Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - CHÍNH TRỊ

Châu Âu tứ bề thọ địch

Tuyên bố ủng hộ Brexit, chống NATO của Donald Trump và thông báo chọn phương án ly dị « cứng rắn » với Liên Hiệp Châu Âu (LHCA) của thủ tướng Anh gây chấn động mạnh đối với giới ủng hộ châu Âu. Trước cảnh lãnh đạo nước Mỹ tương lai tỏ rõ thái độ bài Âu, điều chưa từng thấy ở đồng minh Hoa Kỳ từ hơn nửa thế kỷ nay, trong lúc lãnh đạo Trung Quốc cao giọng cổ vũ cho một tiến trình toàn cầu hóa tự do tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, La Croix hôm nay 18/01/2017, cảm thán với tựa lớn trang nhất « Thế giới lộn phèo ». Le Monde : « Trump chống lại châu Âu », còn Les Echos đặt câu hỏi : « Tại sao Anh lại chọn phương án Brexit cứng rắn ? ». Về chủ đề này, Libération có hồ sơ « Châu Âu : Vượt lên hay rơi vào hỗn loạn ».

Brexit, một vết thương trong lòng châu Âu.
Brexit, một vết thương trong lòng châu Âu. Ảnh : Wikimedia
Quảng cáo

Bài phân tích của tờ Libération « Liên Hiệp Châu Âu giữa các gọng kìm » nhấn mạnh tình thế tứ bề thọ địch của khối, « giữa một chính quyền Nga hung hãn, một chủ nhân tương lai của Nhà Trắng chỉ muốn Liên Hiệp tan rã và nước Anh thì chọn cách ra đi cứng rắn, người châu Âu đang đứng trước một thách thức lịch sử ». Đây là một thử thách chưa từng có kể từ 70 năm sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.

Theo Libération, Liên Hiệp Châu Âu vốn dựa trên nguyên tắc giải quyết hòa bình các xung đột, quen sống trong một thế giới không có kẻ thù, đang ở trong một tình trạng rất dễ tổn thương. Bạn hữu lâu năm như Anh, Mỹ, có thể trở thành đối thủ thương mại, trong lúc người Nga sẵn sàng hành động chống lại Liên Hiệp.

Nhìn về nội lực của châu Âu, tình hình cũng không mấy khả quan. Một bộ phận chính giới châu Âu cho rằng khả năng kháng cự của châu Âu trước hết là dựa trên nền tảng của cặp Pháp - Đức. Thế nhưng bản thân hai nước Pháp và Đức đang đứng trước một năm bầu cử quan trọng, với viễn cảnh nhiều thay đổi lớn, trong khi đó hai cường quốc khác của Liên Hiệp, là Ý và Tây Ban Nha, đang lâm vào tình trạng bất ổn chính trị kéo dài…. Về phần các định chế của Liên Hiệp Châu Âu, như Nghị Viện và Ủy Ban Châu Âu thì đều không có khả năng đáp ứng các thách thức, điển hình nhất là « sự im lặng thê thảm » của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, kể từ khi cử tri Anh quyết định Brexit và ông Trump trúng cử tổng thống Mỹ.

« Sống còn » là hàng tựa của bài xã luận báo Libération. Theo Libération, đây là lúc Liên Hiệp Châu Âu phải lựa chọn giữa hai tương lai : hoặc khuất phục, hoặc vượt lên mình, « tái khẳng định một cách mạnh mẽ dự án lịch sử của châu Âu », « đó là xây dựng một thế giới mà ở đó hợp tác thay vì đối đầu, cạnh tranh kinh tế được kiểm soát thay cho chiến tranh thương mại, các giá trị phổ quát thay vì thái độ ích kỷ dân tộc chủ nghĩa ». Tờ báo nhấn mạnh là dự án nói trên – cũng là một dự án tái xây dựng Liên Hiệp Châu Âu – « cần phải được khởi sự một cách nhanh chóng, với sự đóng góp sáng suốt của cộng đồng, nếu không châu Âu sẽ bỏ lỡ cơ hội lịch sử này ».

