Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Thổ Nhĩ Kỳ xử cảnh sát từ chối bảo vệ tổng thống trong vụ đảo chính hụt

Hôm nay 27/12/2016, tại Thổ Nhĩ Kỳ khai mạc phiên tòa đầu tiên tại Istanbul liên quan đến vụ đảo chính hụt ngày 15/07. Khoảng 30 cảnh sát bị truy tố vì đã không bảo vệ tổng thống Erdogan.

Quân đội được triển khai bảo vệ phiên tòa xét xử các cảnh sát dính líu vào vụ đảo chính hụt, ngày 27/12/2016 tại Istambul.
Quân đội được triển khai bảo vệ phiên tòa xét xử các cảnh sát dính líu vào vụ đảo chính hụt, ngày 27/12/2016 tại Istambul. REUTERS/Osman Orsal
Quảng cáo

Theo AFP, chính xác là 29 viên cảnh sát bị xét xử vì đã từ chối tuân theo mệnh lệnh bảo vệ tổng thống trong đêm diễn ra vụ đảo chính. 21 bị cáo có thể bị phạt tù tới chung thân, còn tám người khác đến 5 năm tù. Ngoài việc không tuân lệnh bảo vệ tổng thống, một số bị cáo còn bị cáo buộc đã tung lên các mạng xã hội nhiều thông tin nhằm làm nản lòng dân chúng chống đảo chính.

Trước phiên tòa này, một số vụ xử nhỏ đã bắt đầu diễn ra tại các địa phương. Sau phiên tòa Istanbul, sẽ có một phiên tòa xét xử 47 người bị cáo buộc mưu sát ông Erdogan. Phiên tòa đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra trong bốn ngày.

Sau vụ đảo chính hụt, chính quyền Erdogan tiến hành chiến dịch đàn áp chưa từng có, khoảng 41.000 người bị bắt trong hàng loạt vụ thanh trừng. Chính quyền Thổ cáo buộc giáo sĩ Gullen, người đang sống tại Hoa Kỳ, đứng sau vụ đảo chính.

Phương Tây lo ngại đàn áp quy mô lớn hậu đảo chính. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu, xấu đi rất nhiều. Giới bảo vệ nhân quyền tố cáo chính quyền Ankara, nhân các cuộc thanh trừng nhắm vào những người bị tình nghi đảo chính, đã tấn công các phương tiện truyền thông và những người ủng hộ cộng đồng Kurdistan.

Phiên toà diễn ra tại nơi xử vụ Ergenekon

Vụ xử hôm nay diễn ra tại phòng xử án Silivri, cách trung tâm Istanbul khoảng 50 km. Tòa nhà được xây dựng để làm nơi tổ chức xử vụ án nổi tiếng « Ergenekon » (tên một thung lũng huyền thoại, được coi là nơi phát tích của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ), tên của một mạng lưới bị cáo buộc âm mưu đảo chính năm 2013.

Khoảng 275 người – gồm các nhà báo, sĩ quan, luật sư, nhà giáo – đã bị kết án tù, vì tội âm mưu chống lại ông Erdogan, lúc đó là thủ tướng. Tuy nhiên, sau đó, phần lớn đã được trắng án.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.