng cửa trại tù Guantanamo, chấm dứt các biện pháp cưỡng bức hỏi cung các nghi phạm khủng bố… Le Figaro tiên đoán là lĩnh vực mà Donald Trump mong muốn thực hiện chắc sẽ rất rộng và đa dạng.

Obama : Hậu Nhà Trắng ?

Sau khi quan tâm đến tân tổng thống Donald Trump, Le Figaro cũng không quên đề cập đến cuộc sống sau khi mãn nhiệm của vị tổng thống thứ 44 qua bài « Cuộc sống mới của Barack Obama ».

Mới có 55 tuổi, ông Obama là cựu tổng thống trẻ nhất kể từ cuối thế kỷ 19. Ông cũng là cựu tổng thống đầu tiên, sau khi rời Nhà Trắng, vẫn ở lại thủ đô Liên bang kể từ thời Woodrow Wilson, năm 1921. Gia đình Obama sẽ sống tại Washington DC cho đến năm 2019, tức là cho đến khi cô con gái út Sasha học xong trung học.

Theo nhận định của tờ báo, do còn trẻ, vẫn được lòng dân, có tài diễn thuyết, ông Obama sẽ có nhiều lựa chọn trong giai đoạn hậu tổng thống. Có một việc chắc chắn và tiếp nối truyền thống các cựu tổng thống, ông Obama sẽ viết hồi ký. Báo chí Mỹ nói đến một hợp đồng 20 triệu đô la. Đó là chưa kể hợp đồng mà cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng có thể sẽ ký.

Về mặt chính trị, dường như Obama đang mơ ước trở thành « người đỡ đầu » cho thế hệ lãnh đạo đảng Dân Chủ trong tương lai.

La Croix : Donald Trump và các ẩn số

Trang nhất La Croix nêu ra « Những ẩn số trong nhiệm kỳ tổng thống » của Donald Trump. Chưa bao giờ, trong lịch sử nước Mỹ, một vị tổng thống khi vào Nhà Trắng lại có lập trường không rõ ràng về các chính sách đối nội, đối ngoại và kinh tế, như ông Donald Trump.  « 10 câu hỏi trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump » : liệu Donald Trump sẽ thay đổi, không còn như Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử ? Ít có khả năng. Ông đã cho biết là sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội Twitter vì cho rằng giới truyền thông thù ghét ông.

Ngay cả câu hỏi Hoa Kỳ và Nga có thể trở thành đồng minh hay không, tân tổng thống Mỹ cũng trả lời mập mờ. Ví dụ, về việc trừng phạt Nga do sáp nhập Crimée và ủng hộ phe phiến quân ở đông Ukraina, ông Trump lúc đầu tuyên bố là có thể duy trì thêm một thời gian, nhưng sau đó, ông lại nói, tại sao lại trừng phạt một người khi họ đã làm được những việc lớn. Khi trả lời phỏng vấn báo chí châu Âu gần đây, Donald Trump nêu khả năng có thể đạt được một thỏa thuận với Nga : Bãi bỏ cấm vận đánh đổi lấy việc giảm vũ khí nguyên tử và hợp tác chống khủng bố.

Theresa May : « Brexit sắt đá »

Trang nhất báo Le Monde chạy tựa : « Anh Quốc : Theresa May lựa chọn một Brexit sắt đá ». Ngày 17/01, thủ tướng Anh đã tuyên bố là Luân Đôn chủ trương ra khỏi thị trường chung duy nhất, nhưng lại tỏ ra mập mờ về thời kỳ hậu Brexit.

Nhân dịp này, báo Le Monde nêu lên hệ quả các lựa chọn của Anh, như vấn đề tự do đi lại của công dân và di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vấn đề thuế và hàng rào hải quan, vai trò trong tương lai của trung tâm tài chính Luân Đôn.

Davos: Tập Cận Bình, “thầy thuốc” của cả thế giới?

Về châu Á, Le Monde có bài nhận định « Tại Davos, Tập Cận Bình trong vai người cầm lái vĩ đại của tự do trao đổi mậu dịch ». Nhật báo cho hay nhân dịp chủ tịch Trung Quốc có bài phát biểu khai mạc Diễn Đàn Kinh Tế Davos, Thụy Sĩ, báo chí chính thống Trung Quốc đã quảng bá, tuyên truyền rầm rộ về sự kiện này.

Trang nhất Nhân Dân Nhật Báo ngày 18/01 đăng ba ảnh và trang hai bên trong có thêm hai ảnh nữa, ca ngợi hết lời chuyến đi châu Âu của Tập Cận Bình, cũng như bài diễn văn của lãnh đạo Trung Quốc tại Davos. Tờ báo khẳng định, Tập Cận Bình đã kêu gọi thúc đẩy một cách kiên quyết tiến trình toàn cầu hóa kinh tế. Thậm chí, trong ấn bản quốc tế, tờ báo còn có bài xã luận nhan đề : « Tập Cận Bình kê toa thuốc Trung Quốc cho nền kinh tế thế giới ».

Bảng tên loài động vật sẽ không còn loài vượn ?

« Loài khỉ có thể sẽ biến mất từ đây cho đến khoảng 25-50 năm nữa » là hàng tựa báo động trên mục Hành Tinh của nhật báo Le Monde. Đây chính là kết quả nghiên cứu của 31 nhà nghiên cứu linh trưởng trên thế giới được công bố trên tạp chí Sciences Advances hôm thứ Tư 18/01 vừa qua.

Loài vượn khỉ là những loài động vật có họ hàng gần với giống người. Nhưng chúng ta đang tận mất chứng kiến loài động vật này đang chết dần. Tệ hơn nữa là chúng ta đang dẫn chúng đi đến sự biến mất với một nhịp độ và tầm mức lớn chưa từng thấy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.