Vào nội dung chính
CUBA - CHÍNH TRỊ

Cuba chưa biết chọn ai thay thế Raul Castro

Một tháng sau khi Fidel Castro qua đời, không một gương mặt nào thật sự nổi trội trong hàng ngũ của chủ tịch nước Raul Castro, hiện đã 85 tuổi. Ai sẽ là người thay thế ông vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Theo nhận định của Le Monde (29/12/2016), « Con đường tìm kiếm lãnh đạo mới của Cuba còn đầy bất trắc ».

Chủ tịch Raul Castro. Ảnh chụp ngày 03/12/2016 tại Santiago de Cuba.
Chủ tịch Raul Castro. Ảnh chụp ngày 03/12/2016 tại Santiago de Cuba. REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

 

Tại đất nước « No sé » (Tôi không biết), cụm từ được người dân Cuba sử dụng nhiều nhất thay câu trả lời, Raul Castro sẽ chính thức rời khỏi chức vụ chủ tịch nước vào tháng 02/2018, song tiếp tục giữ chức chủ tịch đảng Cộng Sản Cuba (PCC) cho đến năm 2021.

Vị trí của Raul Castro có thể sẽ được nhường lại cho Miguel Diaz-Canel, 56 tuổi. Tuy nhiên, nhân vật số hai của chế độ lại không nổi tiếng trong dân chúng. Phải chăng đây là lựa chọn chiến lược của chế độ để tránh cho chính trị gia này khỏi mọi chỉ trích ? Hay vì Diaz-Canel thận trọng, không muốn nổi tiếng hơn nhân vật số 1 để tránh chịu chung số phận với những nhân vật được cho là người có thể kế nhiệm, song nhanh chóng bị loại bỏ trong quá khứ. Người dân Cuba vẫn nhớ đến trường hợp của Filipe Pérez Roque và Carlos Lage, hai chính trị gia được cho sẽ thay thế anh em nhà Castro trong thập niên 2000, song bị buộc tội phản bội năm 2009.

Ngoài ra, Miguel Diaz-Canel lại có vài điểm yếu : Ông không xuất thân từ nhà binh, thiếu tính chính đáng vì không tham gia kháng chiến và sẽ phải thuyết phục giới cựu quân nhân, luôn chuộng mầu xanh ô liu của bộ quân phục, trong khi ông là fan của thời đại internet, thích mặc quần bò và áo sơ mi trắng.

Danh sách người kế nhiệm tiềm năng còn kéo dài với hai nhân vật quan trọng trong đội ngũ lão thành cách mạng, vẫn chưa muốn rời khỏi quyền lực, là Ramiro Valdés, vị chỉ huy lịch sử của cuộc cách mạng, hiện 84 tuổi và José Machado Ventura, phó chủ tịch đảng Cộng sản, hiện 86 tuổi. Ngoài ra, còn phải kể đến tướng Alejandro Castro, con trai của Raul, ngoại trưởng đương nhiệm Bruno Rodriguez Parrilla, 58 tuổi và cựu bộ trưởng Kinh Tế và Kế hoạch, ông Marino Murillo, hiện đang phụ trách ủy ban hiện đại hóa nền kinh tế.

Với nhiều gương mặt tiềm năng như vậy, Le Monde cho rằng tương lai chính trị hậu Raul Castro hiện rất bất định. « Không ai biết kế hoạch chính trị của Raul ra sao và liệu ông ấy có kế hoạch gì chưa », theo nhận định của một nhà ngoại giao phương tây nắm rõ tình hình Cuba. Trong khi đó, người dân Cuba vẫn còn sốc vì « Tư lệnh » qua đời. Một mặt, họ không hình dung ra được tương lai đang chờ đón họ, mặt khác, « người dân Cuba vẫn sợ phát biểu », theo đánh giá của Alberto, một chuyên gia kinh tế ở La Habana. Người dân chỉ dám ca ngợi những thành quả của chế độ, như miễn phí giáo dục và chăm sóc y tế.

