Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Đài Loan, đòn bẩy của Donald Trump trong quan hệ Mỹ-Trung-Đài

Đăng ngày:

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hứa hẹn nhiều biến động với Donald Trump. Chủ nhân mới của Nhà Trắng chưa tuyên thệ nhậm chức mà mây đen đã xuất hiện ở chân trời. Sau khi lên án Trung Quốc cạnh tranh bất chính, xây dựng pháo đài ở biển Đông, tổng thống tân cử Mỹ tiến thêm một bước đụng vào nguyên tắc « cấm kỵ »: Thay đổi trật tự trong quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Đài.

Cuộc điện thoại của tổng thống Đài Loan với Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã làm xáo động quan hệ Mỹ - Trung
Cuộc điện thoại của tổng thống Đài Loan với Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã làm xáo động quan hệ Mỹ - Trung Ảnh do văn phòng tổng thống Đài Loan cung cấp cho Reuters.
Quảng cáo

Donald Trump có dụng ý gì khi liên tục khiêu khích Bắc Kinh ? Về phần Trung Quốc, tuy báo chí nhà nước phản ứng mạnh, chính quyền Tập Cận bình vẫn giữ thái độ kiên nhẫn. Đâu là những lý do sâu xa, hai chuyên gia Pháp Valérie Niquet và Jean Luc Domenach phân tích căn nguyên nguồn cội.

Từ khi đắc cử tổng thống (ngày 08/11/2016) cho dù được Trung Quốc dành cho những chào mừng thân thiện nhất, nhà tỷ phú Donald Trump đã liên tục có những tuyên bố và động thái như là chiến tranh cân não. Chỉ trong vòng mười ngày, tổng thống thứ 45 tương lai liên tục đặt Bắc Kinh vào thế khó xử : Ông điện đàm với tổng thống Đài Loan nhưng bổ nhiệm Terry Branstad một nhân vật được Trung Quốc xem là bạn, làm đại sứ tại Bắc Kinh. Cựu ngoại trưởng Henri Kissinger, người mà 40 năm trước đây, cùng với tổng thống Nixon, tái lập quan hệ với Bắc Kinh được cử sang Trung Quốc trấn an nhưng cùng ngày một chuyên gia an ninh thân Đài Loan, Stephen Yates bay sang Đài Bắc. Chủ nhật 11/12, ông dọa ném nguyên tắc « một nước Trung Hoa » vào quên lãng. Những động thái trên đây mang ý nghĩa gì ?

Chuyên gia Valérie Niquet :
Chuyện này rất thú vị. Chúng ta đã quen với ý nghĩ mỗi lần Hoa Kỳ thay đổi tổng thống thì tổng thống mới bị Trung Quốc trắc nghiệm. Người ta đang chờ xem Bắc Kinh nắn gân khả năng ứng phó của Mỹ như thế nào thì bất ngờ, tình thế lại đảo ngược : ông Donald Trump ra tay trước. Chúng ta chưa rõ chính Donald Trump hay các cố vấn của ông chủ trương thắt chặt quan hệ với Đài Loan. Ý nghĩ Hoa Kỳ tung một cú đá vào tổ kiến lửa, tức là vào mối quan hệ Hoa lục-Đài Loan, rất đáng quan tâm theo dõi vì Pháp cũng ở trong tình thế tương tự. Chờ xem diễn tiến tình hình trong tương lai.

Về phần Trung Quốc, tôi ghi nhận sự kiện, cho dù trên mạng internet và báo chí nhà nước mạnh mẽ công kích Donald Trump nhưng chính phủ Trung Quốc phản ứng rất thận trọng. Nếu Tây phương đổi mới hoàn toàn trong chính sách với Đài Loan, không cần tái lập bang giao, chỉ cần thắt chặt quan hệ thôi, đừng quên Đài Loan là một chế độ dân chủ, thì trong trường hợp này, liệu Bắc Kinh sẽ làm gì để ngăn chận ? Tình thế này rất thú vị.