Trump ngây thơ về chính trị ?

Trong lúc công luận bị chấn động bởi phát biểu bài châu Âu của tổng thống tân cử Mỹ, và tuyên bố của thủ tướng Anh, nhiều nhà phân tích tỏ ra thận trọng. Bài « Sự thù ghét châu Âu của Trump sắp đối mặt với thực tiễn » của Libération dẫn lời cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Bỉ, ông Tom Korologos, lưu ý những tuyên bố ồn ã của ông Trump không hẳn sẽ biến thành « các thay đổi chính trị thực sự ».

Cựu đại sứ Mỹ nhắc lại một cách hỏm hỉnh rằng : chỉ cần ông Trump nhớ là châu Âu nhập khẩu gần 500 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ, và tạo gần 3 triệu công ăn việc làm tại Hoa Kỳ là đủ. Một số người khác cho rằng, cho đến nay tổng thống tân cử Mỹ vẫn được coi là một người không có đủ thông tin, khi đưa ra các quyết định có tầm chiến lược.

Việc ngoại trưởng tương lai Tillerson phát biểu về sách lược mới với Nga và Trung Quốc, mà không qua trao đổi trước với tổng thống tân cử, là một ví dụ được đưa ra để chứng minh cho nhận định này. Bà Jacqueline Grapin, chủ tịch viện tư vấn European tại Washington, cũng cho rằng tổng thống tân cử Mỹ là người ngây thơ về chính trị quốc tế, và để khắc phục điểm yếu này, ngay vào tuần tới, sau khi chính thức nhậm chức, « các cố vấn của ông Trump sẽ bắt tay vào việc giải thích cặn kẽ cho ông ấy ». Vẫn theo Libération, nhận xét này không hẳn đã trấn an được người châu Âu hiện nay.

Anh – Mỹ siết chặt liên minh : Giấc mơ và thực tế kinh tế

Về sự ủng hộ của ông Trump đối với Anh Quốc, báo Le Monde có bài : « Sẽ rất phức tạp để thực hiện thỏa thuận mà tổng thống tân cử Mỹ hứa hẹn với Luân Đôn ». Le Monde dẫn lời ủy viên kinh tế châu Âu Pierre Moscovici, theo đó Anh sẽ không được quyền ký kết thỏa thuận thương mại với bất cứ quốc gia nào, một khi vẫn còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, tức là khi chưa hoàn tất thủ tục ly dị. Mà thủ tục này, về nguyên tắc sẽ không thể xong trước tháng 3/2019, tức là hai năm sau khi Luân Đôn khởi động điều 50, cho phép chính thức khởi sự đàm phán với châu Âu.

Những lợi ích mà Hoa Kỳ của ông Trump có thể mang lại cho Anh cũng cần phải được cân nhắc kỹ. Trên thực tế, Le Monde nhấn mạnh là quan hệ kinh tế của Anh với châu Âu quan trọng hơn rất nhiều so với Hoa Kỳ. Liên Hiệp Châu Âu tiêu thụ 44% tổng xuất khẩu của Anh, trong khi đó thị trường Mỹ chỉ là 16%. Bên cạnh đó, Anh vốn đang là quốc gia bị nhập siêu nặng từ Mỹ, với 44 tỉ euro năm 2015.

Di sản Obama, một số điều để nhớ

Về chính trị Mỹ, bên cạnh nỗi lo về chính sách cực đoan và bất thường của tổng thống tân cử Donald Trump, Le Monde cũng chú ý đến di sản của tổng thống mãn nhiệm Barack Obama. Bài « Sáu công thức của một chính sách đối ngoại » giúp độc giả nắm được một số nét lớn trong chiến lược đối ngoại của tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ trong 8 năm cầm quyền. Đặc biệt nổi bật là chính sách « xoay trục (sang châu Á – Thái Bình Dương) » (hay tái cân bằng), chính sách « reset » (tái khởi động quan hệ với Nga)… Le Monde cũng không quên chính sách « đường ranh đỏ » của Obama trong trường hợp Syria. Cam kết can thiệp quân sự, nếu Damas dùng vũ khí hóa học, hay sinh học, hồi 2012, rốt cuộc đã không được tổng thống Mỹ thực hiện, cho dù có các bằng chứng.