Hơn nữa, phải nói là xã hội Cuba khá bảo thủ : 400 năm làm thuộc địa của Tây Ban Nha, 20 năm bị Hoa Kỳ can thiệp và chiếm đóng, sau đó là 40 năm khôi phục kinh tế của nhà nước Cuba. Chính vì vậy, người dân không mường tượng được một tương lai nào khác, quá rủi ro và xa lạ với những « mật ngọt » của chế độ mà họ từng sống.

Nếu như thời hậu Raul Castro vẫn bất định thì chế độ Castro thuần túy và cứng nhắc đã chấm dứt từ lâu. Sau hai năm lưỡng lự, 2006-2008, Fidel nhường quyền lực cho em trai vào tháng 02/2008. Thời kỳ hậu Fidel bắt đầu với những giáo điều xã hội chủ nghĩa dần bị chôn vùi một cách kín đáo. Từ 2014-2016, La Habana xích gần với Washington. Giới phân tích cho rằng, từ lâu Fidel là bước cản cho mọi thay đổi trên hòn đảo, nhưng kể từ khi anh trai qua đời, Raul có lẽ sẽ được rảnh tay thực hiện. Trái với những ý kiến tích cực trên, Ileana, một nghệ sĩ ở La Habana, lại cho rằng Raul Castro, « thường bị chế giễu (nấp sau cái bóng của Fidel), lại là một người đáng gờm và cứng rắn hơn cả anh trai ».

Trân Châu Cảng : Obama và Abe ca ngợi hòa giải

Ngày 27/12/2016, tại lễ kỉ niệm 75 năm trận Trân Châu Cảng - Pearl Harbour, tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định hai cựu thù có thể trở thành những đồng minh thân cận nhất.

Đúng như dự đoán, thủ tướng Nhật Bản không xin lỗi Hoa Kỳ, nhưng tỏ ra xúc động và nghiêm trang, theo nhận định của Le Figaro trong bài viết « Tại Trân Châu Cảng, Obama và Abe ca ngợi hòa giải ».

Còn theo Le Monde, ông Shinzo Abe bày tỏ « những lời chia buồn vĩnh cửu » của dân tộc Nhật Bản trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng ngày 07/12/1941. Lễ tưởng niệm trận Trân Châu Cảng đánh dấu kết quả của một quá trình dài nhằm phá vỡ sự im lặng và cảm xúc của cả hai bên đối với những điều khủng khiếp trong Thế Chiến II. Cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng « ngay cả những vết thương chiến tranh sâu sắc nhất cũng để nhường chỗ cho tình hữu nghị và hòa bình bền vững ».

Theo Le Monde và Le Figaro, sự kiện cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật có mặt tại Trân Châu Cảng khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Tokyo và Washington, đặc biệt trong việc hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây cũng chính là thông điệp gửi đến tổng thống tân cử Donald Trump, người luôn đưa ra những lời tuyên bố gây lo ngại đối với Nhật Bản.

Nhà tỉ phú dọa rút hết quân Mỹ đồn trú tại đảo quốc nếu Tokyo không chịu trả nhiều hơn cho quốc phòng, trong khi đó Nhật Bản chi trả đến 75% chi phí. Thủ tướng Shinzo Abe là người ủng hộ hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP, trong khi Donald Trump liên tục chỉ trích và có thể sẽ rút Hoa Kỷ khỏi hiệp định ngay khi nhậm chức. Cuối cùng, ngày 22/12, tỉ phú New York đăng một tweet cho rằng Hoa Kỳ nên « tăng khả năng nguyên tử », một thông điệp khiến Tokyo lo ngại. Theo báo chí Nhật Bản, thủ tướng Shinzo Abe và tổng thống tân cử Donald Trump có thể sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh sau khi tân tổng thống Mỹ nhậm chức vào ngày 20/01/2017.

Hoa Kỳ triển khai chiến xa tại Hà Lan      

Theo nhật báo kinh tế Les Echos, đây là dấu hiệu khẳng định tình đoàn kết với các đồng minh châu Âu và để khẳng định với Nga rằng không nương tay với bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào một trong số thành viên của NATO.