Hầu hết chuyên gia quốc tế nhìn quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc qua lăng kính chiến lược tranh giành ảnh hưởng địa chính trị, cạnh tranh thương mại, nhu cầu nội tình chính trị của mỗi nước và ý thức hệ. Theo một chuyên gia Trung Quốc thuộc đại học Thượng Hải (Wu Xin Bo) thì Trung Quốc không nên manh động mà hãy chờ sau khi Donald Trump nhậm chức để xem chính sách mới của Mỹ ra sao.

Trái lại, chuyên gia Pháp Jean Luc Domenach lưu ý yếu tố con người và quyền lợi cá nhân. Chính ở điểm này mà Donald Trump tung đòn « nắn gân » Tập Cận Bình vì ngoài vấn đề Đài Loan, tổng thống tân cử còn chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề thương mại, tố cáo Trung Quốc thao túng hối đoái để cạnh tranh bất chính. Nhà tỷ phú Mỹ biết rõ điểm mạnh nhưng cũng là yếu huyệt của gia đình họ Tập và những « đại gia đỏ ».

Chuyên gia Jean Luc Domenach Tôi hoàn toàn đồng ý với bà Valérie Niquet, tôi chỉ xin nói rõ hơn dựa theo những nghiên cứu gần đây để giải thích vì sao Bắc Kinh cho đến bây giờ vẫn giữ thái độ thận trọng. Nhiều nhà phân tích về Trung Quốc thường chú ý đến chính sách đối ngoại. Thật ra thì còn nhiều nguyên nhân sâu xa khác. Đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh, điều quan trọng nhất là tiền bạc. Cho nên những định chế như quân đội, ngoại giao của Trung Quốc lo ngại viễn cảnh không được làm ăn tự do thoải mái, hay sợ biến chuyển mới là Mỹ thay đổi lập trường quay ra bảo vệ đảo Đài Loan.

Mặt khác, điều nghiêm trọng đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh là rủi như Mỹ không cho Trung Quốc tiếp cận kho báu kiến thức, trao đổi khoa học kỹ thuật với Mỹ những thứ mà Trung Quốc tìm kiếm đem về nước. Tôi không quên một chuyện đã xảy ra ở Pháp, khi các « thực tập viên » Trung Quốc đánh cắp tài liệu nguyên tử của một viện nghiên cứu Pháp. Không hiểu những người « bạn » của Trung Quốc đó có biết cảnh giác hay chưa.

Do vậy, nghe qua thì thấy nghịch lý nhưng thực tế rất nhiều người Trung Quốc mong chờ Hoa Kỳ cho họ đặc quyền về tài chính,khoa học và công nghệ. Một thí dụ cụ thể là trong gia đình Tập Cận Bình, nhân vật thông minh nhất là bà chị của ông ấy. Bà này (Tập Kiều Kiều) là nhà kinh tài của gia đình họ Tập. Đối với bà chị này, nếu không được tự do làm ăn với Mỹ thì thật là chuyện đáng lo.

Trong quan hệ Mỹ- Trung, liệu với doanh nhân Donald Trump ở Nhà Trắng, Đài Loan có thể sẽ được sử dụng như đòn bấy để bắt chẹt Trung Quốc đánh đổi những nhượng bộ trong lãnh vực khác ?

Valérie Niquet : Vị thế Đài Loan rất quan trọng. Khi công nhận Bắc Kinh, Hoa Kỳ đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Các nước khác cũng thế, khi bang giao với Trung Quốc đều phải ngưng công nhận Đài Bắc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ bù đắp thiệt hại này bằng đạo luật lúc nào cũng phải giúp cho Đài Loan phương tiện quân sự đủ mạnh để đối phó với tiềm năng tấn công của Hoa lục. Do vậy, trong một thông điệp trên Twitter, ông Donal Trump ghi rõ : "Chúng ta đã bán cho Đài Loan hàng tỷ đôla vũ khí thì vì lý do gì tôi không có quyền điện đàm với vị tổng thống được bầu một cách dân chủ của Trung Hoa Dân Quốc" .

Trên thực tế, quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Đài rất đặc biệt. Bắc Kinh chấp nhận thực tế đó cho dù thường xuyên lên tiếng phản đối. Điều mới mẻ là chính Hoa Kỳ dường như muốn xét lại mối quan hệ tay ba này. Chưa biết tình hình có đảo ngược hay không nhưng hiện tại là như thế. Do vậy, có thể xem Đài Loan là chiếc đòn bẩy. Có một lúc, người ta bàn tán không biết Bắc Triều Tiên hay Đài Loan là đòn bẩy trong quan hệ Mỹ-Trung.