Le Monde cũng bài phân tích kỹ lưỡng về thỏa thuận hạt nhân với Iran, được coi như một trong « những thành công xuất sắc » của nền ngoại giao Obama. Đây là bài thứ hai trong loạt năm bài của Le Monde « Những năm tháng Obama ».

Davos thiếu lãnh đạo, Bắc Kinh chiếm diễn đàn

Về thời sự quốc tế, sự hiện diện của chủ tịch Trung Quốc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Thụy Sĩ là một tâm điểm. Les Echos có bài « Chủ tịch Trung Quốc bảo vệ tiến trình toàn cầu hóa tại Davos ». Tờ báo kinh tế nhận xét, nhân lúc các lãnh đạo Hoa Kỳ và châu Âu vắng mặt tại Diễn đàn quan trọng này, chủ tịch Trung Quốc tự khẳng định như là người cổ vũ cho tự do thương mại vào toàn cầu hóa. Bảo vệ tự do thương mại vốn không phải là vai trò quen thuộc của chế độ cộng sản Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Theo một chuyên gia kinh tế Singapore, thì cách nay 10 năm, không thể tưởng tượng được lãnh đạo quốc gia cộng sản thay thế với trò của các cường quốc dân chủ phương Tây, không thể tưởng tượng được tổng thống Mỹ nói rằng Hoa Kỳ trên hết, còn lãnh đạo Trung Quốc thì lại kêu gọi toàn thế giới « hãy làm việc cùng nhau ». Vẫn chuyên gia trên nhận xét, trong phát biểu của ông Tập Cận Bình chỉ thiếu hai từ « tự do » và « dân chủ ».

Về chủ đề này, báo Le Figaro có bài « Khách mời danh dự của Davos, Tập Cận Bình tự coi là người bảo vệ toàn cầu hóa », cũng nhấn mạnh đến tình trạng thiếu vắng lãnh đạo tầm cỡ thế giới trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, và ông Tập Cận Bình đã tranh thủ được tình trạng này. Tuy nhiên, một cựu kinh tế gia trưởng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, giáo sư Kenneth Rogoff đại học Havard, lưu ý cho dù là một đầu máy tăng trưởng của kinh tế thế giới (chiếm khoảng 30%), « Trung Quốc cũng là một trong những khu vực bất trắc nhất của nền kinh tế toàn cầu. Lý do Trung Quốc không đứng đầu là vì có Hoa Kỳ hiện cũng đang trở thành một nơi đầy bất trắc ». Một thành viên duy nhất của ê-kíp tổng thống tân cử Mỹ có mặt tại Davos, thì khẳng định là Trump không chống lại toàn cầu hóa, mà chỉ muốn xác lập các quy tắc mới công bằng hơn cho cạnh tranh thế giới, và « ông ấy sẽ trở thành một nhà toàn cầu hóa lớn ».

Vẫn về Trung Quốc, Les Echos liệt kê bốn thách thức lớn đối với chính quyền Bắc Kinh trong năm nay. Thách thức thứ nhất là nợ doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh (dự báo 10%), đe dọa sự ổn định kinh tế, Trung Quốc cũng sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn để giữ giá đồng nhân dân tệ, thách thức thứ ba là cuộc chuyển giao quyền lực tại Đại hội thứ 18 của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thách thức thứ tư mà Les Echos nhấn mạnh là sách lược ngoại giao gây bất ngờ của chính quyền Trump, đặc biệt liên quan đến Đài Loan và Biển Đông, khiến Bắc Kinh bất an. Về chủ đề này, báo chí chính thức Trung Quốc đã dùng đến lời đe dọa chiến tranh để tỏ thái độ.

