Vào nội dung chính
TRUNG ĐÔNG - CHIẾN SỰ

Syria : Daech phá hủy nhà máy khí đốt lớn nhất nước

Hôm qua 09/01/2017, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo gây chấn động Syria với việc tiêu hủy hoàn toàn nhà máy khí đốt lớn nhất nước này, cung cấp điện dùng cho khoảng một phần ba dân số cả nước. Theo một số nhà quan sát, đây là một trong những cơ cở công nghiệp quan trọng nhất Syria bị phá hủy, kể từ khi nội chiến bùng nổ tháng 3/2011.

Cảnh tượng thành phố Aleppo bị tàn phá vì chiến tranh.
Cảnh tượng thành phố Aleppo bị tàn phá vì chiến tranh. Reuters
Quảng cáo

Thông tín viên Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth,

« Nhà máy khí đốt ở Hayyan, phía đông tỉnh Homs, ở miền trung Syria, từng là một trong các cơ sở hạ tầng cuối cùng còn vận hành tốt, trước khi bị quân thánh chiến chiếm được cách nay một tháng. Địa điểm này sản xuất khoảng 3,7 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày, cho phép bảo đảm được một phần ba nhu cầu về điện trên toàn Syria.

Khu vực Hayyan đã bị tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo chiếm được trong cuộc phản công nhắm vào thành phố cổ Palmyra, chiếm được từ tay quân đội Syria ngày 10/12 năm ngoái.

Theo một nguồn tin từ Beyrouth, nhà máy Hayyan là một trong những công trình tốn kém nhất Syria, với đầu tư khoảng 300 triệu euro. Một đoạn video do quân thánh chiến đưa lên mạng cho thấy, một vụ nổ lớn đã biến nhà máy này thành tro bụi.

Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thực thi chính sách tiêu hủy các cơ sở hạ tầng. Hồi tháng 5/2016, quân thánh chiến cũng đã làm nổ nhà máy khí đốt Chaer, cách không xa Hayyan.

Vốn bị mất nước sạch từ ba tuần nay, khoảng 5 triệu cư dân thủ đô Damas và các vùng phụ cận giờ đây buộc phải dùng điện hết sức hạn chế, giống như các đô thị khác trên cả nước ».

Bachar Al Assad muốn trưng cầu dân ý

Về các chuẩn bị cho đàm phán về Syria giữa Damas và đối lập tại Astana, Kazakhstan, dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, theo AFP, tổng thống Syria Bachar al-Assad tuyên bố « sẵn sàng thảo luận về mọi vấn đề ». Riêng về khả năng tổng thống từ chức, ông Assad cho rằng cần phải xem xét lại Hiến pháp, và điều này sẽ do toàn dân quyết định « qua trưng cầu dân ý ».

Trả lời AFP, đại diện của đối lập, nhà đàm phán Basma Kodmani, cho biết « Phía Nga lần này rất nghiêm túc và kiên quyết. (…) Nga đã sử dụng biện pháp quân sự nhiều nhất trong khả năng của họ (…). Nga không thể giành được một chiến thắng hoàn toàn, vì phải mất nhiều năm mới có thể thực hiện được mục tiêu này ». Nhà đàm phán đối lập Syria hy vọng Matxcơva « giờ đây muốn một giải pháp chính trị, và cuộc họp tại Astan là đáng tin tưởng ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.