Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Đến lượt cử tạ rơi vào tâm bão doping

Đăng ngày:

Gần một nửa các trường hợp dính doping trong kỳ Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh và Luân Đôn là các lực sĩ cử tạ. Tương lai của môn thể thao lâu đời liên tục có mặt ở các kỳ Thế Vận Hội mùa hè từ năm 1896 đang trở nên mù mịt, trong khi Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đang chuẩn bị sắp xếp lại chương trình các môn thi đấu Olympic.

Chủ tịch Ủy Ban thế Vận Quốc Tế Thomas Bach trong một cuộc họp báo về doping, tại Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 21/06/2016.
Chủ tịch Ủy Ban thế Vận Quốc Tế Thomas Bach trong một cuộc họp báo về doping, tại Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 21/06/2016. REUTERS/Denis Balibouse
Quảng cáo

Hôm 01/12/2016, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế công bố 104 trường hợp dương tính với doping trong mẫu xét nghiệm các vận động viên tham dự Thế Vận Hội mùa hè Olympic Bắc Kinh 2008 và Luân Đôn 2012. Trong đó có 48 trường hợp của môn cử tạ.

Trên đây vẫn chỉ là kết quả tạm thời, bởi CIO vẫn chưa tiết lộ hết toàn bộ bí mật của 1.243 mẫu phân tích lại. Giống như các môn điền kinh, đua xe đạp, môn cử tạ là môn vẫn thường hay dính doping, nhưng kết quả vừa được công bố là một đòn đánh mạnh vào uy tín của môn thể thao cơ bản trong chương trình Olympic hiện đại.

Đặc biệt có nhiều ý kiến đang muốn loại cử tạ ra khỏi các môn thi đấu ở Olympic, nhân đợt cơ cấu lại chương trình Thế Vận Hội của CIO sắp tới.

Hàng loạt các nhà vô địch, các á quân Olympic 2008 và 2012 sẽ bị thu hồi huy chương. Thậm chí, toàn bộ huy chương đã trao cho các vận động viên cử tạ hạng 94 kg ở Olympic Luân Đôn bị hủy. Những người đứng thứ chín giờ có thể nhận được huy chương đồng.

Nhân sự kiện này, tổng giám đốc kỹ thuật Liên Đoàn Cử Tạ Quốc tế (IWF) - ông Attila Adamfi - đã có trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP :

AFP: Trong số hơn một trăm trường hợp dính doing từ các kỳ Olympic Luân Đôn và Bắc Kinh mới được Ủy Ban Olympic Quốc Tế phát giác, có gần phân nửa liên quan đến môn cử tạ. Ông có ngạc nhiên về con số này không?

Attila Adamfi: Có, tất nhiên là chúng tôi ngạc nhiên. Các kết quả này gợi lên nhiều thắc mắc. Về các phân tích đó, chúng tôi cũng như toàn giới thể thao nói chung đều có nhiều câu hỏi không có câu trả lời. Chúng ta biết là có rất nhiều cuộc kiểm tra đã được tiến hành, biết bao nhiêu trường hợp đã bị phát hiện, nhưng không có một thống kê nào về các môn thể thao hay những nước có liên quan được công bố. Ví dụ như người ta không biết có bao nhiêu môn thể thao đã bị xét nghiệm, hay có bao nhiêu xét nghiệm được tiến hành trên mỗi môn thể thao.

Tôi công nhận cử tạ là một môn thể thao có nguy cơ cao, đó là điều không thể phủ nhận, bởi các hoại hóc-môn steroide rất có công hiệu trong môn cử tạ. Người ta có thể đặt các câu hỏi ai đã quyết định làm các xét nghiệm đối với các môn thể thao, đối với các nước có liên quan và đâu là tiêu chí để lựa chọn… Chúng tôi không bao giờ biết điều đó.

AFP: Ủy Ban Olympic Quốc Tế trong năm 2017 sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ chương trình thi đấu Olympic, ông có sợ môn cử tạ sẽ bị loại ?

Attila Adamfi: Lúc nào cũng có những người muốn rút cử tạ hay một số môn khác ra khỏi chương trình thi đấu Olympic. Đúng là cử tạ đang trong tình trạng nguy hiểm, nhưng môn thể thao của chúng tôi không bị đe dọa nhiều hơn so với với tất cả các môn Olympic khác. Mọi môn Olympic đều có nguy cơ khi mà lịch trình của CIO đến năm 2020 khuyến nghị sẽ có những thay đổi lớn trong các môn thể thao cũng như các nội dung thi đấu. Chúng ta đều biết có những môn thể thao khác đang gặp nhiều vấn đề vì tham nhũng hay bị thao túng. Tôi nghĩ rằng trong mỗi liên đoàn đều có chuyện. Điểm tích cực là CIO, cơ quan chống doping thế giới ý thức được những gì chúng tôi đang làm để chống nạn doping. Ở Liên Đoàn Cử Tạ Quốc tế, chúng tôi không sợ đấu tranh chống nạn doping.

AFP: Chính sách chống doping của Liên đoàn Cử tạ Thế giới có thực sự thay đổi ?