Miến Điện : Dân Hồi Giáo thất vọng về giải Nobel Hòa Bình

Về thời sự châu Á, La Croix chú ý đến nỗi thất vọng của dân chúng Miến Điện đối với chính phủ của nhà dân chủ Aung San Suu Kyi, chín tháng sau khi đảng của bà thắng cử. Người Hồi Giáo, chiếm 5% dân số Miến Điện, không còn tôn trọng giải Nobel Hòa Bình. Nhiều người khẳng định lãnh đạo Liên Đoàn Quốc gia vì Dân Chủ không làm gì để hỗ trợ người dân đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo vô cùng nghiêm trọng tại bang biên giới Arakan, nơi họ là nạn nhân của các truy bức khốc liệt, kể cả do quân đội Miến Điện. Đến 65.000 người Hồi Giáo Rohingya đã phải tìm cách lánh nạn sang nước láng giềng Bangladesh. Rất nhiều người đang phải sống trong các trại tị nạn, thiếu mọi điều kiện tối thiểu.

Mới đây, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi phải hoãn chuyến đi Indonesia, quốc gia đa số theo đạo Hồi, vì bị chỉ trích mạnh mẽ. Một lãnh đạo, theo đạo Hồi, thuộc đảng Vì Phát triển Quốc gia của Miến Điện, tuyên bố bà Aung San Suu Kyi đã thất hứa, và trách bà đã quá thân thiện với giới tướng lĩnh. Theo ông, bà Suu Kyi đã bỏ mặc bang Arakan cho quân đội xử lý, « để đổi lại các cải cách dân chủ ».

Vấn đề là tại Miến Điện, đa số dân cư theo đạo Phật (88%) dân số gần như không quan tâm đến những đau khổ mà cộng đồng Hồi Giáo thiểu số phải gánh chịu.

Cha đẻ "Bính âm" Trung Quốc qua đời

Trong lĩnh vực văn hóa, Le Monde chú ý đến sự ra đi của cha đẻ hệ thống phiên âm tiếng Trung Quốc, ông Chu Hữu Quang (Zhou Youguang). Ông qua đời ở tuổi 112, tại Bắc Kinh.

Kế hoạch xây dựng chữ phiên âm Trung Quốc được khởi sự vào những năm 1950 đã cho phép Trung Quốc có được « một cây cầu » để đến với thế giới bên ngoài, và để thế giới bên ngoài đến với Trung Quốc, theo lời tâm sự của ông Chu.

Hệ thống chữ phiên âm Trung Quốc, tức « Bính Âm » hay Pin-yin, cho phép chính người Trung Quốc và người nước ngoài nắm được dễ dàng hơn tiếng nói của cư dân nền văn minh chữ tượng hình, vốn được coi là hết sức rối rắm.

Hệ chữ phiên âm vốn « bị phản đối quyết liệt » tại Trung Quốc, nhưng rốt cục đã được chính quyền thừa nhận vào năm 1979, trong bối cảnh nhiều quốc gia láng giềng với Trung Quốc đã có được hệ chữ cái phiên âm từ lâu.

Ông Chu Hữu Quang cũng là người chống lại chế độ toàn trị cộng sản cho đến cuối đời. Sau khi ông qua đời, báo chí chính thức nhiệt liệt ca ngợi đóng góp của ông trong việc lập ra chữ "Quốc ngữ" của Trung Quốc, mà lờ đi « các phê phán quyết liệt » của ông nhắm vào chế độ cộng sản.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Hoa Kỳ NPR năm 2011, ông khẳng định : « tại Trung Quốc người ta không còn tin vào đảng Cộng Sản ». Chu Hữu Quang từng hy vọng được sống đến ngày phong trào đòi dân chủ Thiên An Môn 1989, bị đàn áp trong máu, được chính thức thừa nhận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.