Vào nội dung chính
SYRIA - NGA

Syria - Aleppo : Vladimir Putin và Bachar al-Assad thắng lớn

Hồ sơ chính của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay là sự kiện Aleppo, thành trì của quân nổi dậy Syria từ năm 2012 coi như đã thất thủ rơi vào tay quân chính phủ. Vụ việc được hầu hết các báo ghi nhận như là sự bất lực của phương Tây và cộng đồng quốc tế trên tất cả các mặt trận, chính trị, quân sự, ngoại giao và cả nhân đạo.

Lực lượng trung thành với tổng thống Syria Bachar al-Assad trước cảnh tan hoang tại một khu phố do chính phủ kiểm soát ở Aleppo, Syria 13/12/2016.
Lực lượng trung thành với tổng thống Syria Bachar al-Assad trước cảnh tan hoang tại một khu phố do chính phủ kiểm soát ở Aleppo, Syria 13/12/2016. REUTERS/Omar Sanadiki
Quảng cáo

Như vậy là sau một tháng liên tục hứng chịu làn mưa bom bão đạn của quân chính phủ Bachar al-Assad dưới sự yểm trợ từ các lực lượng đồng minh của Damas, đặc biệt là của không quân Nga, phần lãnh địa nhỏ bé còn lại của lực lượng nổi dậy ở Aleppo đang rơi vào tay của quân Bachar al-Assad.

Bắt đầu với nhật báo Libération. Trang nhất tờ báo để trắng gợi cảm giác như một tấm bia mộ với duy nhất hàng tựa : « Nơi đây mồ chôn Aleppo », bên các trang trong tờ báo minh họa nhiều tấm ảnh lớn ghi lại cảnh thành phố, từng một thời là thủ phủ kinh tế sầm uất của Syria nay chỉ là một đống đổ nát mênh mông.

Xã luận của Libération lấy tiêu đề « Nỗi ô nhục». Theo tờ báo, ô nhục ở chỗ cộng đồng quốc tế đã bất lực chứng kiến trực tiếp, nỗi thống khổ của thường dân Aleppo, bị kẹt giữa cơn mưa bom đạn băm nát thành phố, một bên là quân đội al-Assad cùng các đồng minh của họ và một bên là của quân nổi dậy.

Trong khi đó trang nhất của Le Figaro chạy tựa : « Putin và Assad chiến thắng trên đống đổ nát Aleppo ». Le Monde cũng có chung nhận định trên với bài viết « Putin, người thắng trận lớn ». Tờ báo nhấn mạnh « sự né tránh của người Mỹ và các nước châu Âu đã giúp Nga làm chủ cuộc chơi » ở Syria.

Le Monde khẳng định, « việc chế độ Damas chiếm lại thủ phủ kinh tế này là bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột Syria và cũng là một thất bại của các nước phương Tây. Hậu quả của nó có thể sẽ rất nặng nề, trước tiên là cho các nước châu Âu ».Trong những tuần tới đây sẽ lại có làn sóng ồ ạt người tị nạn đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ và điểm đến cuối cùng vẫn sẽ là các nước châu Âu. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là « Washington cũng như các cường quốc phương Tây khác trong gần 5 năm qua ra sức ủng hộ cuộc nổi dậy dân chủ, với thất bại này uy tín chiến lược của họ bị đảo lộn ».

Le Monde cay đắng nhận thấy : « Từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, chưa bao giờ Mỹ và các nước châu Âu lại tỏ ra bất lực trước Matxcơva như bây giờ ». Nhật báo chỉ rõ nguyên nhân « chính những thái độ né tránh của các nước phương Tây lặp đi lặp lại nhiều lần đã cho phép Kremlin trở thành người chủ ván cờ tại Syria từ khi Nga bắt đầu can thiệp ủng hộ chế độ Assad hồi tháng 9/2015 ». Đến giờ phương Tây mới thấy tuyệt vọng.

