Vào nội dung chính
NGA - QUỐC TẾ

25 năm sau khi Liên Xô tan rã, những tham vọng nào cho nước Nga ?

Cách đây 25 năm, Liên Bang Các Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô đã bị tan rã sau 69 năm tồn tại. Ngày 08/12/1991, tổng thống Nga lúc bấy giờ là Boris Eltsine, cùng với các đồng nhiệm Ukraina là Leonid Kravtchouk và Belarus là Stanislav Chouchkevitch, đã ký giấy khai tử Liên Xô. Hiệp ước này đặt dấu chấm hết cho một trật tự thế giới được lập ra dựa ra sự đối đầu giữa hai cường quốc : Liên Xô và Hoa Kỳ.

Mikhail Gorbachev và Boris Eltsine, tại Nghị viện Nga trong một phiên họp, sau cú đảo chính hụt năm 1991.
Mikhail Gorbachev và Boris Eltsine, tại Nghị viện Nga trong một phiên họp, sau cú đảo chính hụt năm 1991. Georges DeKeerle/Sygma via Getty Images
Quảng cáo

Ngày nay, Vladimir Putin tìm cách đảo lộn trật tự hậu Xô Viết bằng cách cố gắng trả lại cho nước Nga vị thế cường quốc mà thế giới buộc phải để ý tới. Trên đây là những phân tích của phóng viên Anastasia Becchio trên đài RFI ngày 08/12/2016.

Một phần tư thế kỷ trôi qua sau sự sụp đổ của Liên Xô, 56% người Nga vẫn còn tiếc nuối sự tan rã đó, theo như thăm dò của trung tâm Levada ; 43% người Nga cho biết đã bị mất cảm giác và sự kiêu hãnh là công dân một cường quốc. Tuy nhiên, chỉ có 12% người được hỏi là ủng hộ phục hồi thể chế Liên Xô như trước đây.

Tâm tư đó được thể hiện trong hàng loạt các tuyên bố của Vladimir Putin về sự cáo chung của đế chế Xô Viết. Tổng thống Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sự biến mất của Liên bang Xô Viết là một bi kịch đối với người dân Nga và là « thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX », như ông đã từng nói trước nghị viện Nga năm 2005. Thế nhưng tổng thống Nga cũng khẳng định : « Chúng ta quen nói : ai không nuối tiếc Liên Xô là không có trái tim, ai muốn phục hồi Liên Xô là không biết suy nghĩ ».

Tái thiết đế chế ?

25 năm sau, tuy không có chuyện phục sinh Liên Xô, nhưng Vladimir Putin không giấu giếm tham vọng làm cho nước Nga trở thành cường quốc trong một thế giới đa cực. Khi chiếm lại Crimée từ Ukraina năm 2014, tổng thống Nga không ngần ngại nhào nặn lại các đường biên giới có từ năm 1991, bất chấp các thỏa thuận quốc tế. Điều này đã dẫn đến việc Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đưa ra các lệnh trừng phạt và điện Kremlin đã đáp trả qua các biện pháp chống trừng phạt.

Ông Jean-Sylvestre Mongrenier, chuyên gia Viện nghiên cứu địa chính trị Pháp, trường đại học Paris VIII và là thành viên Viện Thomas More phân tích : « Người ta có thể nói đến dự án tân Xô Viết. Dự án này bao hàm vấn đề lãnh thổ với ý chí lấy lại quyền kiểm soát các lãnh thổ mà xưa kia là thuộc Liên Xô ».

Vào tháng 8/2008, lần đầu tiên kể từ khi chế độ Xô Viết sụp đổ, Nga đã gởi chiến xa đến Gruzia nhằm cố gắng lấy lại quyền kiểm soát Nam Ossetia. Năm năm sau, sau cuộc cách mạng lật đổ tổng thống Ukraina Victor Ianoukovitch, Nga ủng hộ những mầm mống đòi ly khai, khi gởi quân đến Crimée đồng thời hỗ trợ các chiến binh thân Nga vùng Donbass. Ông Jean-Sylvestre Mongrenier nhắc lại : « Nhìn chung, Nga gây áp lực rất mạnh lên các nước láng giềng, kể cả các quốc gia vùng Baltic ».

Đối mặt với các mối đe dọa thật sự hay giả định, Estonia, Latvia và Litva thường xuyên bày tỏ các mối quan ngại của mình. Mặc dù là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, những quốc gia vẫn ám ảnh bởi nửa thế kỷ bị Liên Xô chiếm đóng, tỏ ra lo lắng về chính sách bảo vệ các cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga mà Matxcơva đang thực thi tại Ukraina.

Florent Parmentier, giảng viên thuộc Viện Khoa học Chính trị (Sciences Po), cộng tác viên của trung tâm nghiên cứu địa chính trị HEC cho rằng : « Nét đặc thù của các quốc gia vùng Baltic là có một cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga, lớn nhỏ tùy theo từng nước, ở mức vừa phải tại Litva, và ở Latvia và Estonia thì lớn hơn. Do vậy, đây là một dự án gây lo ngại »

Ông Parmentier cũng cho rằng chiến lược Nga bao hàm « phản xạ công-thủ. Nga vừa có ý muốn mở rộng ảnh hưởng đến mức tối đa tại những nước có liên quan, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được là cả thế giới đang cố gắng ngăn chận sự hội nhập khu vực với Nga là nòng cốt ».

