Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Aleppo : Khúc quanh quyết định thắng bại trong cuộc chiến Syria

Đăng ngày:

Aleppo khó tránh được thất thủ. Lực lượng nổi dậy chống chế độ Syria bất lực trước sức mạnh áp đảo của không quân Nga và liên quân Syria-Iran-Hezbollah Liban-Shi-a. Sau ba tháng phản công, Damas sắp đạt được mục tiêu « kiểm soát phần lãnh thổ hữu ích ». Aleppo là chốt chận cuối cùng.

Quân đội chính phủ Syria  trên đường tiến vào kiểm soát toàn bộ Aleppo ngày 02/12/2016.
Quân đội chính phủ Syria trên đường tiến vào kiểm soát toàn bộ Aleppo ngày 02/12/2016. REUTERS/Omar Sanadiki
Quảng cáo

Chiến binh bị bao vây tứ phía, người dân bị cắt đứt mọi nguồn tiếp liệu, thiếu lương thực và liên tục chịu mưa bom, Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát mỗi ngày mỗi thu hẹp, từ nửa thành phố vào năm 2012 nay chỉ còn một phần ba diện tích khu vực phía đông. Từ 2 triệu dân xuống còn 200.000.

Aleppo, đối với Damas có hai giá trị quan trọng. Mất thủ đô kinh tế Aleppo vào năm 2012 là một đòn đau đối với tổng thống Bachar al-Assad về cả ba mặt chính trị, quân sự và kinh tế. Mất tinh thần, quân đội Syria đánh thua liên tục, trong vòng ba năm mất gần 80% lãnh thổ, ngoại ô thủ đô Damas lọt vào tay đối lập.

Cách nay một năm, Nga và Iran phải đưa quân giúp Bachar Al Assad. Matxcơva, vì muốn phô trương sức mạnh, trở lại vùng Trung Đông. Teheran, trả ơn Syria ủng hộ hết mình trong cuộc chiến Iran-Irak.

Nếu chiếm lại được Aleppo, chính quyền Bachar al Assad kiểm soát 5 thành phố lớn, đối lập võ trang chỉ còn Idleb, 160 ngàn dân và Daech tuy vẫn kiểm soát Raqa, nhưng « thủ đô » của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nằm trong tầm ngắm của lực lượng dân quân Kurdistan-Syria.

Dù vậy, sau khi lấy lại được Homs, Hama, nới rộng vòng đai an ninh ở Damas, củng cố thành phố duyên hải Lattaquié và với Alepo, chính quyền Bachar al Assad có thể yên tâm, không còn bị đe dọa về mặt quân sự lẫn chính trị. Từ vùng « Syria hữu ích » này, quân đội Nga và Damas có thể thường xuyên oanh kích các vùng khác làm cho đối phương luôn bị động.

Trong một bản thông cáo ngày 05/11/2016, lực lượng đối lập võ trang được tây phương hậu thuẩn tuyên bố sẽ chiến đấu « đến giọt máu cuối cùng ». Tuy nhiên, theo giới quan sát, và tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, thì Aleppo không thể giữ được, thậm chí xem như mất rồi.

Với thái độ lãnh đạm của các cường quốc, với quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An, và với sức mạnh quân sự phối hợp với quyết tâm chính trị và bộ máy tuyên truyền hiệu quả, Nga đã vô hiệu hóa mọi sáng kiến hoà bình và nhân đạo kể cả của Liên Hiệp Quốc, với dụng ý « thâm hiểm ». Đó là phân tích của chuyên gia Salam Kawakibi trong chương trình « Giải mã » của RFI ngày 30/11/2016.

Salam Kawakibi trước đây là viện trưởng Viện Cận Đông của Pháp tại Aleppo, nay là phó giám đốc Sáng Kiến Cải Cách Ả Rập, một cơ quan nghiên cứu chính trị gần gủi với đối lập dân chủ Syria.