Điều lý thú là một chuyên gia Trung Quốc thuộc phe nhà nước đã bày tỏ thái độ bất bình trên mạng và kêu gọi cắt đứt bang giao với Mỹ. Trong bối cảnh hồ sơ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên không có dấu hiệu tiến triển rõ nét, chiếc đòn bấy Đài Loan sẽ rất hữu ích cho Washington gây áp lực với Bắc Kinh bên cạnh những chiếc đòn bẩy khác như kinh tế, thương mại. Cho dù quyền lợi kinh tế hai nước ở trong thế cần có nhau nhưng Trung Quốc lệ thuộc vào Mỹ nhiều hơn, nhất là tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại và rất cần thị trường của Mỹ để xuất khẩu.

Với Donald Trump một nhân vật tính khí khó lường, chung quanh là những bộ trưởng gồm tướng lĩnh, doanh nhân thành đạt. Liệu sẽ có thay đổi gì trong quan hệ với Đài Loan so với 40 năm qua? Vì sao tổng thống tân cử Mỹ khiêu khích Bắc Kinh ?

Jean Luc Domenach : Không nên khắc khe với ông Donald Trump. Tôi không dám xác quyết lập trường của ông ấy như thế nào nhưng ông Donald Trump có phản xạ của một doanh nhân : Chúng ta có nhiều lá bài trong tay, tại sao không sử dụng. Tung nó ra rồi hồi sau phân giải. Donald Trump lập luận một cách thông minh : Mình bán vũ khí cho Đài Loan thì tại sao không đối thoại với bạn hàng Đài Loan của mình. Sao đó tính sau. Trong thương trường, thái độ này không bao giờ bị lỗ lã.

Bên cạnh ông Donald Trump còn có các cố vấn điều chỉnh lại. Tôi rất thích thú khi thấy người Mỹ tận dụng khả năng mà trước đây họ không làm. Do vậy, tầm quan trọng của bài học sẽ còn tăng lên so với trước đây. Không phải chỉ có Nhật, Hàn rút kinh nghiệm mà Đài Loan sẽ nương theo đó trở lại sân khấu viễn đông.

Đối với Bắc Kinh, Đài Loan chỉ là một tỉnh nổi loạn. Nguyên tắc « một nước Trung Hoa duy nhất » mà Bắc Kinh gọi là « thiêng liêng » và buộc các nước muốn quan hệ với Trung Quốc phải tôn trọng. Hư thực ra sao ?

Valérie Niquet : Về khái niệm một nước Trung Hoa. Trước hết, đúng là Hoa Kỳ đã công nhận chỉ có một nước Trung Hoa duy nhất. Tuy nhiên, điểm mơ hồ là không nói nước Trung Hoa nào. Thêm vào đó, trong bản tuyên bố ngoại giao Washington viết như thế này : Hoa kỳ thông hiểu lập trường của mỗi bên.

Đối với Bắc Kinh, nước Trung Hoa duy nhất là Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Còn đối với Đài Bắc, Trung Hoa duy nhất là Trung Hoa Dân Quốc. Do vậy, khái niệm nước Trung Hoa duy nhất là một loại mê hồn trận.
Cho nên, cho dù công nhận chỉ một nước Trung Hoa, nước Trung Hoa đó không hẳn là do Bắc Kinh đại diện và như Bắc Kinh mong muốn.

Trong nhóm cố vấn của Donald Trump, nhiều người đã tính đến dự án hiệp ước thương mại song phương Mỹ- Đài Loan. Phải nhớ rằng Đài Loan là bạn hàng thương mại đứng hàng thứ bảy của Mỹ. Trọng lượng của Đài Bắc lớn lắm chứ không phải nhỏ.

(Theo chương trình Geopolitique của RFI ngày 11/12/2016. Valérie Niquet thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược  Pháp và giáo sư Jean Luc Domenach, Viện Ngôn ngữ Văn minh Đông phương Pháp INALCO)

 

 

 

 

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.