Phá hoại các định chế xuyên Đại Tây Dương

Nga bị đe dọa do NATO tìm cách bao vây: Kremlin thường đưa ra luận điểm này, vì theo Matxcơva, hấp lực của Liên minh Bắc Đại Tây Dương hoặc Liên Hiệp Châu Âu đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là kết quả của một chiến lược chủ ý thu hẹp không gian ảnh hưởng của Nga. Ông Olivier Schmitt, phụ trách Hiệp hội nghiên cứu về chiến tranh và chiến lược, giáo sư thỉnh giảng về Khoa học chính trị tại đại học Nam Đan Mạch, nhấn mạnh:

« Một số hành động của Nga có thể được hiểu là kết quả của ý muốn xóa bỏ những định chế an ninh xuyên Đại Tây Dương. Học thuyết quân sự Nga nhận định rằng việc mở rộng khối NATO và bản thân sự tồn tại của Liên minh này là một mối đe dọa sinh tồn đối với Liên bang Nga. Và Nga sẽ được bảo đảm an ninh bằng cách làm suy yếu các định chế này. Do vậy, một trong những mục tiêu là phải có khả năng phá hủy các công cụ an ninh xuyên Đại Tây Dương ».

Vẫn theo ông Olivier Schmitt, để đạt được các mục tiêu của mình, Nga sử dụng các phương tiện không chỉ thuần túy quân sự, mà « còn có thể dưới các hình thức khá cổ điển khác như các âm mưu lật đổ, chiến tranh thông tin hoặc tài trợ cho các chính đảng dân túy có các chương trình chống lại những định chế an ninh xuyên Đại Tây Dương tại châu Âu ».

Chuyên gia này nhận thấy, mục tiêu mà Nga theo đuổi – phá vỡ sự gắn kết xã hội-chính trị của các xã hội phương Tây – lại được công luận tại một số nước châu Âu lắng nghe, bởi vì « các nước này thất vọng về nền dân chủ tự do hiện nay, họ đang chờ đợi những hô hào thay đổi. Khẩu hiệu của hãng thông tấn Nga Sputnik – chúng tôi nói với các bạn những điều mà người khác không nói cho bạn – khuyếch đại tâm lý của công dân là họ bị bộ máy Nhà nước tước đoạt : như vậy, ở đây có một nhu cầu của xã hội mà Nga có thể khai thác thông qua các phương tiện truyền thông của mình ».

Liên minh Âu-Á

Để tìm cách chống lại những định chế xuyên Đại Tây Dương, Nga đã lập ra, với ít nhiều thành công, các định chế riêng nhằm củng cố khu vực ảnh hưởng của mình tại nơi mà Matxcơva vẫn thường xuyên gọi là khu vực ngoại quốc gần gũi. Là một dự án lớn, do Vladimir Putin đưa ra từ đầu thập niên này, Liên minh Âu-Á, mà nguồn gốc ban đầu chỉ là một liên minh thuế quan, dự tính, trong tương lai, tiến hành hội nhập nhiều hơn về chính trị.

Ngày nay, có bốn nước tham gia cùng với Nga, đó là Belarus, Kazakhstan, Arménia và Kirghizstan, nhưng không có Ukraina. Quốc gia này kiên quyết quay sang phe phương Tây kể từ khi có cuộc cách mạng 2014. Liên minh này, « một hiệp hội siêu quốc gia mạnh, có khả năng trở thành một trong những cực trong thế giới hiện đại và sẽ trở thành cầu nối giữa châu Âu và vùng châu Á-Thái Bình Dương năng động.»

Jean Sylvestre Mongrenier giải thích, « Ukraina là hòn đá nền tảng cho các quan niệm địa chính trị Nga. Điều đó làm cho mọi người nghĩ rằng Nga chắc chắn sẽ không tìm kiếm một dạng thỏa hiệp trong cuộc khủng hoảng Ukraina ».

Ông cảnh báo những ai ở phương Tây vẫn cố bám lấy ý định « Phần Lan hóa » Ukraina để có được một sự thỏa hiệp với Nga. Chuyên gia thuộc học viện Thomas More thẩm định, nếu Ukraina trung lập, thì điều này cũng không làm thay đổi nhiều việc. « Về trung và dài hạn, Nga muốn biến Ukraina lại thành một nước vệ tinh của mình ».

Để đạt được các mục tiêu của mình, Vladimir Putin vẫn giữ lại các phương tiện gây sức ép : « Ông ta đã sáp nhập Crimée và gián tiếp kiểm soát một phần ba vùng Donbass. Tất cả những điều này trở thành điểm tựa hành động để gây sức ép đối với Kiev. Về lâu dài, ông ta tin rằng chính quyền Ukraina sẽ tan rã và các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ sẽ không quan tâm đến nước này nữa ».

Kremlin rất quan tâm đến các cuộc bầu cử vừa qua và trong thời gian tới ở phương Tây. Matxcơva hy vọng là cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp và bầu cử lập pháp ở Đức trong năm 2017, sẽ đưa các chính khách có xu hướng thỏa hiệp với Nga lên cầm quyền. Việc Donald Trump trúng cử đã làm cho các quan chức Ukraina lo ngại. Tổng thống tương lai của Mỹ đã nhiều lần tuyên bố không hề chống lại việc Nga lập « các vùng đệm ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.