Cán cân lực lượng tại Aleppo hoàn toàn bất lợi cho phe nổi dậy. Quân đội chính phủ Syria được đồng minh Nga, Iran, chiến binh Shi-a yểm trợ trên không và trên bộ áp đảo chiến trường. Thực tế ra sao ?

Salam Kawakibi : Tình hình rất bi thảm dù ở bên đông hay bên tây Aleppo nhưng thiệt hại nặng nhất là ở khu phía đông vì bị oanh kích liên tục từ ba tháng nay. Đông Aleppo hứng đủ loại vũ khí từ đại bác, tên lửa, bom xăng cho đến thùng « phuy » thuốc nổ TNT. Thêm vào đó là vòng vây của quân đội Syria không cho tiếp tế hàng cứu trợ nhân đạo. Hồi tháng 9 năm nay, một đoàn xe của Liên Hiệp Quốc bị oanh kích thế là sau đó không một đoàn xe nào khác cho dù là của Liên Hiệp Quốc hay một tổ chức quốc tế khác đến đông Aleppo. Bởi vì thủ phạm vụ oanh kích là không quân Nga.

Giới quan sát bi quan, Liên Hiệp Quốc lo ngại Aleppo « biến thành nghĩa trang tập thể » nếu Aleppo thất thủ. Trong khi đó Ngoại trưởng Nga thông báo thành lập bốn hành lang sơ tác thường dân ở khu vực đông Aleppo còn thì truyền hình Syria loan truyền hình ảnh dân chúng hai phía đông tây Aleppo chào mừng quân đội. Không thể phủ nhận chính phủ đang thắng trận quyết định ?

Salam Kawakibi : Vâng, đúng như thế. Dù sao đi nữa thì chiến tranh thành thị mà phe nổi dậy chọn lựa không phải là một chiến thuật tối ưu. Không một lực lượng đấu tranh nào có thể chiến thắng phe chính quyền bằng du kích chiến ở thành phố. Chúng ta không thể ngược dòng thời gian trở về 5 năm trước để tìm hiểu vì sao một phong trào cách mạng ôn hoà biến thành cuộc chiến võ trang sau khi bị chính quyền Damas đàn áp với cường độ thô bạo. Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến những giờ phút cuối cùng của một thành phố nổi dậy với khu vực phía đông hoàn toàn bị tàn phá và cho thấy rõ hố sâu xã hội đang chia cắt cộng đồng cư dân sống chung trong một thành phố.

Thật ra, chính quyền Damas không ưu đãi gì người dân ở phía tây Aleppo. Dân phía tây cũng bị trấn áp cho dù một bộ phận thuộc tầng lớp thượng lưu, lợi dụng chế độ tham ô cha truyền con nối của dòng họ al Assad, để làm giàu. Họ sống bám vào guồng máy như loài ký sinh trùng nên bằng mọi giá phải bảo vệ quyền lợi riêng.

Bên cạnh đó có những người dân sợ thay đổi. Sống lâu với không khí kềm kẹp họ quen dần và rơi vào hội chứng Stockholm, bênh vực kẻ đàn áp mình. Một số người khác lại nhút nhát, sợ bất trắc không dám chọn giải pháp thay đổi cuộc đời, chịu đựng bị chế độ sách nhiễu hơn là chấp nhận phiêu lưu tìm một cuộc sống mới.

Phần còn lại không có tự do ngôn luận, cũng như đông đảo dân chúng Syria, bị kềm kẹp từ năm 1958 đến nay.
Đâu là những mục tiêu sâu xa của Nga, Iran và Damas trong quyết tâm đẩy bật đối lập võ trang ra khỏi thành phố chiến lược Aleppo ?

Salam Kawakibi :Quân đội chính phủ Syria không đóng vai trò quan trọng nhất trong trận Aleppo. Lực lượng nồng cốt trên bộ là chiến binh Irak, Liban, Afghanistan theo hệ phái Shi-a vũ trang giáo điều triệt để. Họ tự cho là đang tham gia vào một cuộc thánh chiến để chiếm lại Aleppo, thành phố mà họ xem là của người Hồi giáo Shi-a từ nhiều thế kỷ trước. Chính lực lượng ngoại nhập này gây ra tội ác, trả thù thường dân. Để cho binh lính chính phủ cướp bóc, chiến binh Shi-a giành hãm hiếp phụ nữ và thảm sát tập thể. Họ đã phạm tội tại Homs, tại Daraya và đang phạm tội tại Aleppo.