Attila Adamfi: Liên đoàn Cử Tạ Quốc tế luôn cố gắng đi tiên phong trong cuộc chiến chống doping vì, tôi nhắc lại, doping là một thực tế trong môn thể thao của chúng tôi, nhất là với các loại steroide rất công hiệu. Trước thực tế đó, chúng tôi là liên đoàn duy nhất đã tiến hành xét nghiệm tất cả các vận động viên trước các kỳ Thế vận hội Olympic. Từ năm 2008 - 2012, chúng tôi đã có nhiều cải thiện về các phương tiện chống doping.

Liên Đoàn Cử Tạ là một trong những liên đoàn duy nhất đã đưa chính sách chống doping vào trong hệ thống tuyển chọn vận động viên đi dự Olympic. Ban chấp hành có quyền loại một liên đoàn quốc gia ra khỏi Thế Vận Hội, như trường hợp liên đoàn của Bulgari đã bị loại trước Rio 2016. Ban chấp hành cũng có quyền rút bớt xuất dự của các nước. Hơn nữa, 99% trong số 255 vận động viên cử tạ có mặt ở Rio đều đã được xét nghiệm trước Thế Vận Hội với tổng số 900 xét nghiệm. Tại Houston, trong giải vô địch thế giới 2015, 49% trong số 584 lực sĩ có mặt đã được xét nghiệm và đã tìm được 24 trường hợp dương tính.

Quả bóng vàng và The Best FIFA có gì khác nhau?

Một năm thi đấu của làng bóng đá thế giới sắp qua, giờ là thời điểm của các giải thưởng vinh danh sự cống hiến của các cá nhân cầu thủ và huấn luyện viên trong môn chơi tập thể này. Mùa bóng năm nay có tới hai giải thưởng cho làng bóng tròn: Giải Quả Bóng Vàng trao thưởng vào ngày 13/12/2016 và giải thưởng mới của FIFA, có tên gọi « The Best », được trao ngày 09/01/2017.

Nhà báo Anlexandro Valente, trưởng ban Thể Thao của RFI sẽ giúp chúng ta phân biệt được hai giải thưởng cùng được trao cho một mùa bóng:

Năm 2010, FIFA và tuần báo France Football đã ký thỏa thuận cùng nhau tổ chức trao giải Quả Bóng Vàng với tên gọi Quả Bóng Vàng FIFA. Thỏa thuận này đã diễn ra êm ả trong vòng 5 năm, rồi sau đó hai bên đã không còn thống nhất được với nhau nữa. France Fotball đã thu hồi giải thưởng còn FIFA, dưới thời tân chủ tịch Gianni Infantino, quyết định lập ra một giải mới của riêng mình, với tên gọi như đã biết: The Best - Người xuất sắc nhất.

So với giải Quả Bóng Vàng của France Football được trao cho cầu thủ xuất sắc nhất thế giới ở mùa bóng trong năm, giải của FIFA cũng trao cho cầu thủ xuất sắc nhất và cả huấn luyện viên bóng đá nam và nữ xuất sắc nhất, bàn thắng đẹp nhất… .

Để có kết quả vào ngày 09/01/2017, ai sẽ là người bỏ phiếu bình chọn người sẽ là The Best?

FIFA đã phải hành động nhanh vì thỏa thuận với France Football đổ vỡ được thông báo cách đây có 2 tháng, FIFA không có nhiều thời gian. Theo truyền thống, FIFA vẫn trao các giải trước đây trên cơ sở các phiếu bầu chọn của các huấn luyện viên và thủ quân của các đội tuyển quốc gia. Với The Best, FIFA vẫn giữ khuôn khổ cũ nhưng thêm sự bầu chọn của giới phóng viên thể thao. Lần này cách làm còn hơi vội, FIFA hứa sẽ điều chỉnh lại trong kỳ trao giải năm tới. Ngoài giới nhà báo, FIFA còn tổ chức lấy phiếu của người hâm mộ, bầu qua internet. Việc tổng hợp phiếu của cả giới chuyên môn kỹ thuật, giới quan sát và công chúng này sẽ rất phức tạp, không biết kết quả sẽ thế nào.

Riêng giải Quả Bóng Vàng thì chỉ lấy phiếu bầu của đại diện giới nhà báo. Người ta công bố từ tháng 10/2016 một danh sách khoảng ba chục cái tên, để trên cơ sở đó bầu ra người chiến thắng. Chúng ta sẽ biết được kết quả này vào ngày 13/12/2016.

Có phải như thế có qua nhiều giải thưởng, nên chăng chỉ cần 1 là đủ ?

Người ta cũng đã nghĩ đến điều đó trước năm 2010. Khi đó người ta cũng thấy làm lạ cùng lúc có giải Quả Bóng Vàng rồi, nhưng giải FIFA lại vẫn trao cho cùng một người. Năm nay có khi sẽ lại xảy ra như vậy. Nhưng tôi cho là giải của France Football vẫn giữ được danh tiếng giá trị vốn có, đó vẫn là một giải thưởng quan trọng. Trong khi đó FIFA đã phát triển rộng giải của mình, biến nó thành một dạng như kiểu giải Oscar trong bóng đá, với nhiều hạng mục trao giải hơn, với nghi lễ hoành tráng hơn. Hiện tại, tôi thấy không có sự cạnh tranh nào giữa hai giải thưởng này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.