Vào nội dung chính
NGA - PHƯƠNG TÂY

Nga tăng cường vũ khí hạt nhân chiến lược

Hôm nay, 22/12/2016, tổng thống Nga vừa đưa ra một quyết định gây lo ngại lớn, trong bối cảnh quốc tế đang hồi căng thẳng. Đó là kế hoạch trong năm 2017 tăng cường lực lượng tấn công hạt nhân của Matxcơva, có khả năng chọc thủng bất cứ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Tổng thống Nga Putin (giữa) họp với các lãnh đạo bộ Quốc Phòng, Matxcơva, 22/12/2016.
Tổng thống Nga Putin (giữa) họp với các lãnh đạo bộ Quốc Phòng, Matxcơva, 22/12/2016. Ảnh : Sputnik/Kremlin/Alexei Nikolskyi via REUTERS
Quảng cáo

Theo truyền thông Nga, trong cuộc họp với các chỉ huy quân đội, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố « cần phải tăng cường tiềm năng hạt nhân quân sự chiến lược, trước hết là các hệ thống tên lửa có thể phá tan mọi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện tại hoặc tương lai ». Ông Putin cũng nhấn mạnh : « Trong hiện tại, chúng ta mạnh hơn bất cứ kẻ xâm lược tiềm tàng nào. Bất cứ kẻ nào…. Nhưng chúng ta không được phép xả hơi, bởi tình hình hiện nay có thể thay đổi rất nhanh ».

Phát biểu của tổng thống Nga được đưa ra hôm nay, trong bối cảnh quân đội Nga ở thế thượng phong trên chiến trường Syria, nhất lại với chiến thắng tại Aleppo, sau một năm can thiệp quân sự, và quan hệ với phương Tây nhìn chung đang có chiều hướng xấu hơn.

Lý do mà điện Kremlin đưa ra là kế hoạch của Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa dự định, tại Rumani và Ba Lan, có thể phá vỡ thế cân bằng chiến lược hiện nay giữa phương Tây và Matxcơva. Theo chính quyền Mỹ, hệ thống lá chắn này là để bảo vệ châu Âu trước các đe dọa hạt nhân từ Iran.

Thực ra chủ trương tăng cường sức mạnh hạt nhân của tổng thống Nga không phải là mới. Tháng 6/2015, ông Putin từng ra lệnh triển khai thêm hơn 40 hỏa tiễn xuyên lục địa, mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng phá vỡ « mọi hệ thống phòng không tối tân nhất », nhằm trả đũa kế hoạch phòng thủ của Mỹ tại đông Âu. Theo tổng thống Nga, việc hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân chiến lược, bao gồm oanh tạc cơ chiến lược, hỏa tiễn xuyên lục địa và tàu ngầm hạt nhân, đã thực hiện « được 60% ».

Học thuyết quốc phòng mới nhất của Nga, được ban bố tháng 12/2014, không hề nói đến khả năng « tấn công phủ đầu » bằng hạt nhân, bởi về nguyên tắc, Matxcơva chỉ sử dụng hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược trong trường hợp Nga hoặc các đồng minh bị đe dọa.

Hồi cuối tháng 6 năm nay, ông Putin cáo buộc phương Tây đang kéo nước Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang « quyết liệt », và bẻ gẫy « thế cân bằng quân sự » tại châu Âu, được duy trì kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Với hơn 60 tỉ đô la, chi phí quân sự của Nga chiếm tới 21% tổng sản phẩm quốc nội, nhưng vẫn ít hơn nhiều so với Hoa Kỳ (khoảng 600 tỉ đô la).

Sau chiến thắng của ông Trump – người có quan điểm thân Matxcơva – trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11, tổng thống Nga Putin bày tỏ hy vọng có « một cuộc đối thoại xây dựng » và « hợp tác » với Washington, « nhằm đưa quan hệ Nga – Mỹ thoát khỏi tình trạng khủng hoảng ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.