Tờ báo trích dẫn ông Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Đối ngoại Pháp nhận định : « Vladimir Putin hiểu rõ sự lựa chọn thoái lui của Washington và thiếu quyết tâm của các nước châu Âu … và sẽ là ảo tưởng khi tin rằng ta có thể ngăn những gì người Nga làm tại Syria trước khi chính quyền mới ở Mỹ đi vào hoạt động ».

Vẫn theo Le Monde, thì đây là một bài học cho Washington cũng như Paris và Luân Đôn. Matxcơva từ một năm nay đã làm tất cả để cứu chế độ Damas, đó là điều mà các nước phương Tây đã không làm được đối với phe đối lập ở Syria.

Nga không chỉ huy động không quân mà còn triển khai hệ thống tên lửa tối tân S-300 và S-400 để khóa chặt bầu trời Syria. Rõ ràng như vậy thì mục tiêu không còn chỉ là cuộc chiến chống khủng bố. Cách can thiệp của Nga đã giúp họ làm chủ hoàn toàn cuộc chơi, chặn mọi khả năng hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy.

Le Monde khẳng định, điều không thể chối cãi là « Vladimir Putin là người thắng lớn của trận chiến Aleppo. Về mặt quân sự, quân đội Nga đã chứng tỏ khả năng tác chiến ở xa trong chiến dịch đầu tiên ngoài không gian Xô Viết cũ. Về ngoại giao, đó cũng là thành công. Cuộc khủng hoảng Syria đã đưa Matxcơva trở lại thành người đối thoại ưu tiên, thậm chí đặc biệt của Washington, giống như thời chiến tranh lạnh ».

Le Monde khẳng định chiếm lại Aleppo chưa phải là chiến tranh kết thúc hay tình hình Syria đã ổn định. Nhưng giờ đây Nga có thể áp đặt những điều kiện cho các cuộc đàm phán tại Genève. Và ông chủ điện Kremlin đang gặp thiên thời địa lợi nhân hòa, khi mà tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump không giấu thiện chí tái lập mối quan hệ tốt đẹp với ông Putin ngay sau khi nhậm chức.

Bachar al-Assad củng cố vị thế trở lại

Thế thượng phong của Nga ở chiến trường Syria còn là một đòn bẩy cho sự tồn vong của chính quyền Bachar al-Assad. Le Figaro nhận định, với chiến thắng Aleppo : Bachar al Assad trở thành trung tâm của ván cờ Syria.

Tờ báo nhận định : « gần sáu năm sau khi cuộc chiến bùng phát, việc Aleppo thất thủ đã cụ thể hóa sự trở lại của Bachar al-Assad trên chính trường quốc tế. Giành chiến thắng Aleppo, tổng thống Syria đã phá tan viễn cảnh thay đổi chính quyền. Chủ trương, « thay đổi chế độ » mà các nước phương Tây mong đợi đã không xảy ra được ở Syria. Aleppo thất thủ có thể sẽ báo trước sự biến mất vĩnh viễn của lực lượng nổi dậy ôn hòa Syria vì khả năng hành động và quân số của họ đang ở mức thấp nhất. Nhiều người trên thế giới sẽ tìm thấy ở đây một lập luận mới bảo vệ cho việc tổng thống Syria ở lại ».

Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nga, Bachar al Assad sẽ còn nắm giữ quyền lực lâu dài ở Syria, cho dù đó là một đất nước hoang tàn đổ nát, nhưng ông ta vẫn là người trị vì.

Mỹ: Chính quyền mới mang sắc thái riêng của Trump

Một thời sự khác được các báo Pháp quan tâm theo dõi sau sự kiện Aleppo thất thủ, đó là chính quyền Trump đang dần hoàn thiện và đặc biệt với sự bổ nhiệm nhà tài phiệt dầu mỏ Rex Tillerson, chủ tịch tập đoàn Exxon Mobil, một người thân Nga vào chức vụ lãnh đạo ngoại giao Mỹ.

Trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa lớn trang nhất : « Ê-kíp ngoại cỡ sẽ lãnh đạo nước Mỹ ». Theo Les Echos, Donald Trump đã hoàn thiện bộ máy chính quyền theo hình ảnh của ông ta là : bất tuân nguyên tắc và hầu như không có kinh nghiệm lãnh đạo chính trị. Đó là chính quyền gồm chủ yếu những ông chủ doanh nghiệp lớn, trùm nhà băng. Tờ báo kinh tế nhận xét, « chính phủ Trump tới đây mang đậm nét của nhà tỷ phú với đặc tính : « Đàn ông mạnh mẽ, da trắng, giàu có ».

Hôm qua ( 13/12), Donald Trump lại có thêm một bổ nhiệm gây tranh cãi, ông Rex Tillerson, chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil, được giao lãnh đạo ngoại giao. Những mối liên hệ với nước Nga của ngoại trưởng Mỹ tương lai đang làm dấy lên lo ngại ngay trong đảng Cộng Hòa, nhất là lúc đang có những nghi ngờ Matxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ngoại trưởng thân Nga gây lo ngại

Báo la Croix cũng cô đọng hình ảnh bộ máy lãnh đạo mới của Mỹ bằng hàng tựa : « Chính quyền Trump sẽ giàu có, mạnh mẽ và thích Nga ».

Thông báo của Trump bổ nhiệm các chức vụ quan trọng của bộ máy lãnh đạo nước Mỹ được cả thế giới ngóng chờ theo dõi. Đến giờ về cơ bản những vị trí then chốt đã được ông Trump quyết định. Giàu thì có các gương tài phiệt, chủ nhà băng, mạnh có tướng quân James Mattis về nắm bộ Quốc Phòng, và vừa giàu vừa thân Nga có ông chủ Exxon Mobil nắm Ngoại Giao. Điểm chung cho những nhân vật đó là về từng lĩnh vực riêng họ có thể là người tài, nhưng đều trắng trơn về kinh nghiệm lãnh đạo chính trị và đều là những người trung thành với Trump.

Le Figaro thì nhận xét : Trùm dầu mỏ Rex Tillerson cho ngành « ngoại giao con buôn ». Donald Trump đã ca ngợi ông trùm dầu khí này như là « một trong những nhà thương lượng giỏi nhất thế giới », người « hiện thân cho giấc mơ Mỹ ».

Le Figaro cho biết thêm nhân thân của Rex Tillerson : Ông là một kỹ sư người gốc Texas đã kinh qua đủ các cấp lãnh đạo doanh nghiệp trong 41 năm qua. Tập đoàn Exxon Mobil của ông, giờ đây dẫn đầu trên thị trường chứng khoán, có mặt ở trên 50 nước. Trong sự nghiệp của mình, ông Tillerson đã từng lãnh đạo thành công các chi nhánh của tập đoàn ở Yemen, có quan hệ chặt chẽ với Qatar, từng quan hệ làm ăn với Nga từ những năm 1990. Đặc biệt là Rex Tillerson đã được tổng thống Nga Putin trao huy chương Hữu nghị năm 2013, vì đã tỏ thái độ chống trừng phạt Nga sau vụ Matxcơva thôn tính Crimée.

Ở Washington, người ta nhận thấy việc chỉ định Tillerson lãnh đạo Ngoại Giao lúc này như là một tín hiệu cởi mở với tổng thống Nga. Trong khi đó thượng nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng Hòa, John McCain, thì lại nhận định cay nghiệt rằng « đây là điều đáng quan ngại. Vladimir Putin là một kẻ côn đồ, hung bạo và là một kẻ sát nhân. Bất kỳ ai đều thấy ông ta là một kẻ dối trá ».

Với bản tính khó lường, ăn nói bốc đồng, các phát biểu mâu thuẫn nhau như Donald Trump, giới quan sát chỉ biết tự do suy diễn chứ không ai có thể hiểu thực sự ý đồ của tổng thống tân cử qua các vụ bổ nhiệm quan trọng vừa qua. Muốn biết cụ thể nước Mỹ sẽ được điều hành ra sao, dư luận lại phải chờ đợi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.