Chiến thuật của quân đội Nga tại Aleppo, theo tôi, không khác gì ở Tchetnia. Trong số 10 ngàn quân nổi dậy chỉ có độ 250 chiến binh Al Qaida. Không lẽ vì muốn giết thiểu số chiến binh này mà oanh kích thô bạo vào thường dân Aleppo. Thế mà Nga đã ra tay không do dự như đã từng áp dụng chiến thuật này trong trận Grosny ở Tchetnia.

Còn đối với Damas, một khi tái chiếm được Aleppo, chính quyền « hoàn tất » mục tiêu kiểm sóat « phần lãnh thổ hữu ích » của Syria, gồm vùng duyên hải và các thành phố lớn, mặc kệ những nơi khác, không quan trọng.

Vào năm 1992, Sarajevo của Bosnia bị Serbia vây đến tháng thứ ba, tổng thống Pháp François Mitterrand, đến tận nơi tuyên bố không chấp nhận hành động bao vây hủy diệt sinh mạng thường dân và kêu gọi một biện pháp khẩn cấp, không thể trong chờ các cuộc tranh luận ở Liên Hiệp Quốc. Kết quả là Sarajevo đương cự thêm ba năm 8 tháng, cuối cùng được giải phóng. Liệu có cơ may cứu được Aleppo ?

Salam Kawakibi : Sự so sánh Aleppo với Sarajevo rất chính xác nhưng phản ứng chậm trễ và thái độ vô tâm của cộng đồng quốc tế cũng không khác gì. Vấn đề là những nhà lãnh đạo như François Mitterrand ngày nay rất hiếm. Trong khi đó thì nước Nga ngày nay lại mạnh hơn nước Nga khi xảy ra xung đột ở Nam Tư trong thập niên 1990.

Tôi so sánh Aleppo với Grozny vì đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc so sánh như thế. Ông Vitali Tchourkin đưa lên mạng Twitter hình ảnh thủ đô Tchetnia và Aleppo ngày nay và ghi rằng Aleppo sẽ được tái thiết như Grozny . Rõ ràng là Nga có dụng ý thâm hiểm tàn phá Aleppo để tìm chiến thắng quân sự. Với quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An, nhân đạo không phải là mối ưu tư của Nga.

Stephen O’Brien, đặc trách hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc khi trình bày về tình hình Aleppo tại Hội Đồng Bảo An đã bị đại sứ Nga cắt lời và diễu cợt : « thông điệp này chỉ xứng đáng rao giảng ở Nhà thờ ngày Chủ nhật». Ngay phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mà còn bị đại sứ Nga chế nhạo.

Sáng ngày 30/11/2016, một đoàn xe chở một số dân ở đông Alepo di tản theo hành lang do Nga thông báo. Đoàn xe này đã bị oanh kích. Nạn nhân là người già, phụ nữ và trẻ em. Thanh niên họ sợ bị bắt, bị thanh lọc nên đâu dám đi. Đây là cung cách của Nga.  Ở Grozny trước đây cũng thế, chính quyền Nga cũng tuyên bố lập hành lang cho dân Tchetnia sơ tán nhưng khi đoàn người đi vào hành lang này thì bị máy bay oanh tạc.

Tôi cho rằng người dân Aleppo đang trả giá cho thái độ phục hận của Nga sau 20 năm Matxcơva tự cho là bị cộng đồng quốc tế xem thường.

Trên đây là phần phân tích của chuyên gia Salam Kawakibi, thân cận với đối lập Syria, về tình hình Aleppo mà giới quan sát cho sắp thất thủ tạo ra một bước ngoặt trong chiến tranh Syria từ khi Nga can thiệp trực tiếp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.