Vào nội dung chính
KHỦNG BỐ - THỔ NHĨ KỲ

Daech nhận là thủ phạm vụ khủng bố đầu Năm Mới tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 02/01/2017, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) nhận trách nhiệm về vụ khủng bố đẫm máu tại Istanbul, thủ phủ kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến ít nhất 39 người chết. Cảnh sát đang nỗ lực truy lùng thủ phạm.

Cảnh sát gác bên ngoài hộp đêm Reina, Istanbul, 01/01/2017.
Cảnh sát gác bên ngoài hộp đêm Reina, Istanbul, 01/01/2017. Reuters
Quảng cáo

Theo AFP, trong một thông báo đưa lên mạng facebook, Daech mô tả vụ khủng bố nhắm vào một hộp đêm nổi tiếng, đêm Giao thừa tại Istanbul, là do “một trong những binh sĩ của Vương quốc Hồi Giáo” thực hiện. Cũng trong thông báo này, Daech lên án Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tuy đa số dân cư theo đạo Hồi, nhưng lại liên minh với người Thiên Chúa Giáo.

Đây là lần đầu tiên, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm về một vụ khủng bố tại Istanbul, nhưng theo chính quyền, Daech đã đứng đằng sau nhiều cuộc tấn công nhắm vào các địa điểm du lịch ở Istanbul. Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ tấn công đã xả khoảng 120 đến 180 viên đạn, trong cuộc tấn công kéo dài khoảng 7 phút, trước khi tẩu thoát.

Theo nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet, các nhà điều tra cho rằng thủ phạm có thể có quan hệ với nhóm khủng bố đã tiến hành ba cuộc tấn công đồng thời nhắm vào sân bay Ataturk ở Istanbul hồi tháng 6/2016, khiến 47 người chết.

Istanbul, sau vụ khủng bố, quang cảnh vắng vẻ hơn bình thường. Thông tín viên Alexandre Billette cho biết cụ thể :

« Tại Istanbul, các cửa hàng, tiệm cà phê vắng khách hơn. Cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều tháng nay và có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn sau vụ khủng bố ngày mùng một tháng Giêng. Đây là điều mà Kerim Kesler, người quản lý một quán giải khát nhỏ có tiếng ở trung tâm thành phố, lo ngại. Theo người chủ quán, chắc chắn là có tâm lý lo sợ khủng bố, nên hàng quán vắng vẻ, nhiều người thậm chí còn sợ đi ra phố.

Làn sóng khủng bố vốn đã khiến ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc trong năm 2016. Giờ đây đến lượt có thể chính người dân Thổ Nhĩ Kỳ không còn muốn đến các tụ điểm công cộng. Cô Hatice, một phụ nữ trẻ người Istanbul tâm sự : ‘‘tôi sẽ ít ra đường hơn, bởi vì không khí bây giờ nguy hiểm. Chúng tôi đã từng nghĩ rằng, cần phải đi chơi nhiều hơn, giải trí nhiều hơn, sống nhiều hơn, nhưng bây giờ những gì diễn ra thực sự là nguy hiểm. Khủng bố xảy ra hàng ngày, nỗi sợ ấy át đi cả niềm vui sống’’.

Người bạn gái cùng đi với cô Hatice từ chối trả lời phỏng vấn, nhưng cô cũng thừa nhận rằng : nước Thổ Nhĩ Kỳ của tôi đang chết’’ ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.