Vào nội dung chính
MỸ - NGA

Ngoại trưởng tương lai của Mỹ coi Nga là một nguy cơ

Trong một động thái thể hiện rõ quan điểm khác biệt với tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, ông Rex Tillerson, người được ông Trump đề cử làm ngoại trưởng tương lai của nước Mỹ, vào hôm qua 11/01/2017, đã đánh giá rằng nước Nga là một mối nguy hiểm. Trong cùng một thời điểm thì ông Trump lại tiếp tục khen ngợi tổng thống Nga Putin.

Ông Rex Tillerson (giữa) trong phiên điều trần với Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, ngày 11/01/2017.
Ông Rex Tillerson (giữa) trong phiên điều trần với Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, ngày 11/01/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Mỹ để được phê chuẩn làm ngoại trưởng, ông Tillerson đã nhận định rằng nước Nga ngày nay là một nguy cơ, và giữa Washington với Matxcơva, rất có thể là hai bên sẽ không bao giờ là bạn, do việc « hệ thống giá trị của hai bên rõ ràng là khác nhau ».

Người được đề cử là ngoại trưởng Mỹ còn lên án hai hành động của Liên Bang Nga : « xâm lược Ukraina » bằng cách chiếm giữ vùng bán đảo Crimée và trợ giúp cho chính quyền Bachar al Assad tại Syria. Theo ông, Hoa Kỳ phải có một phản ứng cứng rắn chống lại Nga.

Lập trường được tuyên bố của ông Tillerson đã gây ngạc nhiên không ít vì ông thường được đánh giá là thân Nga, đồng thời là « bạn » của tổng thống Nga Putin.

Lập trường này cũng có phần đi ngược lại quan điểm của chính ông Donald Trump, vẫn tích cực nói tốt cho Nga và cho tổng thống Putin. Quan điểm muốn xích lại gần Nga hơn của ông Donald Trump đã lại được ông thể hiện hôm qua trong buổi họp báo đầu tiên trong tư cách tổng thống Mỹ đắc cử.

Cho dù ông thừa nhận vai trò của tổng thống Nga Putin trong chiến dịch tấn công tin học vào đảng Dân Chủ Mỹ trước đây, ông vẫn cho rằng nếu ông được Putin đánh giá tốt, thì đó sẽ là một con át chủ bài tốt cho nước Mỹ.

Họp báo : Trump cực lực đả kích tình báo Mỹ tung tin thất thiệt

Bên cạnh đó ông Trump còn cực lực đả kích các cơ quan tình báo Mỹ cũng như báo giới là đã tung tin thất thiệt về khả năng Nga đã nắm được những hồ sơ tế nhị về ông.

Tài liệu được một phần báo chí nêu bật là một đoạn video quay lén cho thấy ông Trump với những cô gái mãi dâm Nga nhân chuyến đi Matxcơva của ông vào năm 2013. Nga dĩ nhiên cũng đã lên tiếng phủ nhận họ có những tài liệu này. Sự vụ gợi lên hành vi của KGB trước đây thời chiến tranh lạnh được nhắc đến dưới từ « Kompromat ».

Thông tín viên RFI, Muriel Pomponne, tại Matxcơva, giải thích thêm :

« Kompromat » là từ gọi tắt trong tiếng Nga để chỉ các « tài liệu nhằm gây hại ». Từ xưa đến nay, giới tình báo, gián điệp luôn tập hợp những thông tin bất lợi liên quan đến một nhân vật nào đó để sau đó gây sức ép, bắt bí nạn nhân.

« Kompromat » được đại chúng hóa qua các phim trinh thám, gián điệp. Trong đời sống thực đã từng có những trường hợp nổi tiếng của một vài gián điệp hay nhà ngoại giao bị bắt bí, như vụ tùy viên Hải Quân Anh trong những năm 50, John Vassal, đã bị chụp ảnh với một đối tác cùng phái trong lúc mà hành vi đồng tính bị cấm ở Anh Quốc và ông đã trở nên một trong những gián điệp nổi tiếng nhất của KGB ở nước Anh.

Năm 1964, đến lượt đại sứ Pháp ở Nga, Maurice Dejean : KGB đã quay lén cảnh quan hệ của ông với một nữ diễn viên trẻ người Nga. Hậu quả là ông Dejean đã bị tổng thống de Gaulle gọi ngay về Paris và bị đưa ra khỏi ngành ngoại giao.

Từ sau chiến tranh lạnh thì nạn nhân chính của « Kompromat » lại chính là người Nga. Trong thập niên 1990, phải nói là hiện tượng « Kompromat » nở rộ, khi mà các đại gia kinh tế Nga đấu đá nhau để giành các đại tập đoàn và sử dụng các truyền thông của họ để bôi xấu, tố cáo lẫn nhau.

Mùa xuân 1999, chánh biện lý Iouri Skouratov rơi đài : truyền hình phát đi một đoạn video, mà thực hư chưa bao giờ được kiểm chứng, cho thấy ông với các cô gái điếm, mà một người đã trả tiền.

Gần đây hơn, « Kompromat » được sử dụng nhiều trong giới chính trị, để gài bẫy phe đối lập. Một ví dụ điển hình là vụ việc năm 2010, một cô gái tên « Katia » đã quyến rũ nhiều người chống đối điện Kremlin, lén quay video rồi đưa lên mạng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.