Buổi lễ mở cửa trở lại một kho vũ khí tại Eygelshoven, miền nam Hà Lan, bị đóng cửa từ năm 2006, có sự hiện diện của bộ trưởng Quốc phòng nước này. Kho vũ khí trên sẽ nhận trang thiết bị hạng nặng : nhiều chiến xa, xe bọc thép và thiết bị đại pháo sẽ được chuyển đến trong những tuần tới. Tại Đức, Hoa Kỳ cũng sẽ mở lại một số kho vũ khí khác trong năm 2017. Theo đánh giá của một quan chức Mỹ, « Đây là một tín hiệu rõ ràng, công khai và minh bạch nhằm ngăn ngừa mọi hiểu lầm với Matxcơva ». Vẫn theo quan chức này, « việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée và ủng hộ cuộc chiến ở miền đông Ukraina buộc (Hoa Kỳ) hành động ».

Trong khi đó, quan hệ ngoại giao giữa Nga và Hà Lan trở nên xấu đi kể từ khi chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị nổ tung trên không phận Ukraina vào tháng 07/2014 khiến 200 người Hà Lan thiệt mạng. Bất chấp kết quả của một cuộc điều tra quốc tế cho rằng Nga có dính líu vào tai nạn trên, Matxcơva luôn chối bỏ trách nhiệm.

Tỉ phú thế giới giầu thêm vào năm 2016

Tài sản của các tỉ phú trên khắp thế giới đã tăng thêm 237 tỉ đô la trong năm 2016. Theo tổng kết của nhật báo kinh tế Les Echos, các tỉ phú Mỹ đã tận dụng được mọi kỉ lục của phố Wall, trong khi các tỉ phú khác thì được hưởng lợi từ việc giá dầu và kim loại tăng trở lại.

Vẫn theo Les Echos, Bill Gates vẫn đứng đầu danh sách 10 tỉ phú giầu nhất thế giới năm 2016 với tài sản lên đến 91,5 tỉ đô la, tăng 9,8% so với năm 2015. Tiếp theo là Warren Buffett (74,1 tỉ đô la), Amancio Ortega (71,2 tỉ), Jeff Bezos (67,2 tỉ), Mark Zuckerberg (51,2 tỉ)…

Les Echos cũng tổng kết 6 nhân vật sáng giá nhất của năm 2016, đứng đầu là nhà sáng lập mạng Facebook Mark Zuckeberg, tiếp theo là Dương Tuệ Diễm (Yang Huiyan), người phụ nữ giầu thứ hai Trung Quốc với tổng tài sản lên đến 7 tỉ đô la Mỹ.

Pháp chuẩn bị cho các cuộc bầu cử 2017

Trang nhất các nhật báo tập trung chủ yếu thời sự Pháp. Năm 2016 là năm thành công của các công ty khởi nghiệp Pháp (start-up) là tiêu đề chính trên trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos.

Còn bầu cử tổng thống Pháp là chủ đề được Le Monde, La Croix và Le Figaro chú ý. Le Monde miêu tả chân dung của « Jean-Luc Mélenchon, ngôi sao mới trên trang YouTube ». Chiến dịch tranh cửa của ứng viên của đảng Nước Pháp bất khuất trên mạng inernet gặt được thành công với khoảng 140.000 người theo dõi.

« Năm 2017 khiến đảng Xã Hội lo sợ » là hàng tựa lớn trên trang nhất của Le Figaro. Theo các cuộc thăm dò, đảng Xã Hội hiện đang có tỉ lệ ủng hộ thấp nhất trong khi các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp đang đến gần. Đảng cầm quyền cũng đang phải đối mặt với lo ngại bị tan rã và bị kẹt giữa ứng viên cực tả Jean-Luc Mélenchon và cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron.

Libération thì phản ánh nhiều công dân Pháp chưa có thẻ cử tri đang đổ xô đi đăng kí vào những ngày cuối năm để có thể đi bỏ phiếu vào năm 2017. Hiện tượng này khiến tờ báo nhận định : « Phải xem lại ý kiến cho rằng cử tri thờ ơ với chính trị ». Tuy nhiên, trái với đánh giá của nhật báo thiên tả, báo công giáo La Croix lại lo « Khủng hoảng phiếu bầu », vì vẫn còn nhiều triệu công dân Pháp chưa ghi danh cử tri.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.